Con trẻ khổ vì người lớn

07:00 | 19/12/2013

798 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thì ra sau một hồi buông hẳn, thả hết khiến thị trường sữa mặc sức tự tung tự tác về giá cả, chất lượng, đến mức giá sữa tăng 600%, nay lại chuyển qua nắm kỹ, quản chặt khiến con trẻ lại khổ vì người lớn.

Năng lượng Mới số 283

Trên thế giới có 156 quốc gia chỉ cấm quảng cáo sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, số còn lại cấm quảng cáo sản phẩm cho trẻ dưới 24 tháng tương tự quy định mới mà nước ta áp dụng. Việc cấm đoán này là để bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có bé dùng sữa mẹ đến 24 tháng tuổi và việc cấm hoàn toàn quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ đến tuổi này khiến các doanh nghiệp kêu ca vì họ muốn quảng cáo mà không được.

Ở nước ta, ít có mặt hàng tiêu dùng thiết yếu bị buông lỏng như sữa. Theo các chuyên gia, nhiều năm qua, các sản phẩm sữa - mà nay gọi là thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ từ 6 tuổi trở xuống - đã liên tục tăng giá với tốc độ chóng mặt, dù sữa đã được đưa vào danh mục hàng hóa phải kê khai giá từ năm 2007. Thống kê cho thấy, giá các sản phẩm này đã tăng khoảng 30 lần trong 6 năm. Như vậy, trung bình cứ hơn 2 tháng, giá sữa lại tăng 1 lần!

Chuyện quản lý giá sữa suốt một thời gian dài chẳng khác nào “ném đá ao bèo”. Song, rõ ràng, nếu loại trừ các yếu tố bên ngoài như giá nguyên liệu, tỉ giá, chi phí kinh doanh… thì đa phần những lần tăng giá sữa đều là do doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật, nhất là với sữa nhập khẩu để kiếm lợi từ bình sữa trẻ con. Người ta ngờ rằng, có lợi ích nhóm trong việc này.

Tình hình quản lý sữa lộn xộn dẫn đến việc phải có một dự thảo nghị định. Tuy nhiên, ngay trong quá trình dự thảo, Bộ Tư pháp đã phát hiện có một số bất hợp lý trong dự thảo. Theo đó, điều 13 dự thảo nghị định quy định: Thầy thuốc, nhân viên y tế có trách nhiệm chỉ định trường hợp trẻ nhỏ phải dùng sữa thay thế sữa mẹ và không được kê đơn sử dụng sản phẩm thay thế sữa mẹ trong trường hợp không cần thiết. Bộ Tư pháp đề nghị cân nhắc việc quy định thầy thuốc kê đơn, chỉ định cho bà mẹ sử dụng sản phẩm thay thế sữa mẹ vì sản phẩm này không thuộc diện chỉ định, kê đơn trong cơ sở y tế theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Sữa là thực phẩm thông thường và ai có nhu cầu thì mua. Việc bình ổn giá sữa là chính sách nhân đạo của chính quyền các địa phương, hoàn toàn khác với việc đặt ra quy định phải kê đơn mới được dùng. Rõ ràng là một quy định thừa và không khả thi. Lại còn có quy định trên nhãn sữa rằng, phải có hướng dẫn “cho trẻ ăn bằng cốc, thìa hợp vệ sinh” cũng là không cần thiết trong nghị định.

Được biết, Luật Quảng cáo 2012 quy định cấm hoàn toàn quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Riêng nhóm sữa cho trẻ 12/24 tháng tuổi, luật chỉ cấm quảng cáo nếu sản phẩm có ghi nhãn là thay thế sữa mẹ, còn sữa tăng trưởng vẫn được quảng cáo bình thường.

Các chuyên gia đã “đọc vị” các ý kiến về cấm hay cho phép quảng cáo sữa, yêu cầu thầy thuốc kê đơn bán sữa cho trẻ… có vẻ như có “mùi” xung đột quyền lợi. Thì ra sau một hồi buông hẳn, thả hết khiến thị trường sữa mặc sức tự tung tự tác về giá cả, chất lượng, đến mức giá sữa tăng 600%, nay lại chuyển qua nắm kỹ, quản chặt khiến con trẻ lại khổ vì người lớn.

Thọ Vinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc