Con kiến mà kiện củ khoai

06:56 | 24/11/2013

8,531 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Cái Kiến mày kiện củ khoai”, nghĩa là kiện tụng vô vọng. Cho đến bây giờ, cái Kiến lại đứng về phe số đông - người dân và củ khoai là quan chức nên muốn kiện quan là khó thắng lắm!

Bảo Dân (NLM số 276)

Cái Kiến, cô con gái phú ông có giấu củ khoai bằng vàng cho bạn tình làm sính lễ. Không ngờ hôm dẫn dâu, củ khoai bằng vàng bị đánh tráo thành một củ khoai luộc thực sự. Sau hai người cùng chết xuống âm phủ và cái Kiến đã kiện với Diêm Vuơng vụ củ khoai này khiến Diêm Vương cũng bó tay luôn. Vì thế mới có câu: “Cái Kiến mày kiện củ khoai”, nghĩa là kiện tụng vô vọng. Cho đến bây giờ, cái Kiến lại đứng về phe số đông - người dân và củ khoai là quan chức nên muốn kiện quan là khó thắng lắm!

Thế nhưng, trời đất thay đổi và đã có chuyện con kiến thắng kiện củ khoai.

Một nông dân ở Cần Thơ thắng kiện ông chủ tịch tỉnh và được đền bù tiền thu hồi hơn hai công đất bị  xếp thành đất công, bất chấp việc ông già này đã sử dụng đất từ khi chưa giải phóng.

Một tiểu chủ ở Tây Nguyên thắng kiện ông chủ tịch tỉnh Phú Yên việc thu giữ chiếc xe chở hàng của bà. Tài xế tham tiền, chở gỗ lậu bị phạt là đúng nhưng thu giữ xe là sai. Việc Cảnh sát Môi trường tỉnh Hải Dương phải đền bù đến 650 triệu đồng cho ngư dân huyện Cần Giờ TP HCM khi để 2 tấn bạch tuộc bị hư hỏng, được cho là tín hiệu đáng mừng vì trong các vụ này, việc cá nhân chịu trách nhiệm rất khó xác định. Sự cầu thị của Công an Hải Dương được dư luận ghi nhận, song nếu như Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang không yêu cầu cơ quan này báo cáo, liệu họ có thực tâm muốn sửa sai? Bởi trước khi có ý kiến của Bộ trưởng Trần Đại Quang, chính Cảnh sát Môi trường Hải Dương đã khẳng định, họ không có trách nhiệm bồi thường.

Việc lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn vội vàng đem tiêu hủy hơn 4 tấn cá tầm trong khi chưa có lời giải thích thỏa đáng đối với chủ hàng, khiến người ta liên tưởng tới câu chuyện lô hàng bạch tuộc bị Công an Hải Dương bắt giữ. Việc lái xe đã xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh mà lực lượng quản lý thị trường vẫn khăng khăng cho rằng lô hàng không có nguồn gốc xuất xứ, khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi về sự công tâm, khách quan trong quá trình thực thi công vụ của những cán bộ trực tiếp xử lý vụ việc.

Hậu quả là 4 tấn cá tầm, thành quả lao động có được từ biết bao mồ hôi, nước mắt của những người nông dân, là khối tài sản khổng lồ của những người buôn bán đã bị đổ xuống sông xuống biển chỉ trong phút chốc.

Trong sự việc này, liệu Quản lý thị trường Lạng Sơn có thực tâm muốn sửa sai, hay sẽ “đợi” Bộ trưởng Bộ Công Thương có công văn yêu cầu báo cáo quá trình giải quyết, giống như vụ việc xảy ra tại Hải Dương?

Công dân đóng thuế để trả lương cho những người làm việc trong các cơ quan công quyền của Nhà nước, nên nhân dân cũng có quyền đòi hỏi những người này phải chịu trách nhiệm nếu làm sai, gây ra hậu quả trong quá trình thực thi công vụ. Trong một xã hội tiến bộ mà việc sửa sai của những người thừa hành luật pháp cố ý làm sai, gây thiệt hại cho người dân lại được coi là hy hữu, lại được ví von kiểu “con kiến” thắng kiện “củ khoai”. Đó là điều không bao giờ nhân dân có thể chấp nhận.

Bởi lâu nay, cơ quan công quyền thừa hành pháp luật, còn người dân là đối tượng để cơ quan công quyền điều chỉnh, kiểm tra, giám sát, xử lý nếu vi phạm. Vì thế, khi người dân thắng kiện cơ quan công quyền chứng tỏ pháp luật đã không phân biệt ai, pháp luật đã được thực thi hiệu quả. Và là tín hiệu đáng mừng.

Cơ quan công quyền có thể sai. Vấn đề là người thực thi pháp luật có dám thừa nhận nó không. Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn đang có những diễn biến rất lạ khi tất cả cán bộ từ điều tra viên đến thủ trưởng cơ quan điều tra đều phủ nhận tội ép cung, sử dụng nhục hình để buộc ông Chấn - vốn là người thiện phải nhận mình là kẻ giết người để chịu án oan 10 năm tù, trong khi các điều tra viên đều lên lương, lên chức. Bây giờ họ “chúng khẩu đồng từ” chối hết, chối sạch, kể cả ông Chấn đâm đơn kiện họ thì vẫn là kiện củ khoai à?

Hồi đầu tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Văn Lang (ngụ ở phường 24, quận Bình Thạnh, TP HCM) - người đầu tiên ở TP HCM khởi kiện “lô cốt” gây thiệt hại đến nhà cửa và việc kinh doanh của gia đình, cũng đành buông sau gần chục năm theo đuổi vụ kiện, “số tiền tôi được bồi thường chưa đủ so với số tiền tôi chi phí cho vụ kiện”.

Bây giờ mà hàng ngàn hộ nông dân ở Quảng Nam đã phải hoảng loạn chạy tứ tán để tránh lũ từ thượng nguồn khi thủy điện xả lũ sai quy định, có ý kiến cho rằng người dân có thể kiện, đòi chủ công trình thủy điện bồi thường thiệt hại vật chất cũng như tinh thần. Mới nghe đã thấy thua. Này nhé, người dân tưởng “vỡ đập thủy điện” chứ không phải ông dự án thủy điện buột miệng thông báo nhầm. Thủy điện là để điều tiết nước, nước nhiều quá thì điều tiết xuống phía dưới, có gì đâu mà càm ràm, thắc mắc.

Đấy là chưa kể, đòi bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần xem ra cũng chẳng mấy thuyết phục. Mưa lũ là tại ông trời, thủy điện cũng phải gồng mình lo lắng, có được yên ổn phút nào đâu. Bao nhiêu sự cố xảy ra với thủy điện rồi còn gì. Lỗi trước nhất phải tại ông trời gây bão gây mưa, ai thích đi kiện trời như ông cóc ngày xưa, xem có hy vọng được gì không rồi hẵng quay xuống thủy điện nói chuyện. Thiệt hại tinh thần thì khỏi nói rồi, đành rằng người dân hoang mang sợ hãi, nhưng cái đó quý vị định đo kiểu gì đây? Chẳng lẽ cả làng ký tên vào đơn kiện chỉ với lý lẽ rằng tôi sợ. Chưa kiện đã biết là thua, thôi thì im lặng là vàng, hủy ngay quyết định đi kẻo hối không kịp.

Hay những vụ việc như người tiêu dùng bức xúc với giá xăng dầu trong nước không theo giá thế giới, hay việc Quỹ Bảo trì đường bộ dùng sai mục đích khi quyết không chi một đồng tiền nào cho những người bị tai nạn do đường xấu, nhưng sẵn sàng chi hàng tỉ đồng để hỗ trợ thất nghiệp... có lẽ cũng nên từ bỏ ý định càng sớm càng tốt. Rồi vẫn là “con kiến mà kiện củ khoai” thôi, thời gian đó đi uống cà phê như mấy vị công chức cắp ô còn bổ dưỡng cho tinh thần.

Có câu “đừng thấy đỏ mà tưởng chín”. Đúng là ở nơi này, nơi nọ đã có vụ việc dân kiện quan và thắng kiện. Tuy nhiên, ngay các vị đại biểu Quốc hội đang họp ở Hà Nội, đã thừa nhận là rất cần có các vụ xử quan chức theo đơn kiện của dân, nhưng khó đây.

Trước hết, trong tâm lý quan trường, việc này tập thể đã bàn và đã quyết. Cá nhân chủ tịch là người ký văn bản, nay sai lại chỉ một mình tôi bị kiện là không công bằng. Vì vậy, rất nhiều trường hợp, các chánh, phó văn phòng hoặc giám đốc sở là người “đóng thế”. Ở cấp huyện cũng có tình trạng tương tự. Mới đây lại có việc bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo. Chủ tịch bị kiện lại còn thua kiện, tất sẽ mất phiếu.

Không ít trường hợp lãnh đạo địa phương nói thẳng ra, nếu thua kiện tôi sẽ từ chức. Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga đã không ngần ngại nói về chuyện tế nhị, góc khuất trong công tác cán bộ bởi cấp ủy địa phương được tham khảo ý kiến về bổ nhiệm thẩm phán khiến các quan tòa cũng run tay trong phán quyết, bác bỏ văn bản trái luật của Phó bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh. Vướng mắc về tổ chức này không thể khắc phục ngay nếu không có thay đổi căn bản về tổ chức tòa án địa phương. Vấn đề bây giờ, nếu  khiếu kiện đúng thì pháp quan cũng phải xử, dù là khoai luộc hay khoai vàng mười!

B.D