Chống tham nhũng trong đấu thầu

07:00 | 17/06/2013

1,030 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Vào đúng lúc các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận dự án Luật sửa đổi Luật Đấu thầu thì báo chí phát hiện một vụ đấu thầu đầu tư công có dấu hiệu tham nhũng ở Quảng Ngãi. Thông qua đợt giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tại Trường THCS Long Hiệp (huyện Minh Long), đoàn giám sát “bất ngờ” với kinh phí đầu tư một nhà vệ sinh chỉ có 29m2 nhưng tốn gần 600 triệu đồng.

Tầm Văn (NLM số 230)

Sau mấy tháng sử dụng, phòng dành cho nữ sinh bị mất cửa ra vào, hầu hết công trình vệ sinh đã xuống cấp, ẩm mốc. Các thiết bị trong công trình vệ sinh hư hỏng nặng. Thầy Hiệu trưởng Võ Văn Minh cho biết: Công trình này do Sở Giáo dục và Đào tạo thiết kế, xây dựng và bàn giao sử dụng công trình vệ sinh với giá “khủng” như thế này. Khi tiến hành xây dựng, chủ đầu tư chỉ định thầu cho Xí nghiệp Xây dựng Vĩnh Đạt (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) thi công. Đây chỉ là một ví dụ về chỉ định thầu trong đầu tư công.

Xin kể lại một vụ thông thầu bị hủy kết quả khá ngoạn mục ở Hà Nội. Tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh được UBND TP Hà Nội và UBND huyện Đông Anh cho phép tổ chức đấu thầu quyền sử dụng 33 suất đất kẹt, trong đó có 14 miếng đất nằm ở mặt đường, với mức giá sàn là 2,8 triệu đồng/m2. Tổng số có 63 người đăng ký tham gia dự thầu. Những người dự thầu đã tổ chức cuộc họp để bàn bạc, thống nhất ngầm chỉ bỏ thầu 3-3,8 triệu/m2 ở 14 suất đất mặt đường, trong khi đó giá đất mặt đường ở thôn Châu Phong có giá trung bình 4,8-5 triệu đồng/m2, ai trúng phải trả thêm tiền cho người không trúng. Những miếng đất ở sâu bên trong khu dân cư, họ thống nhất chỉ đặt giá 2,8 triệu đồng/m2. Mọi việc diễn ra theo như sự tính toán từ trước của  những người tham gia dự thầu. Ngay sau đó, mỗi trường hợp trúng thầu mua các suất đất phía trong khu dân cư thôn Châu Phong được chia cho 38 triệu đồng. Ngoài ra, những trường hợp không trúng thầu và trả giá 3,2-3,8 triệu/m2 đất mặt đường nhưng không mua được, cũng được chia tiền, số tiền còn lại 131.100.000 đồng. Do lộ chuyện thông thầu, UBND huyện đã hủy kết quả, cảnh cáo những người thông thầu và buộc họ phải trả lại tiền thu lợi bất chính.

Một cuộc khảo sát từ 8.053 doanh nghiệp (DN) trong nước cũng cho thấy, tuy tham nhũng vặt đã giảm bớt song tham nhũng trong đấu thầu công lại tăng lên qua các năm. Có tới 42% DN đã trả hoa hồng cho cán bộ có liên quan để đảm bảo giành được hợp đồng với cơ quan Nhà nước, tăng mạnh so với năm 2011. Tỷ lệ DN tham gia hối lộ trong mua sắm công cũng rất khác nhau, tùy thuộc vào quy mô, mức độ tăng trưởng, mối quan hệ của DN, ngành nghề và mức độ tập trung của ngành. Đáng chú ý là DN tăng trưởng tốt có xu hướng đưa hối lộ nhiều hơn, nghĩa là những DN thực hiện hoạt động này có khả năng phát triển cao hơn trong môi trường kinh doanh khó khăn.

Cũng theo nhóm khảo sát, tỷ lệ tham nhũng có xu hướng gia tăng khi chủ DN có mối quan hệ với cán bộ chính quyền. Tuy nhiên, mối quan hệ này cho thấy, DN lâu năm có khả năng xây dựng, phát triển mối quan hệ để chiếm ưu thế hơn so với khối tư nhân.

Thảo luận sửa đổi Luật Đấu thầu, một trong những vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm là quy định về chỉ định thầu. Có ý kiến đề nghị, việc chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong trường hợp bất khả kháng do thiên tai, địch họa, sự cố cần khắc phục ngay, trường hợp do yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài và một số điều kiện khác thì như quy định của Luật Đấu thầu hiện hành.

Một số ĐBQH yêu cầu làm rõ hơn về trách nhiệm của các chủ đầu tư và ban quản lý dự án, trong trường hợp chỉ định thầu nhằm tránh hiện tượng chậm tiến độ, chất lượng dự án kém đổ tội cho cơ quan chỉ định thầu.

Theo một số ĐBQH, dự thảo luật cần làm rõ việc các bộ có được phép làm chủ đầu tư dự án không, nếu quy định không rõ sẽ dẫn tới việc bộ chuyên ngành sẽ không được làm chủ các dự án của ngành mình. Đơn cử, Bộ Giao thông Vận tải không được làm chủ các dự án giao thông, Bộ Y tế không được làm chủ đầu tư các dự án bệnh viện...

Đại biểu Đinh La Thăng cho rằng, nếu không làm rõ quy định trên sẽ dẫn đến hiện tượng tất cả các nhà thầu của Bộ Giao thông Vận tải sẽ không được tham gia các dự án giao thông vốn ODA, các đơn vị giao thông không được tham gia đấu thầu nhưng thực tế vẫn làm vì đứng sau doanh nghiệp khác.

Do vậy cần quy định rất cụ thể, theo đó các bộ chuyên ngành vẫn làm chủ đầu tư và phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Đồng thời, các doanh nghiệp trong ngành cũng được tham gia đấu thầu một cách bình đẳng như mọi doanh nghiệp khác.

Việc quy định giá sàn xây dựng trên cơ sở định mức đơn giá hiện hành là rất cần thiết nếu không nhiều doanh nghiệp sẽ bỏ giá rất thấp xong không làm hoặc làm chây ỳ. Thực tế như dự án đường Hà Nội - Lào Cai chậm tiến độ, chủ đầu tư không làm gì được nhà thầu chính Keangnam, mà chỉ xử lý được nhà thầu phụ. Cũng theo nhiều đại biểu, dự thảo luật sửa đổi có tới 37 điều giao cho Chính phủ hướng dẫn ảnh hưởng đến nội dung luật hóa khiến luật khó đi vào cuộc sống. Sửa luật để chống tham nhũng trong đấu thầu đầu tư công đã thực sự cấp bách!

T.V

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc