Chọn iPhone hay là “Ai lúa”?

16:10 | 16/05/2013

804 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – “Có nên sản xuất iPhone để bán mua gạo thay vì trồng lúa?” đó là nội dung trọng tâm trong buổi tọa đàm mang tên rất lạ: “iPhone hay Ai lúa – Lựa chọn phát triển bền vững cho Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Rất nhiều ý kiến cho rằng nên sản xuất iPhone bán đi để mua gạo thay vì trồng lúa bởi hiện tại có một thực tế rằng người Mỹ chỉ cần bán đi một chiếc điện thoại iPhone là cả thể mua một tấn gạo của nông dân Việt Nam. Trong đó, iPhone là một biểu tượng cho công nghiệp hóa, “Ai lúa” là tượng trưng nền nông nghiệp nước ta. Và đứng trước tình trạng “bán một chiếc điện thoại iPhone mua được cả tấn gạo”, vấn đề đặt ra là nước ta nên tập trung cho công nghiệp hay nông nghiệp?

Chọn iPhone hay là "Ai lúa"?

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn (IPSARD) cho biết những năm qua các nước rơi vào khủng hoảng tài chính, công nghiệp và dịch vụ đi xuống thì nông nghiệp vẫn tăng trưởng.  Cụ thể trong năm 2012, tỷ trọng nông nghiệp đạt 21% trong GDP.

Ngoài ra, nền nông nghiệp Việt Nam đã làm được nhiều điều kỳ diệu là trong khi nước ta liên tục nhập siêu nhất là các ngành sản xuất công nghiệp, thì chỉ có ngành nông nghiệp là luôn xuất siêu. Và năm 2012, Việt Nam đã vươn lên thành quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.

Đặc biệt, trong năm qua sản lượng lương thực, chăn nuôi đều tăng giúp kìm hãm CPI (chỉ số giá tiêu dùng) ở mức thấp nhất trong 8 năm trở lại đây. Công nghiệp suy trầm, dẫn tới sức mua giảm, và quan trọng hơn cả là giá nông sản rẻ đã đóng góp lớn trong việc kéo thấp CPI.

Tuy nhiên, thành tựu ấy của nền nông nghiệp là đang dựa vào giá nông sản thấp, mà giá nông sản thấp lại là con dao hai lưỡi, tốt đối với toàn dân nhưng đối với nông dân thì là thiệt.

Và trước những thách thức của công nghiệp hóa người dân nông thôn phải đối mặt với nhiều rủi ro như bị lấy đi tài nguyên, bị đổ chất thải, biến đổi khí hậu làm gia tăng thiên tai, gây mất đất, cạnh tranh bất bình đẳng,..

Hơn 70% lao động nông thôn phải hy sinh đến mức bị đẩy đi làm việc trong những lĩnh vực không chính thức, không đào tạo, không ký hợp đồng, không bảo hiểm như: giúp việc, cửu vạn, bia ôm, xe ôm, dọn vệ sinh...

Đặc biệt, 70% dân số là nông dân ấy lại là “một khối câm lặng khổng lồ, vì họ không được bàn bạc”, điển hình nhất mới đây là chuyện ai tạm trữ lúa gạo mà mấy bộ, ngành tranh luận mãi không xong, nông dân thì lại là người “đứng bên lề”.

Trong khi đó bài học kinh nghiệm của những nước từ nông nghiệp đi lên công nghiệp hóa thành công là phải gắn kết nông thôn với đô thị, nông nghiệp với công nghiệp. Họ luôn tập trung vào nông thôn, trao quyền cho nông dân ngay từ đầu quá trình công nghiệp hóa. Nước ta thì ngược lại, “chính sách của chúng ta không tạo được điều kiện thuận lợi và dễ dàng cho người dân nông thôn” – ông Sơn nói.

Tình trạng suy giảm kinh tế đang ngày càng rõ rệt. Tổng cầu giảm mạnh, tồn kho thì chồng chất, nợ xấu thì khổng lồ, sức mua thì kiệt quệ, doanh nghiệp thì thi nhau lăn ra chết, một nửa số chưa chết thì hấp hối với số lỗ lên tới 50 ngàn tỷ…

Và cũng trong tình trạng khủng hoảng ấy, người ta bắt đầu nhắc đến điều kỳ diệu trong nông nghiệp, là ngành luôn xuất siêu và là một nguồn thu ngoại tệ ổn định bất chấp khủng hoảng, suy giảm gì!

Vậy giữa iPhone và “Ai lúa” chúng ta nên lựa chọn thế nào? TS Đặng Kim Sơn có câu trả lời rằng: “Về tương lai, Việt Nam tuy không thành công xưởng của thế giới như Trung quốc nhưng chúng ta có thể là cái bếp, vườn hoa, khu vườn của thế giới nếu chúng ta đi đúng cách”.

Như vậy, vấn đề tiếp theo là ai sẽ ra tay giúp nông nghiệp đi đúng cách?!

 Trúc Vân