Cấp thôn dễ lộ - cấp bộ khó khui

06:30 | 26/10/2013

772 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dư luận cử tri rất bức xúc vì số vụ việc tham nhũng được phát hiện chủ yếu là các vụ nhỏ nhặt, gây thiệt hại không lớn về tiền, tài sản của Nhà nước với đối tượng phạm tội chủ yếu là cán bộ cấp xã hoặc ở thôn, làng, bản. Số vụ tham nhũng lớn, xâm phạm nghiêm trọng tài sản, vốn của Nhà nước ít được phát hiện.

Nghĩa Văn (NLM số 268)

Xem những thông tin sau đây càng thấy rõ tham nhũng cấp thôn dễ lộ, cấp bộ khó khui.

- Một số hộ nghèo ở xã Hoằng Xuyên, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa tố cáo cán bộ xã “vòi” tiền các hộ để lập hồ sơ xin tiền hỗ trợ, bỏ túi 14,6 triệu đồng. Vụ việc vỡ lở, các quan xã này bị xử lý.

- Cán bộ xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế tham nhũng gần 49 triệu đồng và gây thất thoát hơn 38 triệu đồng tiền chính sách. Quan mới lên thay cũng ham ăn, chiếm luôn 40 triệu đồng bằng thủ đoạn như tiền nhiệm.

- Cán bộ thôn của xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh khai khống 85 nhân khẩu để tham ô quà cứu trợ bão lụt gồm 1.504kg gạo, 15 triệu đồng, 32 bộ chăn, màn. Các quan thôn ấp này còn ăn chặn cả thịt hộp, mì tôm và khoai lang giống.

Những tin tức như thế này xuất hiện nhan nhản trên các báo càng làm rõ quan ngại của các đại biểu Quốc hội rằng, chúng ta chủ yếu mới phát hiện tham nhũng cấp thôn bản, khi thanh tra 804 vụ chỉ phát hiện 1 vụ tham nhũng vặt chỉ đáng xử lý hành chính!?

Trong năm 2013, ngành thanh tra phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỉ đồng, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ, 34 đối tượng.

Lực lượng cảnh sát điều tra đã khởi tố mới 233 vụ, 568 bị can gây thiệt hại khoảng 9.260 tỉ đồng, 51.000 lượng vàng SJC nhưng chỉ mới thu hồi trên 900 tỉ đồng.

Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ, 584 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm tới 41,2% nhưng số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ lại chiếm tới 31,2%.

Vì vậy Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đánh giá việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Hành vi vi phạm pháp luật và số tài sản sai phạm liên quan phát hiện được rất lớn, nhưng việc phát hiện ra hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản còn rất ít.

Tại các địa phương, cơ quan thanh tra tiến hành rất nhiều cuộc thanh tra nhưng lại phát hiện được rất ít tham nhũng. Dư luận cử tri rất bức xúc vì số vụ việc tham nhũng được phát hiện chủ yếu là các vụ nhỏ nhặt, gây thiệt hại không lớn về tiền, tài sản của Nhà nước với đối tượng phạm tội chủ yếu là cán bộ cấp xã hoặc ở thôn, làng, bản. Số vụ tham nhũng lớn, xâm phạm nghiêm trọng tài sản, vốn của Nhà nước ít được phát hiện. Theo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, có tình trạng áp dụng hình phạt không đúng quy định của pháp luật như hình phạt nhẹ, phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ; một số bị cáo phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng vẫn được hưởng án treo.

Một trong những “điểm nóng” tham nhũng là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại một số doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm, nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Qua giám sát, khảo sát của Ủy ban Tư pháp ở một số địa phương và dư luận, báo chí cho thấy, việc xử lý một số vụ việc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, nhiều hành vi có liên quan tới tham nhũng chỉ bị xử lý kỷ luật, hành chính.

Đáng chú ý, có địa phương cho rằng, các vụ án tham nhũng phức tạp do các cơ quan ở Trung ương điều tra, truy tố hoặc chỉ đạo xử lý, xét xử không nghiêm minh nên rất khó làm gương cho các địa phương trong việc xử lý các vụ án tham nhũng.

Cụ thể, nhiều vụ án do cơ quan điều tra ở Trung ương tiến hành điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiến hành kiểm sát, sau đó ủy quyền cho viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử thì tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung còn cao, có vụ án tham nhũng trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, làm kéo dài thời gian xử lý; một số vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho tài sản của Nhà nước được phát hiện, xử lý còn chậm.

Nhiều vụ án tham nhũng tòa án cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo với mức án cao, nghiêm minh nhưng khi xét xử phúc thẩm thì tòa án cấp trên trong đó có Tòa Phúc thẩm, Tòa án Nhân dân Tối cao lại giảm hình phạt, cho các bị cáo hưởng án treo, không bảo đảm tác dụng giáo dục, phòng ngừa và yêu cầu của nhiệm vụ chính trị.

Các chuyên gia cho rằng, án tham nhũng thường là những vụ án lớn có hành vi phạm tội phức tạp, nhiều bị can, quá trình điều tra thường phải trưng cầu giám định để xác định hậu quả thiệt hại. Trong khi đó, công tác giám định thiệt hại về kinh tế, đất đai… mất khá nhiều thời gian, thiếu sự đồng thuận giữa các cơ quan liên quan.

Vì vậy, vấn đề chống tham nhũng trở thành vấn đề nóng của kỳ họp thứ VI của Quốc hội khóa XIII. Dư luận cử tri đề nghị cần làm rõ việc xử lý kỷ luật hành chính, đình chỉ điều tra, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đối với tội phạm về tham nhũng nhiều như hiện nay có biểu hiện chưa nghiêm minh, bỏ lọt tội phạm.

N.V