Cần xử lý ngay những kẻ vô tâm với liệt sĩ!

12:37 | 22/12/2013

3,397 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mấy ngày nay, những ai biết được câu chuyện liệt sĩ Đặng Trường Thanh bị các nhà chức trách địa phương đối xử vô lương tâm, vô trách nhiệm đều giận đến sôi lòng. Một người con ưu tú đã chiến đấu và hy sinh anh dũng trong chiến tranh chống Mỹ, sau 40 năm được gia đình đưa về quê hương mà địa phương không cho vào an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ chỉ vì một lý do rất ấu trĩ. Mặc cho gia đình thiết tha đề nghị, chính quyền địa phương vẫn dứt khoát không chấp nhận cho hài cốt liệt sĩ vào an táng tại nghĩa trang liệt sĩ phường. Đó là lối hành xử vô trách nhiệm, cần phải được xử lý nghiêm minh và kịp thời đối với những kẻ nhân danh cán bộ nhưng không có lương tâm, không làm tròn bổn phận.

Liệt sĩ Đặng Trường Thanh - quê phường Đồng Tiến, thị xã Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình (trước là số nhà 12, khu Đồng Tiến) - sinh năm 1953, hy sinh ngày 26-1-1973 do bị phục kích trong lúc vượt kênh Vĩnh Tế, thuộc xã Đông Lạc Quế, An Giang.

Các thông tin này được ghi rõ trong hồ sơ của liệt sĩ tại Bộ tư lệnh Quân khu 7 cũng như gửi về tỉnh Hòa Bình năm 1975. Tuy nhiên, trong giấy báo tử gửi về cho gia đình lại ghi tên liệt sĩ là Đặng Văn Thành.

Mặc dù gia đình đã nhiều lần đề nghị sửa lại tên liệt sĩ cho đúng, nhưng gần 40 năm nay, trong các bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương Chiến công Giải phóng, Huân chương Kháng chiến được Đảng, Nhà nước truy tặng cho liệt sĩ đều ghi là Đặng Văn Thành.

Mẹ Thược bên di cốt của con.

 

Sự việc trở nên rắc rối bắt đầu từ cái giấy báo tử mà đơn vị gửi về cho gia đình năm 1975. Tên của liệt sĩ bị viết sai từ Đặng Trường Thanh sang Đặng Văn Thành. Đó là lỗi tắc trách của nhân viên làm chính sách của đơn vị quân đội. Từ cái lỗi viết sai tên ấy của đơn vị, lẽ ra, khi có sự phản ánh của gia đình liệt sĩ, các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình phải kịp thời liên hệ với đơn vị quân đội, nơi liệt sĩ đã sống và chiến đấu và sau này là Bộ tư lệnh Quân khu 7 để sửa chữa và cấp lại giấy báo tử khác cho đúng với họ tên liệt sĩ. Nhưng do Phòng lao động, thương binh và xã hội thành phố Hòa Bình, Sở LĐ,TB&XH tỉnh Hòa bình đã không quan tâm đến đề nghị của gia đình liệt sĩ, không tiến hành giải quyết sửa sai thông tin của giấy báo tử nên kéo theo đó là bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương chiến công Giải phóng và Huân chương Kháng chiến của Đảng, Nhà nước trao tặng sau đó đều nghi sai tên liệt sĩ là Đặng Văn Thành.

Gia đình có con liệt sĩ là Đặng Trường Thanh mà treo những bằng, Huân chương lại mang một cái tên khác đã là chuyện đau lòng, không thể chấp nhận được. Vậy mà, sau 40 năm vất vả tìm kiếm, bây giờ gia đình đưa được hài cốt liệt sĩ mãi từ Tịnh Biên, An Giang về với quê hương thì lại bị chính quyền địa phương từ chối, không công nhận và không cho vào nghĩa trang liệt sĩ phường. Gia đình buộc phải an tang hài cốt liệt sĩ tại phần đất riêng. Đó lại là nỗi đau xé lòng đối với những người đã có công với nước.

Hãy nhìn cảnh một bà mẹ hơn 80 tuổi, gần đất xa trời, sau 40 năm đưa tiễn con đi đánh giặc, đằng đẵng đợi chờ, nay chỉ đón con về với nắm xương khô mà phải ngồi ôm chiếc tiểu sành, khóc than vật vã vì hài cốt con trai không được đưa vào nghĩa trang liệt sĩ! Hỏi rằng, nếu địa phương nào trên đất nước ta, cán bộ đều đối xử tệ bạc với liệt sĩ như thế thì mỗi khi đất nước lâm nguy, giặc giã hoành hành, ai còn hăng hái lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc? Gia đình nào còn vui vẻ lần lượt tiễn đưa những người con ruột thịt, ưu tú của mình ra trận?

Mấy chục năm sau chiến tranh, đã có nhiều trường hợp đau lòng xảy ra ở nơi này nơi khác do lối làm ăn tắc trách, vô tâm của những cán bộ chính sách xã hội. Có những chiến sĩ thất lạc đơn vị trong chiến đấu, có giấy báo tử về địa phương, vậy mà khi họ trở về, địa phương đã kiên quyết không giải quyết chế độ chính sách cho họ. Có cán bộ xã còn nói với họ rằng, anh đã là liệt sĩ rồi, báo tử và cắt khẩu tại địa phương rồi nên không thể nhập khẩu lại được nữa!? Thật là trơ tráo, ngớ ngẩn thay cho những loại cán bộ ấu trĩ, ngu xuẩn đến thế! Trong khi lẽ ra, thấy anh em còn sống trở về, địa phương phải vui mừng đón tiếp và khẩn trương làm mọi thủ tục “làm người còn sống” để họ được hưởng thụ quyền lợi và tiếp tục đóng góp cho xã hội, gia đình theo nghĩa vụ công dân. Vậy mà…

Trong chiến tranh ác liệt, nhiều tình huống bất ngờ xảy ra, thông tin không đầy đủ, yêu cầu bí mật của chiến trường khiến nhiều trường hợp thất lạc hồ sơ, nhầm lẫn là chuyện tất yếu. Đó là hậu quả để lại mà những người làm công tác chính sách xã hội sau chiến tranh cần phải làm thật tỷ mỷ chu đáo đối với người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Tiếc thay, có những cán bộ làm công tác chính sách xã hội đã nhẫn tâm, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình mà thậm chí còn lợi dụng để ăn chặn, vòi vĩnh các gia đình chính sách. Xã hội ưu việt của chúng ta ngàn lần lên án những cán bộ vô lương tâm như thế.

Trở lại với trường hợp của gia đình liệt sĩ Đặng Trường Thanh, ngay bây giờ, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm làm mọi thủ tục cần thiết để trả lại quyền lợi cho liệt sĩ. Những cán bộ trực tiếp giải quyết vụ việc vừa qua phải được đưa ra xét xử trước pháp luật, cúi đầu tạ tội trước hương hồn liệt sĩ và gia đình. Lấy đó làm bài học răn đe, ngăn chặn khá nhiều cán bộ như thế ở khắp cả nước. Hài cốt liệt sĩ Đặng Trường Thanh phải được chính quyền địa phương làm lễ truy điệu theo đúng nghi thức truyền thống và đưa vào an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình. Có như vậy mới làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm của người đang sống đối với người đã khuất vì nền độc lập tự do của đất nước.

“Kẻ nào bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào đầu chúng bằng đại bác”. Những kẻ vô ơn, lãng quên lịch sử và nhẫn tâm với những người có công với nước thì sớm muộn sẽ phải chịu sự trừng phạt của xã hội!


Đại tá Bùi Đức Toàn
(Nguyên phóng viên báo Quân đội nhân dân)