Căn bệnh hình thức đã quá nặng...

07:00 | 01/03/2015

17,942 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Qua sự việc tô hủ tiếu kỷ lục bị ô thiu phải đổ đi cho đến quan chức “tập tô” lại nét chữ Nôm trong ngày khai bút cho thấy căn bệnh hình thức, bệnh thành tích đã quá nặng…”, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển chia sẻ.

>> Kiếp sau, sẽ là… chuột cống!

>> PGS Văn Như Cương bức xúc vì màn "tô" chữ Hán khai bút

Sau những ồn ào về chiếc bánh chưng to nhất, bánh dày to nhất, ly cà phê lớn nhất, bánh xèo lớn nhất… thì mới đây, ngày 12/2, tại công viên Sa Đéc (TP Sa Đéc, Đồng Tháp), Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập 2 kỷ lục là Tô hủ tiếu lớn nhất và Đòn bánh phồng tôm lớn nhất.

Đừng để bệnh hình thức đã trở thành “căn bệnh trầm kha”

 PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển.

Tô hủ tiếu lớn nhất Việt Nam có đường kính miệng 1,5 m, cao 70 cm, thể tích 900 lít, gồm 100kg hủ tiếu, 100kg thịt heo và 600 lít nước súp… có thể phục vụ cho 1.000 lượt khách. Đi cùng kỷ lục này còn có đĩa lót tô đường kính 150 cm, muỗng inox có chiều dài 120cm, đôi đũa gỗ dài 180cm.

Đối với đòn bánh phồng tôm dài 2,2 m; đường kính 0,4 m, trọng lượng 160 kg. Theo nhà sản xuất, nguyên liệu làm nên gồm 30% tôm, 70% tinh bột khoai mì với gia vị tiêu, hành, ớt.

Tuy nhiên, sau khi được công nhận kỷ lục, tô hủ tiếu dự kiến có thể phục vụ cho 1.000 người ăn đã bị đổ đi, vì thời gian trưng bày quá lâu khiến cho hủ tiếu và rau, giá, súp trong tô phở bị hư hỏng.

Đừng để bệnh hình thức đã trở thành “căn bệnh trầm kha”

Người dân không nhận được sự tự hào sau tô hủ tiếu to kỉ lục rồi đổ bỏ đi.

Nhiều người tỏ ra không hài lòng trước sự lãng phí này. Nhiều người tỏ ra không hài lòng trước sự lãng phí này. Phải chăng đây chính là bộ mặt thật của các thứ gọi là kỷ lục, toàn là thứ hình thức, phô trương và không có chút giá trị nào?

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia) cho rằng: Người Việt vốn mắc bệnh hình thức, mà cụ thể trong sự việc này cái hình thức thể hiện bằng bệnh kỷ lục.

“Làm một tô phở 1.000 người ăn cũng chẳng phải là tô phở ngon được. Thứ hai, để trưng bày cả ngày nó ôi thiu rất lãng phí. Hơn nữa cái gọi là kỷ lục tô phở lớn nhất Việt Nam chẳng có giá trị gì đến đời sống xã hội. Nói đúng bản chất hơn thì nó là một kiểu kỷ lục khoe khoang chứ chẳng có ý nghĩa gì”, PGS Lê Quý Đức thẳng thắn.

Dường như căn bệnh hình thức, bệnh phô trương ấy đã quá nặng và xảy ra ở nhiều nơi, trong đó phải kể đến việc chính lãnh đạo ngành giáo dục đang trực tiếp khẳng định bệnh hình thức khi hạ bút “tập tô” trong lễ khai bút mới đây.

Đừng để bệnh hình thức đã trở thành “căn bệnh trầm kha”

Hình ảnh các lãnh đạo “tập tô” trong lễ khai bút sáng 23/2.

Cụ thể, sáng 23/2, Hà Nội tổ chức lễ khai bút đầu xuân tại đình thờ nhà giáo Chu Văn An tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Buổi lễ có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng nhiều lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô và rất đông người dân chứng kiến.

“Đức-Trí-Học-Thành-Nhân” là những chữ được chọn khai bút đầu xuân, do 5 lãnh đạo ‘trổ tài’ trước bàn dân thiên hạ. Sẽ không có gì đáng bàn nếu hình ảnh khai bút tại buổi lễ này diễn ra thông thường theo cách các lãnh đạo “múa bút” tượng trưng vài nét trên nền giấy trắng.

Nhưng hình ảnh một số nhà quản lý khai bút theo kiểu “tập tô” theo nét chữ đã được vạch sẵn tại buổi lễ này khiến nhiều người thảng thốt bởi “sự biểu diễn hình thức” như thế không hề phù hợp trong một lễ khai bút đầu xuân.

Nhìn vào bức ảnh các lãnh đạo ngượng nghịu tập tô chữ trên nền có sẵn, cách cầm bút không chuẩn, nét mặt căng thẳng vì sợ “chệch đường tô” khiến chữ viết mất đi tính khuôn mẫu, nhiều người không khỏi giật mình bởi căn bệnh hình thức hóa ra đã ăn sâu đến mức trở thành phổ biến ngay từ chính lãnh đạo cao nhất của ngành giáo dục.

Về sự việc trên, PGS Lê Quý Đức chia sẻ: Tôi cũng đã viết rất nhiều về cụ Chu Văn An. Cụ là tấm gương sáng về sự học của thời phong kiến và có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam.

“Nếu khai bút đầu xuân mà lại theo một hình thức có sẵn thì chắc chắn ý nghĩa truyền thống về giáo dục sẽ không trọn vẹn. Bởi lẽ chúng ta đang đổi mới nền giáo dục cơ mà, đang cần những sáng tạo sao lại phải “tập tô” như vậy? Đừng để bệnh hình thức đã trở thành “căn bệnh trầm kha”, PGS Lê Quý Đức nói.

Và có lẽ rằng, khi bệnh hình thức ăn sâu ngay trong chính những người có trách nhiệm của ngành giáo dục thì hẳn nhiên, để thay đổi căn bản, cần thiết phải thay đổi ngay từ tuy duy lãnh đạo trong ngành và điều này không dễ làm như nói.

 

Thảo Phượng (tổng hợp)

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc