Cái giá cho quan tham

07:00 | 20/12/2013

2,258 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự sa ngã và trả giá của Dương Chí Dũng trở thành cơn bão lớn quật ngã phẩm chất quý báu của một gia đình cách mạng nổi tiếng ở Hải Phòng, Dũng đã kéo theo cả anh em ruột thịt vào vòng lao lý bởi mù quáng, lụy tình đáng tiếc của họ.

Năng lượng Mới số 284

Hai tháng qua, dư luận xã hội chăm chú dõi theo việc xét xử mấy vụ đại án tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế tại Công ty Cho thuê tài chính II (Agribank), Công ty Vifon và Tổng Công ty Vinalines với 4 án tử hình và một số mức án tù chung thân, 30 năm tù được coi là nghiêm khắc, đủ sức răn đe các quan chức tham ô, cố ý làm trái để vụ lợi.

Ở vụ án tại Công ty Cho thuê tài chính II (ACL II), ông Vũ Quốc Hảo nguyên là Tổng giám đốc công ty là chủ mưu.. Nhằm mục đích vụ lợi ông Hảo đã đưa ra chủ trương sai trái nhằm giải ngân qua những hợp đồng khống, hợp đồng giả để vụ lợi. Hành vi của bị cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm tài sản Nhà nước, gây bất bình và mất lòng tin trong nhân dân về công tác cán bộ và quản lý tài chính. Bị cáo Hảo đã tham nhũng 79,9 tỉ đồng và làm thiệt hại cho Nhà nước 530 tỉ đồng phải lĩnh án tử hình.

Còn vụ án tham nhũng tại Công ty Vifon kéo dài nhiều năm khiến dư luận ngờ rằng đã chìm xuồng, vẫn khép lại bằng bản án rất nghiêm khắc được Hội đồng Xét xử (HĐXX) quyết định với mức án được coi là nghiêm khắc. HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bi (nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Vifon) 22 năm tù.

Chân dung 3 quan chức Vũ Quốc Hảo, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc (từ trái qua) lĩnh án tử hình

Bị cáo Nguyễn Thanh Huyền (nguyên Phó tổng giám đốc Vifon) bị phạt 20 năm tù về tội “tham ô tài sản”, 15 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù, mức hình phạt tù cao nhất theo quy định của luật.

Là 1 trong 10 đại án tham nhũng đặc biệt, tiếp sau vụ Vinashin năm 2012, vụ án Vinalines được xét xử đã làm đau đầu không ít kẻ đã, đang và sẽ lợi dụng nước đục thả câu.

Trong vụ Vinalines, các quan chức táo tợn, công nhiên phạm tội, cố ý làm trái các quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước 366 tỉ đồng, trong đó Dương Chí Dũng với vai trò chủ mưu và một số kẻ cùng hội, cùng thuyền, cùng nhau tham ô hơn 28 tỉ đồng.

Dương Chí Dũng là quan chức chủ mưu đã tha hóa hàng loạt quan chức, cán bộ dưới quyền để mua cái ụ nổi 83M ve chai chỉ có giá 2,3 triệu USD, qua ông Goh, Giám đốc Công ty Môi giới AP (Singapore) - cánh hẩu của Dương Chí Dũng với giá 9 triệu USD.

Từ 2,3 triệu lên 9 triệu USD, giá chiếc ụ nổi 83M tăng tỷ lệ thuận với sự gia tăng tha hóa tư cách và phẩm chất của đám quan chức hàng hải, hải quan.

Sự sa ngã và trả giá của Dương Chí Dũng trở thành cơn bão lớn quật ngã phẩm chất quý báu của một gia đình cách mạng nổi tiếng ở Hải Phòng, Dũng đã kéo theo cả anh em ruột thịt vào vòng lao lý bởi mù quáng, lụy tình đáng tiếc của họ. Riêng với người vợ chính danh của Dũng cũng vì lụy tình mà làm điều phi lý của người phụ nữ tân tiến khi nhận số tiền 10 tỉ đồng mà chồng mình mua nhà cho bồ nhí là tiền của mình đưa. Nỗi đau sinh con một bề khiến bà này chấp nhận chồng có vợ nọ con kia.

Câu hỏi lớn vì sao đám quan tham này làm thiệt hại đến gần 1.000 tỉ đồng của Nhà nước trong thời gian dài lại không bị ngăn chặn? Tiền đóng thuế của dân vào túi quan tham giờ đây “bắc thang lên hỏi ông trời/ tòa tuyên trả lại có đòi được đâu!” Theo tính toán của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội, hệ lụy của vụ ăn bẩn vào ụ nổi làm tiêu tốn tới hơn 500 tỉ đồng của Nhà nước.

Hình như ở nước ta, cung cách gửi giá, nâng giá, rút chênh lệch “hoa hồng lại quả chia nhau là một chiêu căn bản trong tham nhũng mang tính “hệ thống” của nhiều kẻ tham nhũng lộ mặt, chưa bị lộ và sắp bị lộ trong các dự án. Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và đám quan tham ở Vinalines đã “chết chìm vì ụ nổi”.

Rồi đây sẽ có thêm một số đại án tham nữa được đưa ra xét xử cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và mấy đồng chí bị lộ trong khi một bộ phận không nhỏ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Quan tham đang “nhờn” với pháp luật và cái giá quá đắt phải trả của Vũ Quốc Hảo, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc.

Mới đây, khi tiếp xúc với cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi chuyện Đường Tăng cũng phải chung chi chiếc bát vàng để được nhận kinh Phật để có lời nhắn nhủ: Bà con hãy bình tĩnh chờ xem!

Người dân có quyền đòi hỏi các phán quan không được nương nhẹ các quan tham mà quá nghiêm với dân. Báo chí dẫn ra chuyện ở tỉnh Lâm Đồng, vì hai con vịt ăn cắp, 3 người nông dân bị xử tới 13 năm tù.

Bác Hồ dạy rằng, cán bộ nào phong trào ấy. Chừng nào còn cung cách tổ chức cán bộ không biết bao nhiêu phần trăm (1% hay 30%) cán bộ làm tốt và không hoàn thành nhiệm vụ được giao để rồi hễ có sự vụ xảy ra là tranh công đổ tội, đá bóng trách nhiệm thì chừng đó vẫn còn những kẻ chết chìm dù có hay không có ụ nổi khác.

Minh Nghĩa