Bôi trơn và tụt hạng

07:00 | 05/04/2013

1,073 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hà Nội “bôi” mà không “trơn” và tụt hạng về chỉ số PCI là lời báo động để Hà Nội chấn chỉnh kỷ cương hành chính, tập trung nhiều hơn vào giám sát, phân cấp quản lý; tiếp tục sửa đổi các thủ tục nhằm tinh gọn, giải quyết công việc nhanh chóng.

Thọ Vinh - (NLM số 210)

Bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố có nhiều kịch tính nhất. Sự thăng hạng của Đồng Tháp, An Giang, sự tụt hạng đáng ngạc nhiên của Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội trong bảng xếp hạng PCI năm 2012 không phải được chấp nhận ngay từ đầu.

TS Edmund Malesky, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI cho biết những câu hỏi về chất lượng của số liệu, chất lượng của các bảng điều tra, các trọng số, hệ số đã được đặt ra với sự nghi ngờ cao độ. Vị trưởng nhóm nghiên cứu PCI trong 8 năm liền thừa nhận sự xáo trộn vô cùng lớn trong bảng xếp hạng PCI năm 2012 khiến công việc của nhóm nghiên cứu phải chặt chẽ và vất vả hơn rất nhiều.

Trong số các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, thì ngoài TP HCM có được sự tăng hạng đáng kể, từ vị trí 20 của lần công bố trước lên thứ hạng 13 trong bảng xếp hạng năm nay thì  các ngôi sao quen thuộc Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và cả “ngôi á hậu” của PCI 2011 là Bắc Ninh đều tụt hạng. Đáng quan ngại là Hà Nội và Hải Phòng đã rơi vào nửa cuối bảng xếp hạng với vị trí tương ứng là 51 và 50.

Theo các thành viên nhóm nghiên cứu, sự xáo trộn về thứ hạng của các địa phương, tác nhân tạo nên sự bi quan của doanh nghiệp về cải cách hành chính cũng có những hình thái mới.

Đáng nói nhất, dù tác hại của tham nhũng “vặt” có giảm mạnh mẽ từ 70% trong chi phí không chính thức trong năm 2006 xuống còn khoảng 50% trong năm 2012 nhưng các khoản chi không chính thức lại đổ dồn vào hoa hồng cho cán bộ Nhà nước để giành được hợp đồng, từ 23% năm 2011 lên 41% năm 2012.

Thậm chí, khảo sát các doanh nghiệp FDI cũng phát hiện một thực tế đáng quan tâm, đó là trong thực hiện chiến lược giảm thiểu rủi ro, các CEO là người Việt vẫn coi trọng vận động chính quyền tỉnh, xây dựng quan hệ với các bộ, ngành hơn là phương án chọn của các CEO nước ngoài là liên doanh với các doanh nghiệp địa phương để tìm kiếm cơ hội mới. Có tới 80% doanh nghiệp FDI do người Việt quản lý chấp nhận việc trả thêm phí bôi trơn - chi phí không chính thức để đạt được những dịch vụ mong đợi. Tỷ lệ này với các CEO nước ngoài là 50%.

Trong khi đó, khả năng tiếp cận thông tin, khả năng tiên liệu thực thi pháp luật tại địa phương cũng như chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp lại có chiều hướng đổ dốc ở chiều ngược lại, giảm mạnh từ năm 2011 đến nay.

Tuy nhiên, sau khi tụt hạng không phải “ông lớn” nào cũng nghiêm túc xem xét tìm hiểu lý do đích thực ngay trong khâu cải cách thủ tục hành chính của địa phương mình. Các thông tin cho thấy Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hẳn một cuộc giao ban với lãnh đạo các sở, ban, ngành và 29 quận, huyện, thị xã về đề tài tụt hạng PCI. Thì ra vấn đề tinh thần trách nhiệm, thái độ của một bộ phận cán bộ, công chức khi thực thi công vụ và vấn nạn bôi trơn trong thủ tục hành chính ở Hà Nội được đưa ra  bàn thảo kỹ càng trong giới chức  lãnh đạo Hà Nội với các quận, huyện về cải cách hành chính. Hóa ra vấn đề không mới, vẫn là trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức nhất là người trực tiếp giải quyết các việc liên quan đến tổ chức, công dân.

Theo khảo sát của Ban Tuyên giáo Thành ủy, tại các sở Tài chính, Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, các chỉ số như tính quyết liệt giải quyết công việc chỉ đạt 28%; mức độ hài lòng đối với đội ngũ công chức tại các sở này đạt 26%.

Trong thành phố có việc phối hợp giữa các quận huyện và sở ngành chưa tốt. Như quận này khảo sát giải quyết một việc cụ thể thì phát hiện ra văn bản cho phép tồn tại của Sở Giao thông Vận tải. từ trước đó. Lãnh đạo huyện Gia Lâm cho rằng nhiều việc không nhất thiết phải máy móc đi theo quy trình mà có thể trao đổi qua điện thoại để tiết kiệm thời gian, còn nếu đi đủ một vòng thì phải mất 45-60 ngày.

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Văn Hải phân trần, lãnh đạo Sở đã mổ xẻ những vấn đề người dân và doanh nghiệp phản ánh sau khi chỉ số PCI của Hà Nội đạt thấp. Doanh nghiệp kêu công tác quy hoạch chậm, nhưng thực tế là đồ án quy hoạch chung mới làm xong cuối năm 2012 nên nhiều hồ sơ dự án không triển khai được. Doanh nghiệp phải chờ đợi rà soát để khớp nối với quy hoạch.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng thấy cái nào khả thi mới xem, còn không thì không xem xét. Đây là việc khiến doanh nghiệp không hài lòng. Chia nhỏ căn hộ ra bán cho dễ song lại tăng gấp đôi số dân. Doanh nghiệp chạy đi chỗ này chỗ kia tác động làm khó khăn cho chúng tôi rất nhiều, ông Nguyễn Văn Hải giải thích.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhận định nguyên nhân chủ quan vẫn là thủ tục hành chính do chúng ta thực hiện chứ không đổ lỗi cho dân hay ông trời. Có nơi người dân cho rằng không có chính quyền, đây là nguyên nhân dẫn tới chỉ số môi trường kinh doanh giảm rất mạnh năm 2012.

Đề cập về chỉ số PCI của Hà Nội giảm từ bậc 36 xuống 51, ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng, ở đây có 2 mặt của vấn đề là doanh nghiệp bao giờ cũng đặt lợi nhuận trên hết còn Nhà nước thì phải quản lý chặt chẽ đất đai. Trong tình hình hiện nay quản lý Nhà nước cần tăng cường, nhưng kết quả không làm hài lòng các doanh nghiệp.

Chốt lại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thẳng thắn chỉ ra lực cản nằm ở cơ chế chính sách chồng chéo giữa các ngành, tinh thần trách nhiệm của cán bộ chưa cao, còn né tránh đùn đẩy và mắc chứng quan liêu giấy tờ. Số liệu điều tra của Ban Tuyên giáo Thành ủy về tinh thần trách nhiệm của công chức, tính quyết liệt giải quyết công việc hay mức độ hài lòng của người dân cũng sát với đánh giá của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị dẫn chứng việc ông nhận được thư chúc mừng của lãnh đạo Viêng Chăn (Lào) về một dịp kỷ niệm. Ông giao cho Sở Ngoại vụ chuẩn bị thư phúc đáp. Nhưng thư trả lời của Sở Ngoại vụ trình lên Bí thư thiếu một ngày nữa là tròn một tháng. Hỏi ra thì Văn phòng UBND chậm 22 ngày, Sở Ngoại vụ chậm 8 ngày.

Bí thư Thành ủy Hà Nội dẫn ra một nhận xét gây choáng: Doanh nghiệp nói họ đi làm dự án ở đâu cũng có chi phí tiêu cực nhiều hay ít, những nơi khác có “bôi” thì “trơn” còn Hà Nội “bôi cũng không trơn”. Theo Bí thư Thành ủy, năm 2012 mục tiêu tăng chỉ số PCI 10 bậc song thực tế không đạt được mà lại tụt 15 bậc. Đây là sự  đánh giá thấp về các chi phí không chính thức, tính minh bạch thông tin, năng lực của lãnh đạo thành phố... 

Hà Nội “bôi” mà không “trơn” và tụt hạng về chỉ số PCI là lời báo động để Hà Nội chấn chỉnh kỷ cương hành chính, tập trung nhiều hơn vào giám sát, phân cấp quản lý; tiếp tục sửa đổi các thủ tục nhằm tinh gọn, giải quyết công việc nhanh chóng.

T.V

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc