Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá:

“Biến đổi khí hậu phải là chuyện của mọi người”

07:00 | 04/12/2013

4,226 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lũ dữ, siêu bão… và những hiện tượng thời tiết cực đoan đã bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều người xem đó là thiên tai - chuyện vốn có từ thuở khai thiên lập địa cho đến bây giờ. Nhưng thiên tai gần đây hoàn toàn không phải “chuyện của ông Trời” mà chính những hoạt động sống của con người thông qua việc phát thải gây nên hiệu ứng nhà kính và làm biến đổi khí hậu đã góp phần tạo ra những cơn cuồng nộ ấy của thiên nhiên.

Năng lượng Mới số 179

Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá - người có nhiều năm nguyên cứu và nhiều công trình khoa học về biến đổi khí hậu ở nước ta xung quanh vấn đề này.

Thực trạng và nguyên nhân

PV: Thưa giáo sư, nước ta bàn về vấn đề biến đổi khí hậu đã khá lâu rồi, song nhiều người vẫn còn hiểu mơ hồ, thậm chí còn có quan niệm rất sai lầm về nó. Giáo sư nghĩ như thế nào về vấn đề này?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Thú thật tôi cũng khá buồn khi mà nhiều người, kể cả một số người hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn cũng không hiểu rõ về vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay. Biến đổi khí hậu là biểu hiện thay đổi rất mạnh mẽ về các yếu tố cấu thành khí hậu như: nhiệt độ, mưa, gió, bão, độ ẩm… và thời tiết. Biến đổi thời tiết là một trong những biểu hiện của biến đổi khí hậu, là giai đoạn đầu của biến đổi khí hậu chứ không phải là biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu tất yếu sẽ tạo ra những biến đổi thời tiết bất thường, dị thường; còn biến đổi thời tiết nhiều, liên tục nhiễu loạn có thể sẽ dẫn đến biến đổi khí hậu.

Những hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ dữ, siêu bão, hạn hán kéo dài, siêu lốc xoáy… là những thảm kịch của biến đổi khí hậu gây ra. Song, đó chỉ mới là những nốt nhạc dạo đầu của biến đổi khí hậu mà thôi chứ chưa phải là toàn bộ bản chất của biến đổi khí hậu. Tôi xin cảnh báo cho mọi người biết là nó chưa dừng lại ở đó, nó còn thay đổi nhiều nữa, mạnh nữa! Ví dụ như trước đây bão chỉ đến cấp 12 nhưng giờ có đến cấp 18, 19 và sau này là lên đến 20, 21... Tức cường độ của bão sẽ tăng lên rất nhanh. Kế đến là lốc xoáy, lúc trước có thể xoáy nhỏ thôi, cùng lắm là nhấc bổng một người lên mấy mét nhưng sau này có thể nhấc cả ôtô, đoàn tàu mà quăng đi xa mấy trăm mét.

Nhiệt độ cũng vậy, không có nóng, lạnh theo thời tiết bình thường mà có nhiều dị thường. Có thể nhiệt độ trung bình vẫn chưa có thay đổi gì đáng kể nhưng nhiệt độ tối thấp và tối cao đã biến đổi rất mạnh. Khi không chịu được sự biến đổi đó thì rất dễ bị hủy hoại.

GS.TSKH Lê Huy Bá

Hiện tượng nước biển dâng cũng là một biểu hiện của biến đổi khí hậu. Nước biển dâng ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương đã khá rõ rồi nhưng ở Việt Nam thì vẫn chưa rõ lắm, mới mấy milimét mà thôi nên tôi thấy người ta vẫn chưa có nhiều lo lắng. Và nước biển dâng sẽ tác động đến độ ngập của từng vùng. Nước ta có nhiều tỉnh ven biển, nếu bây giờ không lo ứng phó với nước biển dâng mà đợi “nước tới chân”, tôi e không kịp nhảy!

PV: Những nguyên nhân chủ yếu nào gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu, thưa giáo sư?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Có nhiều nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất chính là “hiệu ứng nhà kính”, tức hiện tượng bức xạ làm tăng nhiệt độ trái đất. Mà tác nhân gây ra hiệu ứng nhà kính chính là sự phát thải khí CO2. Nhưng với CO2 thì có một điều khó thế này, bây giờ chúng ta có thể cam kết hạn chế phát thải thì cường độ của nó trong không khí cũng không phải vì thế sẽ giảm theo mà phải là 40 năm sau. Bởi vì tuổi thọ của CO2 trong không khí đến 40, 50 năm, thế nên bây giờ mọi người trên thế giới thực hiện giảm phát thải CO2 đi thì đến khoảng 40 năm sau mới biết hiệu quả thế nào!

Nhưng trong vấn đề hiệu ứng nhà kính thì không nên đổ tội riêng cho phát thải khí CO2 từ ống khói của công nghiệp, dẫu khí này đóng góp đến 50% gây hiệu ứng nhà kính. Một khí khác cũng góp phần quan trọng không kém, chiếm 15-25% là khí mêtan, khí này xuất hiện từ các kênh rạch ô nhiễm. Mọi người có thể nhận biết khí mêtan ở những kênh rạch này là các bong bóng nổi lên và vỡ ra, trong đó là khí mêtan. Ngoài ra những cánh đồng đất ướt cũng đóng góp phát thải khí mêtan rất nhiều. Mêtan gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn gấp 4 lần khí CO2 nhưng vì số lượng không nhiều bằng CO2.

PV: Trong một bài giảng về kỹ thuật môi trường giáo sư có nói chính những hoạt động cuộc sống hằng ngày của chúng ta đã gây ra những hiểm họa về môi trường chứ không phải điều gì khác. Về vấn đề biến đổi khí hậu, người ta thường nghĩ đến chuyện gì đó là vĩ mô, chuyện của thiên nhiên nhưng thật ra cũng chính là từ hoạt động của con người mà ra cả, phải không thưa giáo sư?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Qua quá trình hoạt động của con người, từng cá nhân cũng như những tập thể của một khu vực dân cư, đô thị, công nghiệp, nông thôn đều góp phần làm hiệu ứng nhà kính tăng lên và gây biến đổi khí hậu. Con người phát thải gây hiệu ứng nhà kính, từ hiệu ứng nhà kính gây nên biến đổi khí hậu, đó là một dây chuyền tất yếu. Không bất cứ một cá nhân nào có thể nói rằng tôi không tham gia phát thải gây hiệu ứng nhà kính cả, chỉ là nhiều hay ít tùy người mà thôi. Những thứ như rác thải, phân hầm cầu, nước thải, khí thải công nghiệp… đều gây biến đổi khí hậu vì thế trách nhiệm với vấn đề hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu là không của riêng ai.

Tác nhân mới: thủy điện liên hồi

PV: Những năm gần đây các nhà đầu tư ồ ạt làm thủy điện trên các dòng sông, họ bức bách dòng chảy, hủy hoại rừng già, dân cư vùng hạ lưu di tán. Điều này có tác hại như thế nào trong vấn đề gây biến đổi khí hậu, thưa giáo sư?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Tôi rất muốn nhà báo viết thật sâu về vấn đề của thủy điện sau bài viết này, tôi sẽ hỗ trợ, bởi nó thật sự nó đang là vấn đề rất bức bách! Bản thân tôi từ nhiều năm đã lên tiếng về thủy điện nước ta. Tình trạng hiện tại là nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện nhưng đó là một sai lầm lớn. Phần lớn người ta làm thủy điện là vì chạy theo lợi nhuận. Họ không hiểu hoặc cố tình không hiểu, không nhận thức được rằng thủy điện của họ đã góp phần phá hoại tài nguyên môi trường như thế nào. Mặc dù công bằng mà nói thì thủy điện cung cấp năng lượng để hoạt động kinh tế nhưng thay vì làm thủy điện vừa đủ thì đang có tình trạng lạm dụng. Người ta làm thủy điện liên hồi trên một dòng sông thì nguy hiểm quá! Điều đó đưa đến những hậu quả tai hại là phá rừng, gây ngập, hệ sinh thái tiêu hoang…

Tôi nói riêng sông Đồng Nai, có 8 bậc, người ta chỉ cần đặt máy phát điện xuống đấy là thành thủy điện ngay, quá đơn giản! Nhưng nếu chúng ta dừng lại ở 2, 3 thủy điện thôi thì tốt quá còn dùng đến 8 bậc đấy làm ra hàng chục thủy điện thì quá nguy hiểm. Nên nhớ rằng, dẫu thủy điện là năng lượng sạch nhưng ở các nước phát triển trên thế giới người ta đã ngưng thủy điện đến hơn 10 năm qua vì tác hại lâu dài của nó nhiều hơn lợi ích. Nhất là vào mùa mưa thì thủy điện xả lũ. Lũ miền Trung tai hại vừa rồi có một phần rất quan trọng là thủy điện xả lũ gây ra. Ngày nay lũ ác, lũ dữ ngày càng nhiều thay vì ngày xưa chỉ là ngập lụt thôi. Và làm gì có vùng nào mà mực nước tăng lên đến 2 mét/giờ ở các con sông lớn!? Đó là tác hại của thủy điện.

Biến đổi khí hậu gây nên những dị thường trong mưa lũ và những đập thủy điện không an toàn ấy sẽ góp phần gây ra những trận ngập lụt, lũ ác cho vùng hạ lưu. Đặc biệt phá rừng trong thủy điện gây ảnh hưởng lớn đến biến đổi khí hậu vì phá rừng làm mất đi nguồn tiêu thụ khí CO2, một khí gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, mất rừng là mất nguồn nước bởi có rừng mới giữ được nước dưới lòng đất mà không chảy tràn. Kế đến, mất rừng làm tăng dòng chảy bề mặt nên gây ra lũ dữ, lũ quét. Thực tế là bây giờ lũ quét càng tăng về số lượng, cường độ theo mỗi năm. Tôi vừa làm mấy nguyên cứu về lũ quét các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên nên hiểu rõ điều này.

Bão, lũ dữ ở miền Trung ngày càng tăng về số lượng và cường độ

PV:  Xin giáo sư cho biết, không chỉ có thủy điện liên tục phát triển mà vấn đề loạn khai thác titan làm tan hoang một dãy dọc bờ biển miền Trung cũng góp phần gây nên những trận thiên tai kinh hoàng gần đây tại miền Trung?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Titan là một nguồn lợi tương đối lớn, tập trung nhiều nhất từ cuối Ninh Thuận đến Bình Thuận với hàm lượng khá cao. Nhưng nếu khai thác titan sẽ phá hủy du lịch. Cách đây khoảng 5 năm tôi có làm đề tài về titan, khi đó nguyên cứu titan mới chớm thôi. Tôi có nêu trong một cuộc họp rằng, nếu chấp nhận làm titan thì bỏ du lịch đi, còn làm du lịch thì đừng làm titan bởi quá trình khai tác sẽ đào bới bờ biển, gây ô nhiễm môi trường… ai mà đi du lịch đến những nơi thế này!?

Công nghệ khai thác tiatan nếu chỉ thô thôi thì chưa ô nhiễm mấy nhưng khi chế biến titan thành những hợp chất thì phải có hóa chất thải ra môi trường. Hóa chất này sẽ góp phần phá hủy sinh thái vùng bờ biển.

PV: Có một quan niệm rằng, hậu quả của biến đổi khí hậu là chuyện trong tương lai của vài chục năm nữa chứ không phải là hiện tại, thưa giáo sư?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Quan niệm đó đúng nếu ở thời điểm… 20 năm trước, còn hiện tại đó là một quan niệm rất sai lầm bởi hậu quả của biến đổi khí hậu gây ra đã là nhãn tiền rồi! Ngày xưa biến đổi khí hậu nhưng chưa gây thiệt hại nhiều về người và của, giờ thì đã thật nhiều. Nhưng như tôi đã nói, đó mới chỉ là nốt nhạc dạo đầu thôi.

PV: Về biến đổi khí hậu thì nước ta đã có khá nhiều dự án, nghiên cứu rồi nhưng dường như tất cả chỉ mới loanh quanh rồi bế tắc trên bàn hội nghị, trong các gói dự án chứ chưa có ứng dụng thực tế đáng kể. Hơn nữa, bất cứ dự án nào cũng cần có sự đồng thuận hưởng ứng của toàn dân, đối với biến đổi khí hậu lại càng như thế. Khi mà chưa làm được điều đó thì các dự án sẽ không mang lại kết quả gì, phải không thưa giáo sư?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Như tôi đã nói, biến đổi khí hậu là chuyện của mỗi người, vì thế nếu không có sự chung tay của tất cả thì chắc chắn không có kết quả! Tôi cũng xin nói thẳng là, gần đây có những hình thức không đẹp trong giới khoa học. Họ chạy theo công trình, lợi nhuận hơn là nghĩ đến cái chung của xã hội, nhất là những người có được dự án là nhờ vào… quen biết. Tôi đã bị trường hợp, mặc dù đề án là do mình đề xuất ra và mình là người viết công trình nhưng người khác lấy thực hiện. Họ làm theo kiểu chụp giựt, mánh khóe để lấy được tiền dự án còn sau đó trả lại sản phẩm là cái gì thì chỉ là một đống giấy tờ, ngoài ra không có gì hơn! Những báo cáo dự án ấy bao giờ cũng được đánh giá khá tốt nhưng toàn để trong tủ, ứng dụng thế nào cho thực tế thì hầu như tôi chưa thấy ứng dụng được gì! Còn mấy người tham gia vào dự án ấy thì kiếm được ít tiền rồi thôi… Đó thật sự là một vấn đề gây bức xúc, đau đầu trong giới khoa học.

Truyền thông cũng cần kịch bản đúng

PV: Thưa giáo sư, lại có một việc thế này, nếu như những tác hại của biến đổi khí hậu gây ra đang ngày càng khốc liệt thì truyền thông về biến đổi khí hậu cũng đang trong tình trạng báo động không kém. Đó là việc dự báo về bão, lũ, lốc xoáy  chỉ thiên về duy nhất một hướng là thiên tai chứ không đả động gì đến tác nhân con người. Thêm nữa là biến đổi khí hậu đang bị nhiều người lợi dụng như là một tấm bình phong che chắn, bao biện cho những thất bại, sai lầm của họ trong công tác quy hoạch, quản lý… Chính những điều đó làm công tác tuyên truyền ứng phó với biến đổi khí hậu càng thêm gian nan. Giáo sư nghĩ gì về điều này?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Truyền thông về biến đổi khí hậu đang có vẻ lệch lạc, truyền thông chỉ mới nói ở phần ngọn thôi. Ví dụ họ chỉ đưa bão lụt dữ dội thế nào? Thiệt hại về người và của ra làm sao?… mà quên đi cái gốc để cảnh báo cho tất cả các giới, kể cả trí thức và người dân hiểu rõ bản chất của nó. Mà chỉ khi ta nắm được cái gốc của nó thì mới “trị” được! Truyền thông cứ loan tin là sau bão lũ thì được cứ trợ thế nào, cứu trợ là rất tốt nhưng đồng thời các cơ quan chức năng cũng phải nghĩ để ứng phó một cách thích hợp và hiệu quả nhất với biến đổi khí hậu.

Còn nói về những sai lầm trong quy hoạch, tôi cũng nói thêm về chi tiết “thú vị” này. Đối với thành phố Hồ Chí Minh, theo kịch bản biến đổi khí hậu, khi nước biển dâng thì trung bình 35% đất đai của TP HCM sẽ ngập trong thời gian tới, khoảng 10, 15 năm nữa. Thế nhưng, những người quy hoạch thành phố vẫn phát triển xây dựng thành phố về phía đông nam thành phố, tức về phía biển, cụ thể về phía Nhà Bè, Cần Giờ. Đó là một sai lầm tệ hại!

PV: Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gây ra những hậu quả phức tạp như thế thì xin hỏi giáo sư về hướng ứng phó của nước ta sắp tới sẽ như thế nào? Nhất là ở những vùng đặc biệt nhạy cảm, dễ bị tác động nhất như miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.

GS.TSKH Lê Huy Bá: Hiện chúng ta đang áp dụng kịch bản biến đổi khí hậu của năm 2011. Kịch bản mới này có 3 phân loại là kịch bản thấp, vừa và cao theo mực nước dâng. Dựa vào mực nước dâng thì người ta lập bản đồ về độ ngập của từng vùng, từng tỉnh. Đặc biệt là các tỉnh ven biển như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Thuận, Kiên Giang… đã có những dự báo diễn biến của biến đổi khí hậu và những đề xuất kịch bản thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với biến đổi khí hậu, chúng ta không nói là chống lại mà chỉ là né tránh tác hại thiên nhiên, lợi dụng thiên nhiên để phục vụ lợi ích con người và môi trường. Nói chung là con người phải thích ứng để rồi thích nghi, sống chung với nó nhưng phải biết cách để né tránh những tác hại của nó. Cụ thể, với nông nghiệp thì phải thay đổi thế nào cho phù hợp? Phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng ra sao? Có nên chuyển dần một phần đất nông nghiệp hay là chuyển dần sang nuôi thủy sản không? Bởi theo tính toán của các nhà khoa học thì sắp tới đây sẽ có những vùng nước ngọt sẽ trở thành nước lợ, còn những vùng nước lợ thành nước mặn vì sự dâng lên và xâm nhập mặn của nước biển. Về nhà ở thì sao? Phải chăng ở những vùng dễ ngập thì không nên làm nhà theo kiểu tầng trệt nữa mà làm theo dạng nhà nổi, nhà sàn. Giao thông thì không chỉ là giao thông đường bộ mà còn phải đầu tư, tăng cường phát triển giao thông thủy bởi nó vừa rẻ vừa thích ứng với biến đổi khí hậu…

Và điều không thể thiếu đó chính là sự quyết tâm vào cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu của cả cộng đồng, chứ nó hoàn toàn không phải là chuyện riêng của một hội đồng khoa học nào đó!

PV: Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi này!

Lê Trúc (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc