Báo nào là "không chính thống"? 11

15:53 | 28/09/2014

13,490 lượt xem
|
Thật hết hiểu nổi khi mà đọc văn bản thông báo kết luận cuộc họp của ông Nguyễn Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước về xử lý vụ dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh tố cáo tiêu cực tại Phòng Giám định Y khoa của tỉnh bị thôi việc…

Ngày 4/9, tại Văn phòng UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Phong đã chủ trì cuộc họp nghe Sở Y tế báo cáo kết quả thực hiện Công văn số 49/UNBD-VX ngày 21/8/2014 của UBND tỉnh.

Sau khi nghe lãnh đạo Sở Y tế báo cáo kết quả thực hiện Công văn số 49/UBND-VX ngày 21/8/2014 của UBND tỉnh, ý kiến phát biểu của các thành viên dự họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Phong đã có kết luận sơ bộ về vụ việc.

UBND tỉnh giao Sở Y tế kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quá trình xử lý vụ việc. Trong đó, tách riêng 2 vấn đề, đơn tố cáo và quyết định sa thải của Phòng Giám định Y khoa. Đánh giá nghiêm túc và giải thích rõ ràng tính chất, mức độ sai phạm của các đơn vị, cá nhân thuộc Sở Y tế và có biên bản ghi nhận sai phạm.

Rồi ông Phong yêu cầu Sở Y tế tổ chức họp báo và chỉ mời "Phóng viên các báo chính thống Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, báo Công An, báo Bình Phước, Thông Tấn xã Việt Nam, báo Nhân Dân…"

Như vậy là, theo tinh thần công văn này, thì các cơ quan thông tấn khác như Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Quân Đội nhân dân… và nhiều tờ báo in, báo Điện tử khác là loại "không chính thống"?

Vậy thưa ông Nguyễn Huy Phong, ông có thể liệt kê ra xem, ở Việt Nam ta, những loại báo nào là "báo chính thống" và loại báo nào là "không chính thống"? Và ông căn cứ tiêu chí nào để bảo những tờ báo mà đã nêu trong công văn là "chính thống", và tất cả những cơ quan thông tấn báo chí không có trong danh sách mà ông nêu là "không chính thống" ở điểm nào?

Chẳng lẽ chỉ có 7 cơ quan báo chí mà ông nêu trong công văn là "có sự lãnh đạo của Đảng", nên được gọi là "chính thống", còn những cơ quan báo chí khác là "không có Đảng lãnh đạo" hay sao?

Hay là vì những tờ báo mà ông gọi là "chính thống" ấy, có cùng quan điểm với ông trong việc xử lý vụ bà Kiều Oanh bị trù dập?

Với một sự việc đang giải quyết, có thể nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều. Nhưng nếu người lãnh đạo lại chỉ coi báo nào "đồng quan điểm" là "báo chính thống", còn tất cả những ai không "đồng hành" cùng họ, là báo "không chính thống" thì rõ ràng, đây là cách nhìn thiển cận, thiếu ý thức chính trị, và nếu có nói là thiếu cả văn hóa nữa thì cũng không quá?

Nếu ông Nguyễn Huy Phong có đủ dũng cảm, xin ông hãy giải thích: Theo ông, báo "không chính thống" ở Việt Nam hiện nay, là những tờ báo nào?

Nhà báo Nguyễn Như Phong

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc