Ai sĩ diện?

07:00 | 15/03/2013

2,022 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Hóa ra trong xã hội ta hiện nay sĩ diện thật và sĩ diện hão đang trở thành căn bệnh nan y diễn ra mọi lúc, mọi nơi và mọi lớp người. “Quan” và dân mỗi người mỗi vẻ, đều dễ mắc bệnh sĩ diện.

>> Họa “sĩ diện hão”

Rất hoan nghênh Báo Năng lượng Mới luận bàn về vấn nạn sĩ diện hão đang trở thành thảm họa của xã hội ta hiện nay. Chúng tôi rất đồng tình với tác giả bài Họa “sĩ diện hão” khi định nghĩa sĩ diện hão là sự giả tạo, khoe mẽ, hợm hĩnh, bảo thủ, giấu dốt, phù phiếm, lãng phí… Và luôn luôn coi cái “tôi” là nhất.

Không ít vụ án đau lòng xảy ra bởi tính sĩ diện hão. Chỉ vì một ánh mắt, một nụ cười mà bị coi là “đểu”, mà người ta sẵn sàng dùng hung khí để giải quyết. Rồi biết bao người được gọi là “đại gia”, trong khi nợ nần chồng chất, quỵt lương, bảo hiểm của công nhân nhưng vẫn bỏ ra tiền tấn để mua xe siêu sang, xây nhà to vật vã…

Hóa ra trong xã hội ta hiện nay sĩ diện thật và sĩ diện hão đang trở thành căn bệnh nan y diễn ra mọi lúc, mọi nơi và mọi lớp người. “Quan” và dân mỗi người mỗi vẻ, đều dễ mắc bệnh sĩ diện. Chủ tịch tỉnh cũng vì sĩ diện hão mà muốn làm cổng chào tỉnh thật lớn; muốn bắn pháo hoa hoành tráng nhân kỷ niệm của địa phương khi còn hàng ngàn hộ đứt bữa, nhiều trường học sập sệ và đã làm, định làm nhiều việc sĩ diện khác như đặt luật ưu đãi riêng, mở sân bay, xây cảng lớn… đến mức bị Chính phủ cấm tiệt.

Tỉnh miền núi nọ rất nghèo nhưng muốn có hạ tầng sang trọng nên xây dựng ào ào bằng tiền của doanh nghiệp khiến nợ công lên quá ngưỡng, báo hại Chính phủ phải trả nợ. Đây là bài học nhỡn tiền của bệnh vung tay quá trán. Một tỉnh miền Trung kia đâu đã khấm khá mà muốn làm tượng đài quá vĩ đại tốn mấy trăm tỉ đồng khiến dư luận phải lên tiếng. Vấn đề không phải chỉ là nguồn tiền nào ngân sách hay xã hội để dựng tượng mà là quy mô quá tốn kém.

Đáng quan ngại là tình trạng đua nhau làm sang, sân khâu hóa, khiến nhiều sinh hoạt chính trị bị biến dạng bởi thói sa hoa kênh kiệu khi bày đặt nhiều hình thức tốn kém. Ngay ở Hà Nội, dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội xây dựng ào ào, hoàn thành lấy được hàng loạt công trình đến nỗi vừa tan lễ hội đã hư công trình.

Nhiều chuyên gia không ngạc nhiên về hiện tượng một số người tìm mọi cách để thể hiện đẳng cấp, sự xa hoa của “đại gia” Việt với những kiểu chơi ngông như sắm siêu xe, mua CLB bóng đá hay tổ chức đám cưới cho con hàng chục tỉ đồng? Người ta không nề hà làm đám cưới con với dàn xe triệu đô. Lại có đám mời cả xã, cả huyện mấy ngàn người dự tiệc cưới với tuyên bố xanh rờn sẽ dùng tiền mừng để làm từ thiện nhưng nào có bỏ ra được đồng nào?

Các Việt kiều kể rằng ở Mỹ và các nước châu Âu, bà con ai muốn khoe cứ việc khoe và vẫn có những người giàu khoe của. Nhưng vì xã hội có quá nhiều người giàu có nên bỏ ra 1-2 triệu USD để tổ chức tiệc cưới hay sắm siêu xe thì người Mỹ người Âu cũng không quan tâm.Người ta ca ngợi những tỉ phú Mỹ sống tằn tiện, có tiền thì dành ra làm từ thiện. Chẳng hạn, như ông Warren Buffett, người giàu có nổi tiếng của thế giới hiện có tới 39 tỉ USD nhưng vẫn đi chiếc xe mua từ 15 năm trước với giá 18.000USD. Và nếu đem ông Warren Buffett đứng cạnh các đại gia Việt chơi siêu xe như báo chí hay đưa tin thì họ sẽ khóc ngay.

Ở nước ngoài đã là đại gia thường không còn nghĩ đến tiền nữa mà họ chỉ quan tâm đến những sở thích của mình chứ không phải kiểu chơi ngông. Một Việt kiều cho rằng, những kiểu khoe giàu quá mức hay tiêu pha quá hoang phí của các đại gia sẽ gây phản cảm, dễ bị “ném đá” như chơi. Nên họ kín đáo hơn trong tiêu xài của mình. Theo Tạp chí Forbes, hiện chỉ có trên 1.000 tỉ phú đôla trên thế giới. Do đó, nếu được ghi danh vào bảng “phong thần” này thì các đại gia Việt có thể tự nhủ là đã thỏa mãn tự ái và hoài bão của vợ con, gia đình dòng tộc mình.

Nhiều doanh nhân Việt Nam đã hãnh diện nhận đủ thứ giải thưởng ở nước nhà, nhưng dường như chưa ai lên được bảng vàng của Forbes hay Fortune. Một nghiên cứu của Harvard cho thấy đạo đức và kỷ cương đóng góp về lâu dài một niềm tin tốt đẹp từ khách hàng, nhân viên, đối tác, từ nhà đầu tư, từ cộng đồng. Thiếu đạo đức và kỷ cương quản trị, doanh nghiệp biến thành một công ty của cơ hội, của chụp giật, của đầu cơ… Mọi thành công sẽ chỉ là tạm bợ. Chính vì vậy, không ít Việt kiều đang quan tâm lo lắng cho thói sĩ diện của “đại gia” nội địa.

Tiến sĩ, doanh nhân Alan Phan - người có trên 40 năm kinh nghiệm tại Mỹ và Trung Quốc cho rằng đó là hệ quả lòng tham và sự hoang tưởng. Khi thành công trong một vài lĩnh vực là tưởng rằng mình có thể thành công trong nhiều lĩnh vực khác, phải làm ăn lớn, đầu tư lớn. Đó cũng là hệ quả của tư duy làm ăn chụp giật, manh mún.

Về sở thích ấy, TS Alan Phan, nó bắt đầu từ tiềm thức về một quá khứ thua kém. Trong khi đó thì ở Mỹ hay một số nước phương Tây, chỉ có những tỉ phú sống tằn tiện mới được ca ngợi.

Theo TS Alan Phan, kinh nghiệm cho thấy những người giàu hay khoe mẽ thường dễ bị “sờ gáy”. Vì thế, việc khoe của trong nhiều trường hợp có vẻ là không khôn ngoan lắm!

TS Alan Phan khẳng định, tiền không mua được sự kính trọng thật lòng. Việc hoang phí tiền của vào những cuộc chơi không thể làm nên thương hiệu hay uy tín cho doanh nghiệp, cho cá nhân đại gia. Rõ ràng, nếu còn tư duy làm ăn chụp giật, manh mún, còn nặng về sở thích “khoe” thì khó mà có sự giàu có bền vững. Thành công chỉ là tạm bợ, sự hào nhoáng chỉ là khoe mẽ nhất thời mà thôi.

Ở nông thôn ngày nay, số người mới giàu xổi thích xây từ đường, lăng mộ thật lớn, không thua kém ai trong làng. Các dòng họ bây giờ cũng muốn người của họ mình có mặt trong danh sách cấp ủy, hội đồng dẫn đến bè cánh ngay trong hệ thống chính trị làng xã. Có câu chuyên đang râm ran đây đó sau bộ phim hài “Ông tổ hiển linh” trên truyền hình tết. Đầu xuân, hội đồng hương huyện X họp mặt mới tường chuyện dòng họ nọ chết dở vì tượng cụ tổ. Số là có bà con ở nước ngoài ủng hộ kha khá tiền để tôn tạo nhà thờ và dựng tượng cụ tổ.

Các cụ về giời 200 năm rồi, không biết vóc đang hình ảnh cụ ra sao nên bàn cãi mãi mẫu tượng không ngã ngũ. Vào dịp sốt đất, con trai ông trưởng họ lấy trộm tiền của dòng họ đi buôn đất. Sau mấy kỳ có lãi, anh ta càng ham, ôm đất vào quá nhiều. Nào ngờ thị trường đóng băng, chôn cả đống vốn vào đất đúng dịp ông bác bên Mỹ báo tin sẽ về dự khánh thành nhà thờ tổ. Công việc tu tạo nhà thờ tổ và dựng tượng cần nhiều tiền khiến nhà ông trưởng họ phải thế chấp cả nhà đất để vay tiền lo toan mà cũng không đủ. Cả nhà cuống cuồng, bẳn gắt cãi cự suốt ngày khiến ông trưởng họ phát bệnh phải đi cấp cứu, may mà tai qua nạn khỏi.

Vá víu vay mướn quanh rồi cũng xong cái vụ sửa chữa nâng đời nhà thờ tổ. Nhưng đến mục dựng tượng thì gay cấn hơn nhiều. Làm tượng đồng thì quá tốn kém và phải mất dăm ba tháng mới xong. Tượng đá xanh cũng tốn kém không ít và cũng mất ngần ấy thời gian. Tượng thạch cao thì rẻ và nhanh hơn nhưng được mấy nỗi với mưa nắng thời gian và trẻ nhỏ nghịch dại. Đang lúng túng như gà mắc tóc thì chính cái nhà anh lấy trộm tiền buôn đất hiến kế dùng người đóng thế cho tượng.

Anh ta thuê một anh xe ôm đóng vai cố tổ, áo quần tinh tươm, sơn phết kỹ càng và đứng sẵn trên bục cho ông bác - nhà tài trợ ở Mỹ về “nghiệm thu” lúc nhập nhoạng tối, khi “hô thần nhập tượng”. Vụ khánh thành tượng xe ôm - cụ tổ rồi cũng xong nếu không có mấy đứa cháu định khắc tên vào lưng tượng để kỷ niệm. Anh xe ôm đau quá, nhảy bổ xuống tru tréo đuổi theo đòi đánh mấy đứa trẻ… Thế là âm mưu đóng thế bại lộ.

Xem ra sĩ diện còn gây chuyện dài dài ở ta, không phân biệt “quan” sĩ diện hay dân sĩ diện.

Nguyễn Thị Minh Tân (Tây Hồ, Hà Nội)