Ai dám... thề liêm chính đây?

07:00 | 25/02/2014

4,728 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ít ai biết rằng, ở nước ta có một lễ hội độc nhất vô nhị đáng được tổ chức UNESCO tôn vinh thành di sản phi vật thể của nhân loại. Đó là lễ hội Minh thề ở Hải Phòng có từ trên 450 năm nay.

Năng lượng Mới số 299

Vào ngày 14 tháng Giêng hằng năm, tại đền chùa Hòa Liễu thuộc xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, lễ hội Minh thề hay còn gọi là Quan thề được tổ chức trọng thể, thu hút hàng ngàn người dân bản địa và khách thập phương tham dự. Lễ hội được tổ chức để người ta thề sống “trung thực, ngay thẳng”, thề “không tham nhũng”, “không nhũng nhiễu” như tại lễ hội Minh thề thì thật là xưa nay hiếm.

Theo sử sách, Minh thề khởi sự từ năm 1561 khi Hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản, vợ của Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung, lập ra Hịch văn hội Minh thề với 4 nội dung chính, quy định những điều được và không được làm cho đại diện của mỗi tầng lớp trong xã hội. Từ đó đến nay đã trên 450 năm, lễ hội Minh thề là nơi những quan lại, chức sắc, công bộc tuyên thệ sẽ công tâm, không tư túi, tham nhũng của công; không dùng quyền uy để chèn ép bóc lột của dân; không bao che tội phạm… Người dân đến với lễ hội cũng không cầu mong lấy chữ danh lợi mà cũng nguyện sẽ giữ lòng trung thực, thẳng ngay.

Lễ hội Minh thề ở Hải Phòng

Lời thề “Không tham nhũng” vang lên trước hàng ngàn người chứng kiến tại lễ hội Minh thề suốt gần nửa thiên niên kỷ qua cho thấy, không phải đến bây giờ mà từ xa xưa cha ông ta và các bậc tiền nhân đã ý thức rất rõ mối nguy hại mà ngày nay chúng ta gọi là quốc nạn. Có thể lời thề giữa thanh thiên bạch nhật, giữa mọi người vẫn chưa diệt trừ sạch bọn quan tham, song ít ra việc này cũng đánh động cho các quan gia khi định thò tay nhón tiền công, quỹ nước hoặc nhận của đút lót sẽ nhớ việc tuyên thệ trước thần linh, tổ tiên và dân chúng rằng sẽ công minh, liêm chính, không làm gì phương hại tới đất nước.

Đã có những đề xuất rằng, từ nét đẹp văn hóa của lễ hội Minh thề, nên chăng hiện thực hóa thành quy định các quan chức khi nhậm chức phải tuyên thệ trước Hội đồng Nhân dân và Quốc hội. Lời thề đó được công khai để người dân giám sát xem quan chức đã thực hiện lời thề  không tham nhũng ra sao.

Tuy nhiên, cùng với thời gian, Minh thề đã thay đổi. Xưa là quan thề, nay vắng bóng quan thề. Tại xã Thuận Thiên, lời thề “ai lấy của công làm của tư xin thần linh đả tử” (nghĩa là bị thần linh đánh chết) trong lễ hội, từ khi phục hồi đến nay chỉ do các bậc cao niên trong làng tuyên đọc chứ không có ai dẫu chỉ là trưởng thôn, phó xã, chứ đừng nói đến quan huyện, quan tỉnh về dự rồi đứng ra đọc lời thề liêm chính.

Lắm bận, trước thắc mắc của dân chúng và khách trẩy hội là tại sao không thấy quan thề mà chỉ thấy toàn dân thề thì ông Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên, Nguyễn Trọng Khải, bối rối cười cười, đánh trống lảng. Theo ông Phạm Phú Oanh,  người làng Hòa Liễu - người suốt 12 năm qua được chọn làm chủ lễ trong hội Minh thề thì lễ hội truyền thống với ý nghĩa nhân văn sâu sắc như vậy, dân chúng tôi cũng mong muốn được đón các vị chức sắc của xã, huyện và cao hơn cùng uống rượu thề thì sức lan tỏa lớn rộng hơn. Tiếng rằng hội truyền thống trăm năm nhưng hiện tại, chính quyền xã giao cho thôn đứng ra mở hội chứ xã không tổ chức. Mà lẽ ra xã phải đăng cai và các lãnh đạo xã phải mời cán bộ huyện về cùng nhau đọc lời thề trước dân.

Còn nhớ, tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội vào tháng 11/2012, đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung đã đề nghị ngay trong kỳ họp này, tất cả 498 đại biểu và toàn bộ thành viên của Chính phủ sẽ tuyên hứa trước quốc dân đồng bào, kể từ nay cùng quyết tâm cao, hành động quyết liệt, đẩy lùi tham nhũng có hiệu quả và bản thân của mỗi đại biểu, mỗi thành viên Chính phủ sẽ không bao giờ phạm vào tội tham nhũng.

Từ bấy đến nay, đề xuất của đại biểu Võ Thị Dung vẫn còn nguyên trong biên bản kỳ họp Quốc hội khóa 13 mà không được bàn thảo, quyết nghị, dù ý kiến trên được cử tri đồng tình.

Trong phiên thảo luận này, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nói rằng, Chính phủ sẽ quyết liệt hơn, chỉ đạo đồng bộ hơn, kiên quyết hơn trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Sau đó Phó thủ tướng cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan Nhà nước cần tăng cường quản lý tốt hơn kinh tế - xã hội ngay nơi mình đang ở, đang làm việc, đang chịu trách nhiệm để không thất thoát, không tham nhũng đồng tiền, hạt gạo nào của nhân dân đã giao cho chúng ta quản lý.

Đến kỳ họp Quốc hội thứ 6, tròn 1 năm sau “lời hứa” quyết liệt nói trên, kiểm lại tình hình kinh tế xã hội, nhiều vị đại biểu đã lưu ý tình hình tội phạm kinh tế và tham nhũng có khuynh hướng gia tăng và kinh tế vẫn suy thoái có nguyên nhân do quốc nạn tham nhũng tràn lan. Cuối năm 2013 và đầu năm 2014, một số vụ đại án tham nhũng được đưa ra xét xử, cho thấy khoản tiền đưa và nhận hối lộ lên đến tiền tỉ. Chẳng hạn số tiền Dương Chí Dũng bao gái là 10 tỉ đồng được các chuyên viên tính ra bằng 2.000 tháng lương của họ. Ai sống được như ông Bành Tổ để có số tiền lương như vậy?

Minh thề không có văn nghệ, múa hát, nhảy nhót, hip hop, không khai ấn, chẳng phát lộc, chỉ có cắt tiết gà, hòa rượu quê nâng chén rượu thề mà vẫn có hàng ngàn người dự. Và không khó lý giải vì sao thông tin về hội thề không tham nhũng lại được quan tâm đến như vậy? Các cử tri rất muốn được nghe cán bộ ở các cấp cao hơn thề rằng “ai lấy của công làm của tư xin thần linh đả tử”, dù thực lòng không phải người thề và người nghe nào cũng tin vào sự linh ứng của lời thề đó.

Chúng ta đang hội nhập và thực sự đã hội nhập rất nhiều, vậy cớ sao không học cách làm của người nước ngoài khi các quan chức nhất nhất phải tuyên thệ. Ở ta không cần đặt tay trên cuốn Kinh Thánh mà chỉ cần đứng nghiêm đọc lời thề công chính liêm minh trước Quốc kỳ và chân dung Bác Hồ như đọc 5 lời thề khi kết nạp Đảng. Cử tri nhắc nhủ quan gia rằng, đây cũng chính là lời thề chống tham nhũng cần nhập tâm. Có người hiến kế, ngay trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội và các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn cùng ra trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên thệ. Đã đến Lăng Bác báo công, mừng công thì tại sao không tuyên thệ lập công chống tham nhũng trước anh linh Người?

Dù không phải diễn ra ở trong Hội thề làng Hòa Liễu hay trước Quốc hội thì các công bộc của dân cũng nên nhớ, đã có lời hứa vì dân vì nước. Và nếu có thề chống tham nhũng thì cũng chỉ là  một nội dung của lời thề “vì nhân dân chiến đấu  không ngừng” thì không lẽ lại né lời thề chống tham nhũng?

Bảo Dân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc