Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm của báo chí Việt Nam

16:27 | 18/06/2015

1,066 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 18/6/2015, tại trụ sở báo Nhân Dân, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “90 năm báo chí cách mạng Việt Nam - Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm” nhằm đánh giá những thành tựu to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua; những bất cập của báo chí hiện nay trước yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới; đề xuất các giải pháp nâng cao hơn nữa vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa, bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Đến dự Hội thảo có đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân Dân. Đến dự Hội thảo có nhiều nhà báo lão thành nguyên là lãnh đạo các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí như nhà báo Hà Đăng, nhà báo Hữu Thọ, nhà báo Phan Quang, nhà báo Đỗ Phượng, nhà báo Hồng Vinh.

Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm của báo chí Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông; đồng chí Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.

Trước Hội nghị này, nhiều Hội Nhà báo các tỉnh thành trong cả nước cũng đã tổ chức hội thảo với cùng chủ đề nội dung, tạo ra một hiệu ứng dư luận tích cực và sự quan tâm rộng rãi trong xã hội.

Đây là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa lớn, giúp mọi người hiểu được truyền thống vẻ vang, sứ mệnh lịch sử của báo chí cách mạng qua các thời kỳ và rút ra những bài học kinh nghiệm, tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương thức thông tin, tuyên truyền, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chính trị của đất nước và nhu cầu thông tin, giải trí ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân.

Hội thảo đã được nghe nhiều tham luận xoay quanh chủ đề truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm của báo chí; trao đổi về mọi khía cạnh liên quan đến công tác quản lý báo chí, biện pháp nâng cao nghiệp vụ, chất lượng nội dung của báo chí, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, xu hướng phát triển và những mô hình tổ chức cũng như kiến nghị giải pháp để báo chí đổi mới theo kịp thời đại…

Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm của báo chí Việt Nam

Các nhà báo lão thành tham dự hội thảo

Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm của báo chí Việt Nam

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng phát biểu tại hội thảo

Trong 90 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn thể hiện được vai trò tiên phong trên mặt trận chính trị, tư tưởng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, báo chí nước ta đã thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng và là diễn đàn rộng rãi của nhân dân, góp phần kiến tạo bầu không khí dân chủ trong đời sống xã hội. Thể hiện rõ nét hơn chức năng giám sát, phản biện, giúp Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể Trung ương và địa phương xây dựng, điều chỉnh, bổ sung nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế, quy định pháp lý và triển khai các chương trình, dự án kinh tế - xã hội.

Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm của báo chí Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Bắc Son phát biểu tại hội thảo

Với một hệ thống các cơ quan thông tin đại chúng gồm 849 cơ quan báo chí in, 67 đài phát thanh, truyền hình, 98 báo, tạp chí chí điện tử, 01 hãng thông tấn quốc gia… đang thực hiện trách nhiệm cơ bản là phục vụ mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, thực hiện “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thúc đẩy phát triển xã hội, mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế. Nhìn chung, báo chí nước ta đã phát huy được vai trò, vị thế trong việc thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội trước những sự kiện quan trọng, phức tạp và nhạy cảm trong nước và trên thế giới; xử lý tốt mối quan hệ giữa tính định hướng chính trị, tư tưởng và việc đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Tiếp tục thể hiện rõ nét tính chiến đấu, đi tiên phong trong việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. 

Đồng thời với việc nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam có tác động tích cực trong việc giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Báo chí đã đi đầu trong công tác thông tin, tuyên truyền, khẳng định cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam; khơi dậy lòng yêu nước, ý thức chủ quyền lãnh thổ; khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước ta giải quyết các vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc gắn với giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực để xây dựng và phát triển đất nước. 

Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm của báo chí Việt Nam

Nhà báo lão thành Hữu Thọ với tham luận “Mấy vấn đề về đạo đức người làm báo”

Tuy nhiên, hoạt động báo chí trong thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém, tạo nên những bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của giới báo chí. Một số báo chí có xu hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, đăng tải nhiều thông tin tiêu cực, giật gân, câu khách, gây phản cảm trong công chúng; đăng, phát các thông tin nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, làm phương hại đến lợi ích đất nước. Một số cơ quan báo chí đưa tin sai sự thật do tiếp nhận thông tin, đơn, thư khiếu nại, tố cáo hoặc khai thác thông tin từ truyền thông xã hội nhưng bỏ qua khâu thẩm định, xác minh dẫn đến thông tin sai sự thật, xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín tổ chức, danh dự cá nhân.

Nhiều bài viết trên các trang báo, thông tin điện tử chỉ tập trung phản ánh những tiêu cực, mặt trái xã hội ở mức độ đưa tin, không thể hiện quan điểm phê phán, đấu tranh. Nhiều ấn phẩm báo chí chỉ tập trung vào những nội dung mang tính thương mại; không ít chương trình có hình ảnh, lời thoại phản cảm; cách tiếp cận vấn đề, sự kiện không phù hợp, thiếu tính nhân văn và sức thuyết phục, sai sự thật, gây bức xúc trong xã hội.

Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm của báo chí Việt Nam

Nhà báo lão thành Phan Quang với tham luận “Nghĩ về bản lĩnh báo chí Việt Nam và người làm báo Việt Nam”

Phân tích những tồn tại nêu trên, nhiều tham luận đã nêu bật những nguyên nhân cơ bản là do sự vận động, phát triển nhanh chóng của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; quá trình toàn cầu hóa thông tin; sự phát triển của các phương tiện truyền thông trên Internet, dẫn đến những thay đổi to lớn của đời sống xã hội, truyền thông, làm cho công tác lãnh đạo, quản lý báo chí gặp nhiều khó khăn. Công tác chỉ đạo, quản lý, quy hoạch báo chí, xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí còn nhiều hạn chế, yếu kém. Cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản pháp luật còn thiếu và bất cập; một số nội dung của Luật Báo chí không còn phù hợp với thực tiễn, trong khi đó còn một bộ phận lãnh đạo cơ quan báo chí chưa chấp hành nghiêm kỷ luật thông tin. Do chạy theo lợi nhuận, không ít cơ quan báo chí thực hiện liên kết nhưng không quản lý tốt nội dung thông tin, vi phạm quy định của pháp luật, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng nội dung thông tin. Nhiều cơ quan chủ quản thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm của các đơn vị báo chí thuộc quyền quản lý. Một bộ phận cán bộ, phóng viên, biên tập viên hạn chế về năng lực chuyên môn, tư duy chính trị, thiếu tinh thần trách nhiệm nên không nghiêm túc trong việc quán triệt, tuân thủ sự chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền; thậm chí có người phai nhạt lý tưởng dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Hội thảo đã được nghe nhiều tham luận tâm huyết của các nhà báo lão thành, tham luận của các cơ quan quản lý báo chí, của lãnh đạo các cơ quan báo chí về thực trạng báo chí hiện nay và đặc biệt khẳng định, ngày nay mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí đều đang đứng trước những thách thức to lớn đối với bản lĩnh, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp mà muốn vượt qua thì ở từng khâu trong quy trình sáng tạo tác phẩm báo chí, người làm báo phải có lập trường tư tưởng vững vàng trước cái sai, cái đúng, có đầu óc phân tích vấn đề và sự khéo léo để chuyển tải thông tin một cách chuẩn mực và hấp dẫn. Đồng thời, mỗi một nhà báo phải không ngừng tự hoàn thiện mình, am hiểu pháp luật và phải luôn nêu cao ý thức trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân trước mỗi tác phẩm báo chí. Việc quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng giúp những người làm báo vững vàng trước mọi thử thách, nâng cao trách nhiệm chính trị của người làm báo trước Đảng và nhân dân.

Báo chí cần tỉnh táo, thận trọng trong xử lý thông tin, có sự nhạy cảm chính trị tốt trước những thông tin xấu, độc, tác động tiêu cực đến nhận thức và dư luận xã hội. Các cơ quan báo chí và những người làm báo phải nỗ lực, cố gắng, không ngừng đổi mới cả về phương thức quản lý và tác nghiệp báo chí để đưa đến công chúng những thông tin chuẩn xác, nhanh, sinh động, hấp dẫn. Các cơ quan báo chí cần chủ động rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, sản phẩm báo chí, khẩn trương xây dựng kế hoạch đổi mới, sắp xếp lại các cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí theo hướng hợp lý, tinh gọn, thiết thực và hiệu quả, để báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Ngân Hà

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc