Tại Shangri-La 2014: Việt Nam khẳng định lập trường

19:48 | 01/06/2014

565 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13 diễn ra tại Singapore, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao của Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã có nhiều hoạt động, khẳng định lập trường yêu chuộng hòa bình song kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lợi ích của Việt Nam.

Đây là một diễn đàn an ninh liên chính phủ do cơ quan nghiên cứu độc lập IISS (Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế) trụ sở ở London (Anh), tổ chức hàng năm từ 2002 tại Singapore, với sự tham dự của các Bộ trưởng quốc phòng và các tướng lĩnh quân đội 27 quốc gia châu Á -Thái Bình Dương. 

Trước phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La 2014, IISS đã công bố tài liệu chiến lược với tiêu đề “Đánh giá An ninh khu vực năm 2014”. Tài liệu này tập trung vào các chủ đề quan trọng nhất được thảo luận tại các cuộc đối thoại trước, như sự thay đổi vai trò trong khu vực của các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ; những mối đe dọa từ những điểm bùng nổ bạo lực tiềm tàng, đặc biệt là bán đảo Triều Tiên và các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Tài liệu này cũng đề cập tới những vấn đề về cạnh tranh quân sự trong khu vực và biện pháp để xây dựng một trật tự an toàn và ổn định hơn ở khu vực.

Tại Shangri-La 2014: Việt Nam khẳng định lập trường

Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại phiên họp toàn thể Đối thoại Shangri-La 2014.

Trong khuôn khổ của Đối thoại Shangri-La 2014, ngày 31/5 và 1/6 diễn ra năm phiên họp toàn thể về các chủ đề: Đóng góp của Mỹ vào ổn định ở khu vực; thúc đẩy hợp tác quân sự; giải quyết các mối quan hệ căng thẳng mang tính chất chiến lược; triển vọng hòa bình và an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương; và đảm bảo giải quyết xung đột tại châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, cũng có 5 phiên họp đặc biệt về thách thức của việc duy trì và giải quyết các vùng biển khơi; ảnh hưởng của năng lực quân sự mới tại châu Á - Thái Bình Dương; biến đổi khí hậu, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR) và an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương; ASEAN và trật tự an ninh khu vực đang nổi; tương lai của Triều Tiên liên quan với an ninh khu vực.

Việt Nam khẳng định chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế

Sáng 31/5, ngày làm việc thứ hai của Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, đã có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể với chủ đề “Quản lý những căng thẳng chiến lược”.  

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nêu rõ: “Nguyện vọng chung của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, là luôn mong muốn khu vực duy trì được môi trường hòa bình, ổn định, cùng hợp tác phát triển và ngăn chặn không để xảy ra xung đột, chiến tranh”. Theo Bộ trưởng, để quản lý các nguy cơ có thể dẫn đến xung đột, các nước "cần có một nhận thức chung trong việc đề cao trách nhiệm quốc tế, mà đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các cường quốc. Các nước cùng phải có trách nhiệm giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định hợp tác cùng phát triển, phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp, tăng cường các mặt hợp tác trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau cùng có lợi, không phân biệt quốc gia lớn hay quốc gia nhỏ”. 

Đề cập vụ Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, nói: Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng như sự việc ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đã gây bức xúc cho nhân dân Việt Nam, gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định: “Việt Nam nhất quán chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Luật pháp quốc tế, và Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt -Trung, giữ gìn hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giữ ổn định chính trị để tập trung phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân và giữ gìn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt-Trung, thông qua con đường đối thoại ở nhiều cấp, nhiều ngành với Trung Quốc để làm giảm căng thẳng hiện nay.

Với chủ trương trên, Việt Nam rất kiềm chế, không sử dụng máy bay, tàu tên lửa, tàu pháo... mà chỉ dùng tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển và tàu cá của ngư dân, phối hợp với lực lượng chấp pháp để bảo vệ chủ quyền, không chủ động đâm va, không phun vòi rồng vào các tàu của Trung Quốc. Chúng tôi đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa bình ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước. Điều đó có lợi cho hai nước, cho cả khu vực và thế giới”.

Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: “Với truyền thống hòa hiếu và yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, cùng nhau xây dựng một môi trường hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới”.

Trong thời gian tham gia hội nghị, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam đã chào xã giao Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long; hội kiến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Singapore Ng Eng Heng; có các cuộc tiếp xúc song phương với Trưởng đoàn của nhiều nước tham dự hội nghị: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng New Zealand Jonathan Coleman; Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel; Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond; Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera… nhằm trao đổi các vấn đề cùng quan tâm và thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa Việt Nam với các nước.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Ảnh: TTXVN

Tại cuộc gặp giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Mỹ, hai bên thống nhất sẽ tăng cường hợp tác trong vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh, rà phá bom mìn và khắc phục hậu quả dioxin ở Việt Nam. Về tình hình ở Biển Đông hiện nay, hai Bộ trưởng thống nhất về sự cần thiết phải tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình, ổn định, đảm bảo an ninh, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Bên cạnh đó, hai bên cũng trao đổi hết sức cởi mở, thẳng thắn với tinh thần hiểu biết lẫn nhau, tinh thần xây dựng vì mục đích chung là giữ gìn hòa bình, ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đánh giá cao nội dung bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong đó nhấn mạnh các quốc gia phải có trách nhiệm cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nêu rõ các vấn đề lãnh thổ nên được giải quyết một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh hoan nghênh  bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố ủng hộ ASEAN trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.

Bộ trưởng Itsunori Onodera đã khẳng định rằng Tokyo ủng hộ cách giải quyết của Việt Nam trong vấn đề ở Biển Đông, phản đối việc sử dụng vũ lực hòng thay đổi hiện trạng và vấn đề này phải được giải quyết thông qua đối thoại.

Hai Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng nhằm duy trì hòa bình và an ninh khu vực.

Trong các cuộc gặp song phương riêng rẽ với Bộ trưởng Quốc phòng Anh và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, hai đối tác Anh và Pháp đều bày tỏ sự quan tâm tới tình hình căng thẳng ở Biển Đông từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. 

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond nhấn mạnh Anh ủng hộ tuyên bố của Liên minh châu Âu, theo đó bày tỏ quan ngại về những rắc rối giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 và kêu gọi các bên thực hiện các biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng và tránh đưa ra các hành động đơn phương có thể gây bất lợi cho hòa bình và ổn định tại khu vực. Bộ trưởng Hammond nêu rõ Anh phản đối việc sử dụng vũ lực trong việc giải quyết bất cứ tranh chấp nào.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian bày tỏ sự ủng hộ đối với việc giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và các thành viên trong đoàn Việt Nam còn có phiên làm việc với lãnh đạo Công ty Lockheed Martin của Mỹ.

*Trong khi đó, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng đã có cuộc tiếp xúc song phương với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Anatoly Antonov, Trưởng đoàn Nga; và Trung tướng Vương Quán Trung, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, Trưởng đoàn Trung Quốc.

Tại cuộc gặp Phó Tổng Tham mưu trưởng Trung Quốc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc. Quan hệ quốc phòng hai nước thời gian qua phát triển tốt đẹp với điểm sáng là hợp tác biên phòng Việt-Trung. Quân đội hai nước đã tổ chức thành công Chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới vào tháng 3/2014 và Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam cũng mới sang thăm tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc vào đầu tháng 5/2014. Nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đại cục Việt-Trung, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói: “Chúng tôi nghĩ rằng không có gì không giải quyết được, miễn là hai nước cùng thực tâm cố gắng xử lý những vấn đề còn tồn tại bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã nêu rõ quan điểm của Việt Nam về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; khẳng định, Việt Nam không chấp nhận hành động của Trung Quốc và kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình. “Việt Nam không bao giờ muốn gây căng thẳng, phức tạp trong quan hệ với Trung Quốc. Việt Nam không bao giờ tranh hơn thua với Trung Quốc. Việt Nam cũng không bao giờ đi với ai để chống Trung Quốc. Việt Nam chỉ mong muốn hòa bình, giữ vững độc lập, tự chủ và toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ. Chúng tôi kiên trì và kiên quyết đấu tranh khi lợi ích và các giá trị cơ bản của đất nước nêu trên bị đe dọa”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ.

Trong cuộc gặp Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov cho hay, Nga luôn tin tưởng và coi trọng quan hệ với Việt Nam. Nga cũng theo dõi rất sát sao tình hình khu vực nên nắm rõ vấn đề đang diễn ra trên Biển Đông. “Vì vậy, chúng tôi ủng hộ các nỗ lực của Việt Nam giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Chúng tôi phản đối những hành động có thể gây mất ổn định trong khu vực”, ông Anatoly Antonov nói.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, Việt Nam luôn coi Nga là người bạn tin cậy, đồng thời bày tỏ mong muốn Nga cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. “Việt Nam là nước nhỏ nên chúng tôi không dại gì hành xử đơn phương, ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế và đạo lý của thời đại. Ủng hộ Việt Nam là ủng hộ hòa bình và ổn định trong khu vực, ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, chứ không phải là nhằm vào một nước nào cả”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.

Hoạt động của đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La 2014 đã góp phần khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế; đồng thời góp phần tăng cường tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Cổng TTĐT Chính phủ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc