Phòng chống tham nhũng: Cần có cơ quan chuyên trách!

13:00 | 07/11/2013

805 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong phiên thảo luận hội trường về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), khá nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐHQH) tiếp tục đề xuất, nên thành lập một cơ quan PCTN độc lập trực thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN hoặc trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chủ động hơn trong công tác.

Tuy nhiên, nghi vấn có tình trạng tiêu cực trong chính cơ quan PCTN hay không vẫn chưa có câu trả lời. Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) dẫn lại lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Các đồng chí cần làm rõ, liệu có tham nhũng, tiêu cực trong chính các lực lượng phòng, chống tham nhũng không?”.

Đại biểu đề nghị, cần thành lập một cơ quan PCTN độc lập trực thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN để công tác điều tra được chủ động hơn, tránh sự can thiệp tiêu cực từ các cá nhân có chức có quyền và có luôn cả lợi ích trong hành vi tham nhũng.

Đại biểu Tiến dẫn chứng, ngay trong nội bộ, mỗi khi Đoàn ĐBQH chuẩn bị lên đường tham dự các kỳ họp, lãnh đạo tỉnh cũng căn dặn rất kỹ việc phải “nhẹ nhàng” mỗi khi đề cập đến PCTN. “Ngày nào còn chạy ngân sách, chạy dự án thì những chuyện dở khóc dở cười với các đại biểu dân cử vẫn không thể tránh khỏi”, đại biểu Tiến phát biểu.

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị)

“Cử tri cho rằng nợ xấu cũng đáng lo ngại song lo ngại nhất là nợ xấu lòng tin và tồn đọng trách nhiệm trong PCTN. Tại các cuộc thảo luận tổ, các đại biểu đề nghị cơ quan PCTN nên tập trung vào chiến lược “bắt hổ” với nhiều vụ án làm thất thoát của nhà nước hàng trăm ngàn tỉ đồng hơn là dàn những trận lớn chỉ bắt mèo nhỏ chuột con, có như thế mới nhanh chóng giải tỏa được tâm lý trong dân.

Có thực trạng đáng buồn là gần đây người dân không còn mặn mà với đề tài PCTN, vì khi họ cung cấp thông tin cho cơ quan PCTN thì không được quan tâm xử lý và cũng không hề phản hồi. Thứ hai là người chống tham nhũng đôi khi trở thành nạn nhân của tham nhũng, vì kẻ tham nhũng có tiền có quyền lực, không từ thủ đoạn nào trả thù.

Liên quan đến hậu quả do các “đại án” tham nhũng để lại, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Hiến đưa ra những con số cụ thể. Thương vụ mua ụ nổi 83M của Vinalines gây thiệt hại gần 370 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều số tiền chi cho công tác an sinh xã hội của nhiều địa phương như Điện Biên, Bình Phước, Ninh Thuận… Tuy nhiên, con số thiệt hại hàng trăm tỷ đồng này không phải là con số cuối cùng bởi những sai phạm đã dẫn đến hậu quả là dự án nhà máy bị phá sản giữa chừng, ụ nổi 83M không hoạt động được. Ụ nổi trở thành đống sắt rỉ còn làm xói mòn niềm tin của nhân dân vì tình trạng tham nhũng đã công khai, tràn lan khắp các địa phương, bộ, ngành.

Theo ông Hiến, Đại biểu kỳ họp này khá hài lòng việc TAND Tối cao thông báo chuẩn bị xét xử những vụ án tham nhũng gây thiệt hại lớn cho Nhà nước nhưng băn khoăn vì việc xem xét xử lý mới dừng lại ở trách nhiệm của lãnh đạo của tổng công ty, tập đoàn nhà nước trong khi nhưng người này không thể tự mình gây ra nếu như không có sự buông lỏng quản lý thậm chí tiếp sức đồng hành, thậm chí đồng lõa của cơ quan quản lý Nhà nước

“Dư luận cho rằng phòng chống tham nhũng hiện nay mới chỉ bắt được sâu nhỏ đục khoét cành chưa bắt được sâu lớn đục khoét thân cây, gốc rễ. Đó mới là nguyên nhân chính gây suy kiệt nhựa sống của cơ thể xã hội. Có thực tế là hệ thống PCTN của chúng ta tầng tầng lớp lớp nhưng phần lớn các vụ án là do người dân và phương tiện truyền thông đại chúng phát hiện”.

Những vụ án lớn, có sự vào cuộc nhanh hơn của các cơ quan chức năng, được xã hội đồng tình, cụ thể như vụ bê bối tại các doanh nghiệp công ích TP HCM. Đề nghị Quốc hội nghiên cứu nguyện vọng cử tri, thành lập 1 cơ quan PCTN độc lập trực thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương hoặc Quốc hội để công tác PCTN được chủ động hơn.

Lê Tùng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc