Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2013:

Phát hành trái phiếu Chính phủ để xây dựng QL1A và QL14

17:00 | 26/05/2013

550 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa được tổ chức tại Trung tâm hội nghị Quốc tế (Hà Nội) sáng nay (26/5), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã thống nhất phương án sẽ báo cáo, trình Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu Chính phủ, thay vì trái phiếu doanh nghiệp có sự bảo lãnh của Chính phủ để xây dựng một số công trình trọng điểm, trong đó có QL1A và QL14.

“Quả thật chúng ta đang có một số công trình đặc biệt quan trọng, hai trong số đó là QL1A và đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua Tây Nguyên (QL14). Công trình QL1A đã được đưa vào Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, coi đây là một trong những công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm của cả nước; trong khi Đường Hồ Chí Minh khu vực đi qua Tây Nguyên, cũng có vai trò đặc biệt quan trọng.

Như mọi người biết, Tây Nguyên là địa bàn về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh cần đẩy mạnh phát triển, nên hạ tầng phải đi trước một bước. Khác các vùng khác, Tây Nguyên chưa có đường sắt, có một số sân bay nhỏ, để phát triển thì cần tập trung đầu tư giao thông, nhất là đường bộ. Yêu cầu đầu tư 2 công trình này là rất cấp bách” - người phát ngôn của Chính phủ chia sẻ cùng báo giới về hai dự án giao thông trọng điểm.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, nhân dân cả nước và kể cả nhà đầu tư ngoài quốc doanh đều mong muốn có giải pháp để đầu tư, hoàn thành sớm nhiều công trình giao thông, trong đó có 2 tuyến đường trên. Câu hỏi đặt ra chỉ là làm như thế nào cho hiệu quả.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam

 

“Theo chủ trương chung, tỷ trọng đầu tư trong tổng thu ngân sách đã giảm dần. Như chúng ta đã biết, đến năm nay, theo như Quốc hội đã thông qua, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong tổng ngân sách giảm xuống chưa đầy 19% (những năm trước, tỷ lệ này vào khoảng 30-40%).

Chúng ta phải tăng cường kêu gọi xã hội hóa, nhưng xã hội hóa làm đường giao thông, nói một cách nôm na là “bỏ tiền chẵn thu tiền lẻ”, bỏ vốn hàng nghìn tỷ đồng để làm đường nhưng thu lại chủ yếu bằng phí giao thông mà người tham gia giao thông trả, đều là nhận tiền lẻ. Muốn hoàn vốn phải có nhiều xe đi qua, hoặc nếu không nhiều xe thì mức phí thu trên mỗi xe phải cao, điều này phụ thuộc vào trình độ phát triển chung của cả nền kinh tế” - Bộ trưởng Vũ Đức Đam giải thích.

QL1A là đường xương sống dọc đất nước với gần 2000 km, do vậy không phải đoạn nào cũng có nhiều xe đi để thuyết phục nhà đầu tư đầu tư thu phí. Định hướng của chúng ta và phù hợp với trình độ phát triển, vì vậy khó có thể nâng phí giao thông quá cao, do vậy một số đoạn có thể kêu gọi nhà đầu tư, hoặc xây dựng-khai thác - chuyển giao hoặc công - tư cùng làm. Vẫn có một số đoạn không kêu gọi được nhà đầu tư, chúng ta buộc phải dùng ngân sách.

Về việc dùng ngân sách, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, Quốc hội cũng đặt ra chỉ số bội chi (không quá 4%). Từ năm 2012, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội xin phương án phát hành trái phiếu để làm Quốc lộ 1. Đây là tuyến đường dài, có nhiều đoạn xen kẽ, có đoạn sử dụng vốn ngân sách, có đoạn huy động các nguồn lực ngoài quốc doanh, có đoạn công-tư kết hợp… Đây là 1 con đường, nhưng không phải 1 dự án mà có nhiều dự án riêng biệt cùng triển khai.

Từ năm 2012, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Quốc hội đã bàn, thông qua Nghị quyết cho phép phát hành trái phiếu của doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ. Trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, được Chính phủ bảo lãnh thực chất là nợ công, nghĩa là khoản tiền này được Quốc hội thông qua về mặt nguyên tắc để tính vào nợ công chung.

“Hơn 1 năm qua, Bộ Giao thông vận tải, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đã tiến hành các công việc cần thiết để phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ theo nghị quyết của Quốc hội. Nhưng khi tính toán lại, rõ ràng thời điểm hiện tại doanh nghiệp rất khó khăn, và khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cộng với lãi suất ngân hàng hiện hữu, chi phí phát hành sau cùng tính vào chi phí làm đường sẽ rất cao.

Do vậy, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và các Bộ trưởng liên quan đề xuất, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phương án báo cáo, trình Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu Chính phủ thay vì phát hành trái phiếu doanh nghiệp có sự bảo lãnh của Chính phủ để thực hiện xây dựng Quốc lộ 1A, thực hiện các dự án trên Quốc lộ 1A và các dự án trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua Tây Nguyên.”

Trao đổi thêm, Bộ trưởng Vũ Đức Đam còn cho biết, bên cạnh 2 công trình giao thông đó, còn nhiều dự án đặc biệt bức xúc, đặc biệt quan trọng và nhân dân hết sức quan tâm như một số dự án thủy lợi, một số bệnh viện lớn.

Quan điểm của Chính phủ là huy động nhiều nguồn vốn để làm thêm một số công trình, không chỉ hoàn thiện hạ tầng cơ bản của đất nước, mà còn đáp ứng yêu cầu rất bức xúc của xã hội, ví dụ như một số bệnh viện lớn, làm sao giảm tải bệnh viện lớn, đặc biệt bệnh viện chuyên khoa ở Trung ương, hay chuyện hồ thủy lợi, thủy điện, giải quyết vấn đề tưới tiêu cho nhân dân, kết hợp với giải quyết vấn đề nước để phát triển công nghiệp.

 

Tùng Lê

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc