Oan sai làm xấu hình ảnh của hoạt động tố tụng

18:14 | 05/06/2015

938 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 5/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII họp phiên toàn thể thảo luận và cho ý kiến về Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm tiếp tục có diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ, số người phạm tội, phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt. Các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Về cơ bản hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp của công dân. Các cơ quan đã khắc phục tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, nhờ đó tình hình oan sai đã được hạn chế đáng kể so với trước đây.

Oan sai làm “xấu” hình ảnh của hoạt động tố tụng

Đại biểu quốc hội Nguyễn Đức Chung.

Tuy nhiên, so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 thì việc phòng chống oan sai, bỏ lọt tội phạm còn hạn chế bất cập. Trong kỳ giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan tiến hành tố tụng, khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.397 bị can nhưng số vụ làm oan người vô tội trong 03 năm có 71 trường hợp, chiếm 0,02%, trong đó cơ quan điều tra đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội, 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm; Viện kiểm sát đình chỉ 09 bị can do không có sự việc phạm tội; 19 trường hợp Tòa án tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Qua quá trình giám sát tình hình oan, sai và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có một số yêu cầu, kiến nghị khi đã xác định bị oan thì phải kịp thời minh oan, bồi thường thỏa đáng cho người bị oan theo quy định của pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm minh đối với người mắc sai phạm, trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan gây nên oan, sai.

Thảo luận ở hội trường về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan, sai; nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị có sự đánh giá công bằng giữa những việc đã làm được và chưa làm được để một mặt từng bước giảm oan, sai; nhưng cũng không để bỏ lọt tội phạm.

Oan sai làm “xấu” hình ảnh của hoạt động tố tụng

Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Khá.

Đại biểu – Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP HCM) cho rằng, tình hình oan sai hiện nay khá nghiêm trọng. Vấn đề nổi lên là hệ thống tố tụng không phát hiện oan sai giống như lỗi hệ thống báo cháy không tự báo cháy. Đại biểu Nghĩa đặt dấu hỏi: phải chăng những vụ việc oan sai đã phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng? Đấy là còn chưa kể việc người bị bức cung, nhục hình khi được tha rất e sợ tiết lộ, thậm chí phải cam kết là không khiếu nại.

Hệ thống kiểm tra chéo giữa cơ quan điều tra, kiểm sát có hiệu lực không cao. Có tình trạng nể nang, người không động đến ta, ta không động đến người. Có tình trạng 3 Bộ cùng đồng tình với việc thống nhất án trước khi truy tố, xét xử khiến cho việc kiểm tra, tranh tụng đôi lúc vô hiệu. Bên cạnh đó còn tồn tại quan điểm và thói quen suy đoán có tội, trong cung hơn trọng chứng khi. Lấy cung thay chứng. Bị cáo đã nhận tội rồi thì không cần thu thập chứng cứ.

Còn theo Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Đoàn Nam Định), xét trên tổng số vụ khởi tố điều tra thì tỷ lệ oan, sai thấp, nhưng tính chất ở các vụ việc oan, sai lại rất nghiêm trọng. Trong các vụ được Báo cáo giám sát đề cập, phần lớn là đã án xảy ra nhiều năm trước, có vụ đã xảy ra từ 16 năm trước, nhiều người biết, dẫn đến ảnh hưởng lớn đến uy tín các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhất là cơ quan điều tra, truy tố, xét xử.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Đoàn Quảng Ninh) góp ý, Báo cáo giám sát nên phân định rõ thời gian xảy ra vụ án tránh hiểu nhầm về tình hình oan, sai ở thời điểm hiện tại.

“Giải thích, hướng dẫn luật pháp thường xuyên, thống nhất là rất quan trọng, vì hiện nay có nhiều vấn đề mà ngay cả các cơ quan tư pháp trung ương cũng có quan điểm không thống nhất”, Thượng tọa Thích Thanh Quyết nhận xét, đồng thời B đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội chú trọng thực hiện chức năng giải thích pháp luật kịp thời.

Đồng tình với các Đại biểu trên, Đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (Đoàn Sóc Trăng) phân tích việc trọng cung hơn trọng chứng chủ yếu là do tâm lý nóng vội trước sức ép phá án. Ở đây có một nguyên nhân khách quan là biên chế chưa tương ứng công việc; đội ngũ luật sư còn mỏng; có nhiều vị bị can bị cáo cũng không mời luật sư bào chữa cho mình.

Đề nghị làm rõ trách nhiệm và nguyên nhân oan, sai, Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Đoàn Trà Vinh) nhấn mạnh, việc công khai xin lỗi và bồi thường trách nhiệm cho người bị oan, sai cần được tiến hành nhanh chóng nhất có thể; trong khi công tác này hiện vẫn còn chậm trễ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Cần phân tích rõ ai là người phát hiện, khẳng định được oan, sai; có bao nhiêu trường hợp chỉ đến khi người phạm tội ra đầu thú thì người bị oan mới được minh oan; bao nhiêu trường hợp oan, sai do cán bộ Viện kiểm sát yêu kém về năng lực, nghiệp vụ… để từ đó có giải pháp phù hợp.

Nhấn mạnh rằng yêu cầu không bỏ lọt tội phạm cũng quan trọng không kém việc ngăn chặn oan, sai, Đại biểu Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nhận định, tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi; việc tạm giữ hình sự mà sau đó chuyển sang hành chính đã được thực hiện đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

“Điều này cần được nói rõ để có cách hiểu đúng. Tương tự, những thống kê về trường hợp đình chỉ điều tra, được miễn trách nhiệm hình sự cần được phân tích trường hợp nào do khách quan, trường hợp nào do công tác điều tra truy tố kém… Báo cáo giám sát cần làm rõ hơn về việc bắt tạm giữ hình sự rồi chuyển sang xử lý hành chính (2,3% người bị tạm giữ). Bởi bắt giữ hình sự rồi chuyển sang hành chính là cần thiết, việc tiến hành tạm giữ để xác minh là đúng quy định. Bởi rất nhiều vụ việc từng xảy ra trong thực tế cần phải sử dụng đến hình thức tạm giữ này”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đóng góp ý kiến.

Nhìn rộng ra các nước, Đại biểu Lê Đình Khanh (Đoàn Hải Dương) nhận định, oan, sai trong tố tụng hình sự thì ngay cả những quốc gia có bề dày hàng trăm năm xây dựng nhà nước pháp quyền cũng có thể có; nhưng vấn đề là phải hạn chế ở mức thấp nhất có thể. Nguyên nhân là các cán bộ làm công tác điều tra xét xử “chưa có tâm, chưa có tầm, háo thành tích”, dẫn đến nhiều oan ức đau khổ cho người bị oan, sai… Những cán bộ này cần được xử lý nghiêm khắc, đúng pháp luật. Để công tác bồi thường được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả, cơ quan chức năng cần có những quy định chi tiết để đảm bảo thực hiện thống nhất.

Lê Tùng

(Năng lượng Mới)