Nhiều chính sách ưu đãi cho đồng bào miền núi

07:31 | 22/04/2013

948 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” trên VTV1 vào tối ngày 21/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho rằng để khắc phục tình trạng chồng chéo trong các chương trình giảm nghèo, cần tập trung vào một đầu mối điều hành, thống nhất.

- Thưa Bộ trưởng, một bức thư vừa được gửi tới chương trình như thế này: một khán giả chia sẻ là gia đình anh dù không thuộc diện hộ nghèo nhưng cũng rất là khó khăn, hiện đang muốn mua một con trâu để phục vụ canh tác. Khán giả này rất phấn khởi khi được biết có chính sách vay ưu đãi cho các hộ cận nghèo. Tuy nhiên, vị khán giả băn khoăn là chương trình cho vay cụ thể như thế nào?

Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Liên quan đến vấn đề mà đồng bào rất quan tâm đó là người nghèo đang có chính sách, nhưng các hộ cận nghèo thì chưa có chính sách. Một tin rất là mừng là Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và rất là hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồng chí Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã trủ trì và đã có Quyết định (bây giờ đã có hiệu lực) tức là cho hộ cận nghèo được vay vốn với chính sách ưu đãi. Các hộ cận nghèo cũng có cơ hội để thoát nghèo nhanh.

Đây là chính sách mà các bộ ngành xử lý, xưa nay có thể nói là nhiều năm, các đại biểu, người dân kêu ca phàn nàn về chính sách của chúng ta rất là chậm nhưng mà đến hôm nay, tôi cho là đây là một chính sách đúng cho các hộ cận nghèo.

- Thưa Bộ trưởng, một cán bộ cấp xã tại huyện miền núi Lai Châu chia sẻ là hiện hàng chục chương trình hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn đang chồng chéo lên nhau. Và hệ quả là các cán bộ địa phương như anh (dù đã được tập huấn) nhưng mà vẫn rất khó thực hiện chính sách này. Hệ lụy nguy hiểm hơn đó là những chương trình chồng chéo này thì hiệu quả không cao. Ví dụ như trong lĩnh vực thủy lợi: cùng địa phương đấy nhưng có rất nhiều dự án khác nhau và từ đó xây nhiều công trình thủy lợi khác nhau, tuy nhiên quy mô nhỏ là manh mún. Nếu các nguồn vốn đó được lồng ghép lại thành một dự án thì các công trình sẽ có quy mô lớn hơn và hiệu xuất cao hơn. Cán bộ này có đưa ra câu hỏi là trong thời gian tới có cơ chế lồng ghép để tăng hiệu quả cho các chương trình hỗ trợ đó hay không?

Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Có hai vấn đề: một là những lĩnh vực không được quan tâm thì ít người chú ý đến, nhưng cái gì được quan tâm thì quá nhiều người quan tâm đến. Điều này dẫn đến việc nhiều người cùng làm một việc. Như thế đương nhiên dẫn đến cái việc chồng chéo là tất yếu. Thế nhưng mà đối với vấn đề điều hành và quản lý chương trình thì đúng là như người dân phản ánh. Đây là một vấn đề thuộc về cơ chế. Chúng tôi cũng đã báo cáo với Thủ tướng vá chúng tôi cũng đã biết cái việc này. Tôi nghĩ rằng các bộ ngành cũng đều biết cái việc này.

Những nội dung đi vào chi tiết như một công trình như thế, cùng trên một địa bàn nên có sự lồng ghép và nên tập trung vào một đầu mối. Theo tôi đầu mối tốt nhất là phân cấp cho chủ tịch UBND cấp tỉnh. Các bộ, ngành không nên can thiệp quá sâu vào việc này và không nên trực tiếp chỉ đạo những lĩnh vực chi tiết như thế vì cái đó tôi cho rằng là, mình phải tin cấp dưới. Và thực tế bây giờ cấp tỉnh, cấp huyện người ta cũng có đầy đủ cán bộ kỹ thuật, kỹ sư rồi đội ngũ cán bộ kỹ thuật khá hơn trước rất nhiều rồi. Về phương diện xây dựng cơ chế chính sách ở trên này, chúng tôi cũng sẽ có trách nhiệm trao đổi, thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như là báo cáo với Thủ tướng để xử lý những vướng mắc này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử.

- Thưa Bộ trưởng, một cán bộ hưu trí tại Hà Nội có chia sẻ: Tôi có xem trên báo đài trong thời gian gần đây, có thấy phản ánh là trên một số tỉnh vùng cao, các em học sing bán trú dân nuôi đang phải sống trong những ngôi nhà vách đất sơ sài giữa rừng, ăn uống kham khổ. Tôi được biết là Chính phủ đã có những chương trình hỗ trợ cả về gạo và tiền cho các em. Tuy nhiên là phải chăng, lượng hỗ trợ này chưa đủ hay là chư đến được các em, để các em có điều kiện sống tốt hơn để các em có thể học được con chữ để có thể cải thiện được cuộc sống sau này?

Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Rất nhiều chương trình về giáo dục của các bộ, ngành cũng đã hỗ trợ giúp cho đồng bào dân tộc là phát triển đi lên trong đó có vấn đề nâng cao dân trí nhưng chưa phải là chúng ta đã làm được tất cả. Ở đâu đó và còn khá phổ biến, nhất là những vùng thôn, bản xa xôi hẻo lánh, họ cũng chưa được hưởng thụ những dịch vụ về y tế, giáo dục trong đó có cơ sở vật chất về trường học. Nhưng điểm nữa là bây giờ, cái cơ bản là cái mức sống của người dân còn hết sức khó khăn, còn nghèo đói. Vào thời điểm như bây giờ (tháng 3, tháng 4) thì là mùa giáp hạt, thường là họ hết lương thực. Và hết lương thực thì các cháu đi học trường bán trú, hay là học nội trú không có ghì mà nấu cơm ăn cả. Không có gạo mang đi, thường về mùa này la họ bỏ học và họ trở về giúp gia đình để mà chăn trâu hay trông em rất ảnh hưởng tới niên độ của năm học.

Chúng tôi cũng đã thấy vấn đề đó và cũng đã phối hợp cùng với Bộ Giáo dục & Đào tạo và báo cáo Thủ tướng. Trong điều kiện, nước ta là đất nước có đầy đủ lương thực, tôi không dám nói là thừa nhưng nếu chúng ta tiết kiệm một chút thôi thì cũng đã đủ lương thực để hỗ trợ cho các trẻ em nghèo. Thủ tướng Chính phủ đã chấp nhận, tuy nhiên lại vướng vào vấn đề là các cháu không biết nấu cơm, lại tiếp tục báo cáo là nên cho một xuất lương cơ bản (mấy trăm nghìn) thì có thể thuê một người dân nào đấy, người ta đến nấu cơm cho các cháu với bữa cơm: cơm phải là chơm chín, nước sôi.

- Thưa Bộ trưởng, trong chuyến đi công tác đến Mù Cang Chải (Yên Bái), chúng tôi đã có ghi nhận được một băn khoăn như thế này. Anh Thào An Khua (30 tuổi) cho biết, anh đã được cán bộ dạy cho nghề cơ khí, tuy nhiên cái nghề mới cũng chẳng thể giúp gia đình anh thoát nghèo, bởi vì sau khi có cái nghề, anh không tìm doanh nghiệp cơ khí nào để có thể xin việc làm. Xin hỏi Bộ trưởng là tại sao các doanh nghiệp gần như vắng bóng tại các khu vực dân tộc và miền núi. Vẫn biết là điều kiện ở đây thì giao thông khó khăn và thị trường hạn chế. Tuy nhiên, phải chăng là những chính sách khuyến khích đầu tư vẫn còn chưa đủ để có thể hấp dẫn các doanh nghiệp?

Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Cái lớn nhất của chúng ta là chưa có cơ chế khuyến khích, thu hút kêu gọi và ưu đãi cho các doanh nghiệp để người ta lên cái vùng khó khăn này người ta sản xuất kinh doanh. Và thứ hai là chưa có chính sách liên kết giưa doanh nghiệp và người nông dân. Chúng ta nói như vậy thôi, nhưng mà tôi nói thật là đây mới là về lý thuyết. Thủ tướng Chính phủ nên phân công cho các bộ ngành nên xây dựng chính sách thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp lên đây để mà tổ chức sản xuất. Phối hợp với nông dân, sử dụng nguồn lực tại chỗ ở đấy, địa bàn ở đấy, đất đai ở đấy để sản xuất và để tạo công ăn việc làm cho người nông dân ở đây. Thứ hai là cần phải có các lớp đào tạo nghề và phải có khảo sát rất kỹ, rất thực tê, phù hợp với điều kiện đấy. Học xong là phải đảm bảo có thu nhập cho người dân. Chúng tôi đang có một suy nghĩ là tới đây phải trao đổi, thống nhất bàn bạc cùng với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là phải có một chương trình dành riêng cho vấn đề đào tạo nghề cho vùng đồng bào dân tộc và người dân tộc thiểu số.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Văn Dũng (ghi)