Không chấp nhận ép cung, nhục hình trong vụ án oan 10 năm

11:57 | 21/11/2013

8,338 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng 21/11, phiên chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình dường như “nóng” hơn quanh vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang.

Các đại biểu đặt câu hỏi với Chánh án TANDTC về vụ án Nguyễn Thanh Chấn khi xét xử tù chung thân sau 10 năm mới được minh oan gây bức xúc trong dư luận. Vậy trách nhiệm của ngành tòa án đến đâu, có giải pháp gì để minh oan, xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho người dân. Liệu có còn bao nhiêu "con thỏ mà bị tuyên là con gấu" hay không?

Ông Trương Hòa Bình cho biết, vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn xảy ra, đã có bản án hình sự phúc thẩm năm 2004. Sau khi xét xử, gia đình ông Chấn đã có đơn kêu oan những năm trước. Gần đây có xuất hiện tình tiết mới và Viện trưởng Viện Kiểm sát đã có quyết định kháng nghị tái thẩm đối với bản án này. Căn cứ vào quy định của pháp luật, TANDTC đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng, hủy án để điều tra lại. Các thủ tục về tố tụng đang được tiến hành để Viện Kiểm sát thực hiện điều tra lại.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình

Theo Chánh án TANDTC, vấn đề được ĐBQH, cử tri rất quan tâm là có oan sai, ép cung nhục hình hay không? Ông nói, trong những năm qua đã giải quyết hàng trăm nghìn vụ án hình sự, việc điều tra hết sức vất vả, thậm chí có chiến sĩ công an đã hi sinh, đổ xương máu… Với trách nhiệm được giao, đa số điều tra viên, kiểm sát viên là những cán bộ tinh nhạy của Đảng, Nhà nước, họ đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên trên thực tế có những nguyên nhân khác nhau để xảy ra oan sai. Có dư luận cho rằng vụ án ông Chấn là oan sai, có ép cung nhục hình. “Tôi cho rằng bất cứ đất nước nào có pháp luật tiên tiến cũng không tránh được oan sai, chúng ta cũng nằm trong số đó. Nhưng oan đối với trường hợp cao nhất là chung thân, tử hình là không chấp nhận được. Tuy nhiên có oan sai hay không thì phải xem xét rất chặt chẽ. Nếu để xảy ra oan sai là nỗi thống khổ đối với người dân. Ảnh hưởng đến cả dòng tộc, đến quyền tự do của người bị oan".

Trường hợp có oan hay không, phải qua điều tra. Nếu tiếp tục truy tố thì Viện Kiểm sát sẽ tiến hành. Có oan hay không phải có xét xử của cả một hội đồng.

Thời gian qua ngành tòa án đã giải quyết được số lượng lớn đơn mà ngành nhận được. Số đơn cũ còn lại năm trước chuyển sang gần 11 nghìn đơn, đã giải quyết được 4 nghìn đơn. Tỷ lệ án oan sai vẫn còn và chưa đáp ứng được yêu cầu Quốc hội đề ra, sẽ sớm giải quyết trong thời gian tới. Hiện trình tự của ta đang xét xử 2 cấp, gần như tòa án cấp giám đốc thẩm gần như trở thành cấp xét xử thứ 3.

Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định: Nếu có ép cung, nhục hình sẽ không chấp nhận được. Nhưng nếu có phải được chứng minh. Nếu có, những người trực tiếp vi phạm và những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm. Luật sư cũng tham gia vụ án này, cũng phải chịu trách nhiệm. Đối với tòa án, nếu hồ sơ vụ án đã khép kín thì tòa án xét xử theo hồ sơ, đảm bảo theo đúng pháp luật tố tụng.

Xác định có ép cung hay không là việc khó. Tuy nhiên với trách nhiệm của HĐXX dù có hay không thì vẫn có liên đới trách nhiệm. Đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao chất lượng của các chức danh tư pháp, phải có tâm để không xảy ra tình trạng oan sai, ép cung nhục hình nếu có.

Trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn, Chánh án cho rằng có hay không việc ép cung cần phải chứng minh một cách khách quan, chính xác. Trường hợp có thì công an, tòa án đều phải bị xử lý theo điều lệnh. Nếu không phải như thế thì chúng ta cũng không thể kết luận một cách vội vàng. Vì nếu không khéo sẽ làm chùn bước những người đang làm nhiệm vụ hết sức khó khăn gian khổ. 

Tùng Lê