Kết luận của Chủ tịch Quốc hội về phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

18:48 | 29/09/2014

1,840 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 29/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã trả lời thẳng thắn nhiều câu hỏi của các đại biểu. Sau đây là nội dung kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

 

Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này chọn 2 nội dung cực kỳ quan trọng để chất vấn là vấn đề tài nguyên môi trường và chính sách tiền tệ (được ví như mạch máu và sức khỏe của nền kinh tế). Hai lĩnh vực này mà tốt thì chúng ta sẽ yên tâm bước vào năm 2015 và nhiệm kỳ 2016 - 2020 thuận lợi.

Chúng ta đã thấy một điều là chất lượng của nền kinh tế quyết định tài chính tiền tệ. Nhưng quan hệ ngược lại thì chất lượng của tài chính và tiền tệ lại quyết định chất lượng phát triển của nền kinh tế. Hai mối quan hệ này gắn kết chặt chẽ với nhau. Chúng ta điều hành tài chính tiền tệ trục trặc một chút thì kinh tế ảnh hưởng, tái cơ cấu kinh tế không tốt, chất lượng nền kinh tế không tốt.

Mấy năm nay, kế hoạch về chính sách tiền tệ đều có chuyển biến đạt tới mức hợp lý, tích cực trong năm nay. Để năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 thành công thì phải thúc đẩy tài chính tiền tệ, tiếp tục tái cơ cấu để 2015 có hệ thống tổ chức tín dụng tài chính lành mạnh theo đúng lời hứa của Thống đốc đầu nhiệm kỳ.

Lành mạnh là thế nào, là các tổ chức tín dụng cho vay mà không để lại nợ xấu, hoạt động theo cơ chế thị trường và có khả năng trích dự phòng để đảm bảo khi rủi ro xảy ra. Các tổ chức tín dụng của chúng ta phải hoạt động theo chất lượng quốc tế. Giờ tiến tới bước này rồi, phải đi thêm một bước nữa để đảm bảo chất lượng.

Phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình chiều ngày 29/9 được các đại biểu đánh giá cao.

Việc điều hành chung thì phải bám sát tăng trưởng, giải quyết các vấn đề xã hội nhưng vẫn phải ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu không đưa được mức tăng trưởng 2016 – 2020 đạt trên 6 - 7% thì chúng ta không đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Tái cơ cấu chính sách kinh tế, chính sách tài chính tín dụng phải gắn kết với nhau, để cuối 2015 chúng ta có thể báo cáo Quốc hội là đã có một tổ chức tín dụng tốt hơn, hoàn thiện hơn.

Nợ xấu tăng lên mà chưa giải quyết được nợ cũ thì sẽ rất gay go nên phải tích cực xử lý nợ xấu. Nợ có thể bán được cho bên mua nợ, nhưng vốn của bên mua bán nợ chỉ có 500 tỷ, trong khi nợ lên đến hàng trăm nghìn tỷ rồi. Đây cũng là một rủi ro. Nợ xấu nằm ở ngay đây chứ không ở các tổ chức tín dụng nữa.

Vì vậy có thể nói: Chất lượng tín dụng cực kỳ quan trọng, quyết định có tăng nợ xấu hay không, quyết định nợ xấu có thể giải quyết được hay không. Đây là vấn đề chúng ta cần nghiên cứu kỹ trong thời gian tới.

 

P.V

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc