Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-EU khai mạc tại Hà Nội

07:00 | 10/03/2013

814 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với vai trò là quốc gia điều phối quan hệ hợp tác kinh tế ASEAN - EU, Việt Nam luôn ủng hộ thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư ASEAN và EU ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và nâng lên tầm cao mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-EU lần thứ 3 ngày 9/3 tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam luôn ủng hộ thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư ASEAN và EU...

Đây là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 19 và Hội nghị tham vấn Bộ trưởng kinh tế ASEAN-Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 12.

Dự hội nghị có Cao ủy Thương mại EU Karel de Gucht; Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh; các vị Bộ trưởng, Đại sứ các nước cùng hơn 700 doanh nghiệp tiêu biểu đến từ ASEAN và EU.

Quan hệ thương mại, đầu tư ASEAN – EU phát triển tốt đẹp

Hội nghị quan trọng này là cơ hội tốt cho cộng đồng doanh nghiệp ASEAN và EU tăng cường hợp tác, kết nối, trực tiếp trao đổi và bày tỏ quan điểm cũng như những mong muốn, khuyến nghị của mình đến các cơ quan quản lý ASEAN và EU. Hội nghị này càng có ý nghĩa quan trọng và tích cực khi được tổ chức trong bối cảnh ASEAN đang tiến gần đến việc hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng vào năm 2015 và mối quan hệ kinh tế giữa ASEAN và EU đang phát triển mạnh mẽ.

Quan hệ thương mại, đầu tư ASEAN - EU đang trên đà phát triển tốt đẹp, thương mại giữa ASEAN và EU tăng đến 234,8 tỷ USD năm 2011, trong đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU vào ASEAN tăng 7,2%, tổng cộng 18,2 tỷ USD.  Năm 2012, EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN và tiếp tục là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của ASEAN.

Đối với Việt Nam, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của và là thị trường xuất khẩu hàng đầu. Năm 2012, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 29,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 20,3 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt 8,8 tỷ USD. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ta sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản…

EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2012, EU có 1.781 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 33,4 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp và xây dựng.

 

ASEAN luôn đề cao sự hợp tác với EU

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong đó Cộng đồng Kinh tế (AEC) là trụ cột trung tâm, là mục tiêu lớn nhất của ASEAN hiện nay và cũng là lĩnh vực mà ASEAN đã đạt nhiều kết quả được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực.

Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho sự lưu chuyển của dòng vốn đầu tư, trao đổi thương mại, tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh hiệu quả hơn và mang lại lợi ích to lớn hơn cho trên 600 triệu người dân ASEAN trong khu vực.

Cùng với tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế (AEC), ASEAN cũng đang nỗ lực để hội nhập sâu hơn, rộng hơn với các đối tác khu vực và toàn cầu, trong đó ASEAN luôn đề cao sự hợp tác quan trọng với EU vì mục tiêu phát triển bền vững và thịnh vượng chung.

Hiện nay hợp tác thương mại và đầu tư ASEAN - EU tiếp tục được mở rộng và tăng trưởng liên tục trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có rất nhiều khó khăn. EU là đối tác thương mại lớn thứ hai và tiếp tục là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của ASEAN, trong khi đó, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU.

EU là đối tác dành nhiều hỗ trợ kỹ thuật cho ASEAN vì mục tiêu phát triển chung. Trong quá trình xây dựng Cộng đồng kinh tế của mình, ASEAN đã và đang tiếp tục học hỏi nhiều kinh nghiệm quý của EU.

Về phần mình, với vai trò là quốc gia điều phối quan hệ hợp tác kinh tế ASEAN - EU, Việt Nam luôn ủng hộ thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư ASEAN và EU ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và nâng lên tầm cao mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Theo hướng này, EU và một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đang xúc tiến đàm phán hình thành các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương nhằm tạo dựng các nền tảng vững chắc hướng tới hợp tác toàn diện ASEAN – EU trong tương lai.

Trong 18 năm qua, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực của ASEAN, chủ động và hành động có trách nhiệm để góp phần xây dựng một khối ASEAN liên kết, mạnh mẽ, thống nhất vì sự phát triển thịnh vượng và hợp tác chung trong khu vực. ASEAN đã và sẽ tiếp tục là một trụ cột quan trọng trong chính sách hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Trên thực tế, Việt Nam đang dần trở thành một cửa ngõ quan trọng để các nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế tiếp cận thị trường, mở rộng đầu tư tại ASEAN cũng như thị trường các khu vực thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Trưởng đoàn đại biểu dự Hội nghị

“Chúng tôi hoan nghênh và khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào nỗ lực chung của ASEAN và EU trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai khối. Trong đó, hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp là nền tảng và là sự đóng góp quan trọng cho sự hợp tác thành công ASEAN – EU”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Phối hợp ứng phó các thách thức về kinh tế

Tại Hội nghị, Cao ủy Thương mại EU Karel de Gucht cho rằng, ASEAN là một trong các đối tác thương mại lớn nhất của EU và ngược lại. Nhiều doanh của EU có mặt tại hội nghị thể hiện sự coi trọng thị trường ASEAN. Cao ủy Thương mại EU Karel de Gucht nhấn mạnh, hai bên cần xúc tiến mạnh mẽ các hoạt động thúc đẩy đầu tư, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các doanh nghiệp tạo ra giá trị, tăng trưởng, việc làm... phấn đấu đạt kết quả cao nhất mục tiêu chung mà 2 bên đã đề ra, hướng phía trước để tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư ASEAN –EU.

Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh: nền kinh tế toàn cầu đang phát triển nhưng cũng có rủi ro ở cả EU cũng như ASEAN, làm cho nền kinh tế vĩ mô trở nên phức tạp hơn. Nhưng điều quan trọng là hai bên vẫn có những điều kiện tốt để phát triển kinh tế, do đó ASEAN và EU cần phối hợp chặt chẽ trong hành động để ứng phó trước bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn như hiện nay bởi không một quốc gia nào có thể đơn lẻ ứng phó được tình hình.

Tại Hội nghị, lãnh đạo doanh nghiệp đã phát biểu thảo luận xung quanh những nhóm ngành chính như nông nghiệp, công nghiệp ôtô, dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin - viễn thông, cơ sở hạ tầng, dược phẩm - y tế… cũng như nêu lên các kiến nghị liên quan đến môi trường đầu tư và kinh doanh;…

 

Cổng TTĐT Chính phủ

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc