Đề xuất cơ quan chống khủng bố có quyền dừng sự kiện đông người

12:08 | 21/05/2013

601 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuối phiên họp sáng nay (21/5), Quốc hội đã nghe Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố và thảo luận về dự luật nói trên tại hội trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn điều khiển phiên họp.

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống khủng bố, Quốc hội thảo luận hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác của dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố.

Nội dung về lực lượng chuyên trách chống khủng bố được nhiều đại biểu quan tâm. Theo dự luật, người chỉ huy chống khủng bố là người đứng đầu đơn vị chuyên trách chống khủng bố. Trường hợp khủng bố xảy ra nhưng chưa có người chỉ huy chống khủng bố thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi xảy ra khủng bố là người chỉ huy tạm. Lúc đó người chỉ huy được quyền bao vây, phong tỏa khu vực xảy ra khủng bố, giải cứu con tin, cấp cứu nạn nhân…

Đại tá Phạm Trường Dân, Phó giám đốc Công an tỉnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam băn khoăn, khi nhà hát, rạp chiếu phim, sân vận động và các nơi sinh hoạt công cộng là mục tiêu của hoạt động khủng bố thì “người đứng đầu” được hiểu là ai: Thủ trưởng nhà hát, rạp chiếu phim… hay cấp trên của nơi đó? Luật cần quy định rõ chứ nếu không sẽ rất dễ dẫn đến áp dụng tùy tiện, mỗi nơi hiểu một cách và lỡ xảy ra sự cố trong “giải cứu con tin” thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm…

“Theo cá nhân tôi, trong trường hợp đó, “người đứng đầu” nên giao cho Trưởng công an huyện, thị xã. Vì lực lượng Công an nhân dân được đề xuất là Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố trung ương. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo có thể cân nhắc, bổ sung khả năng người chỉ huy phòng, chống khủng bố có quyền dừng, đình chỉ các hoạt động đông người đó”, đại biểu Phạm Trường Dân phát biểu.

Đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) trong phiên thảo luận tại Hội trường sáng nay.

Theo Bộ Công an, mặc dù ở Việt Nam chưa xảy ra vụ khủng bố nào do các tổ chức quốc tế gây ra nhưng cơ quan an ninh đã phát hiện nhiều đối tượng khủng bố quốc tế xâm nhập. Từ năm 2000 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra, xét xử 4 vụ âm mưu khủng bố với 49 bị cáo.

Theo Đại biểu Hà Huy Thông (Thừa Thiên – Huế), khi Luật có hiệu lực và đi vào cuộc sống, sẽ tạo môi trường an ninh, phát triển cho xã hội. Việt Nam đang là điểm đến an toàn bậc nhất thế giới cho khách du lịch, và thậm chí cả chính khách. Việc các tổ chức quốc tế triển khai hội nghị, nhóm họp tại Việt Nam cho thấy sự tin tưởng tuyệt đối của bè bạn quốc tế với đất nước, con người và đặc biệt là thể chế của chúng ta. “Tôi cho rằng, rất cần thiết có đường dây nóng cho các cơ quan đại diện ngoại giao, cũng như mọi quốc gia khác là hợp lý. Điều đó giúp chúng ta hoàn thiện hơn nỗ lực phòng, chống khủng bố với mọi đối tượng trong xã hội”.

Trong khi đó, Trung tướng, Chánh án Tòa án quân sự TƯ Trần Văn Độ cho rằng, hợp tác quốc tế trong phòng, chống khủng bố là hết sức cần thiết, nhưng là hoạt động mang tính nhạy cảm và phải hết sức thận trọng để đảm bảo độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Về chính sách phòng, chống khủng bố (Điều 4), có một số kiến nghị nên bỏ cụm từ “tài trợ khủng bố”, bổ sung chính sách đối với người phát hiện hành vi khủng bố, chính sách khen thưởng khi cung cấp thông tin khủng bố. Ngoài ra, Trung tướng Trần Văn Độ còn đề nghị chỉ nên thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố ở 2 cấp trung ương và địa phương.

Dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố có 8 chương, 53 điều, gồm: những quy đinh chung, tổ chức hoạt động phòng, chống khủng bố, phòng ngừa khủng bố, chống khủng bố, phòng, chống tài trợ khủng bố, hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong phòng, chống khủng bố và điều khoản thi hành. Về cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia và cấp tỉnh, dự thảo luật đề xuất sẽ do Bộ Công an và cơ quan Công an cấp tỉnh đảm nhiệm, bởi theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định, điều này hoàn toàn phù hợp.

Tùng Lê