Cân nhắc xử lý hình sự cá nhân gây lãng phí

18:31 | 04/11/2013

464 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTime) – Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội đề xuất, sẽ xem xét khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lãng phí nếu Bộ luật Hình sự hiện hành không bổ sung điều khoản, tội danh nào quy định việc xử lý hành vi này…

Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban (UB) TCNS chỉ rõ, UB Thường vụ Quốc hội đã bổ sung thêm một số lĩnh vực, hoạt động dễ xảy ra lãng phí phải công khai như chương trình, kết quả xử lý vi phạm về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đồng thời giao Chính phủ quy định rõ nội dung, hình thức, thời điểm công khai trong từng lĩnh vực cho phù hợp và bảo đảm tính khả thi.

Dự thảo luật quy định công dân có quyền giám sát việc thực hiện quy định thông qua hình thức dân chủ trực tiếp (như tố giác, khiếu nại, tố cáo) hoặc gián tiếp (như phản ánh với đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc). Để khuyến khích, động viên công dân phát hiện và phản ánh lãng phí, luật không quy định về trách nhiệm giám sát của công dân mà chỉ đặt ra trách nhiệm với các cơ quan nhà nước liên quan.

Bên cạnh đó, ngoài khu vực Nhà nước vốn đang “nóng” vấn đề lãng phí, UB TCNS đề nghị cơ quan soạn thảo nhanh chóng bổ sung cả khu vực ngoài nhà nước, tư nhân, bởi khi tiết kiệm đã là quốc sách thì không chừa bất cứ đối tượng nào.

Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Phùng Quốc Hiển chỉ ra nhiều bất cập trong công tác phòng, chống lãng phí

“Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có liên quan đến hầu hết quy định thuộc các luật khác, nhưng vì những luật này chưa quy định đầy đủ các hành vi, chế tài xử lý đối với nhiều lĩnh vực quan trọng, dẫn đến tình trạng xảy ra lãng phí lớn xảy ra. Vì vậy, quy định với cả khu vực tư vẫn bảo đảm quyền tự định đoạt tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của Hiến pháp, vẫn bảo đảm thực hiện chủ trương “tiết kiệm là quốc sách”, nhằm khuyến khích và nâng cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân” - ông Hiển đặt vấn đề.

Trước đó, báo cáo của Chính phủ được Quốc hội công bố ngày 4/11 cho biết, thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, năm qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 36.450 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định của 16.200 lượt đơn vị.

Báo cáo đưa ra con số, trong 6 tháng đầu năm 2013, ngành thuế đã thu hồi được khoảng 32,4% nợ thuế tại thời điểm cuối năm 2012. Đồng thời, ngành thuế cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 25.004 doanh nghiệp, số tiền thuế tăng thêm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra khoảng 4.488 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế 497 tỷ đồng, số đã nộp ngân sách Nhà nước là 3.497 tỷ đồng, bằng 76% số tiền thuế truy thu, phạt và truy hoàn.

Cụ thể Tổng cục Hải quan đã thu hồi được 843 tỷ đồng nợ thuế quá hạn, đạt 33% kế hoạch; thanh tra chuyên ngành hải quan đã kiến nghị truy thu khoảng 347 tỷ đồng tiền thuế; toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ được 8.682 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hoá vi phạm ước tính trên 185 tỷ đồng, số tiền đã xử lý, thu nộp ngân sách Nhà nước khoảng 89 tỷ đồng...

Thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của 7 tháng cuối năm 2013, các bộ, ngành, địa phương đã tiết kiệm được số tiền khoảng 3.080 tỷ đồng (trong đó các bộ, cơ quan Trung ương tiết kiệm thêm khoảng 770 tỷ đồng, các địa phương tiết kiệm thêm khoảng 2.310 tỷ đồng, không bao gồm các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản chi cho con người theo chế độ, tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo dự toán đầu năm và tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm đang giữ lại ở các cấp ngân sách). Khoản tiết kiệm thêm 10% này hiện đang được giữ lại tại hệ thống Kho bạc Nhà nước.

Trong 7 tháng đầu năm 2013, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi ước đạt khoảng 383 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 57% dự toán chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước năm 2013, qua đó đã phát hiện 36.450 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định của 16.200 lượt đơn vị, từ chối chưa thanh toán các khoản chi chưa đủ điều kiện chi theo quy định khoảng 663 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực quản lý mua sắm tài sản bằng ngân sách Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2013, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước chỉ mua mới 168 xe ô tô, với nguyên giá 219,3 tỷ đồng, trong đó khối bộ, ngành 45 xe, nguyên giá 66,2 tỷ đồng; khối địa phương 123 xe, nguyên giá 153,1 tỷ đồng.

Lê Tùng