2013 - năm Nghị trường sôi động và ấn tượng

07:00 | 26/12/2013

884 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với việc thông qua Hiến pháp (sửa đổi) ở kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã đưa lịch sử lập pháp và lập hiến của đất nước tiến thêm một bước. Quốc hội tiếp tục thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước…

Khóa đổi mới toàn diện

Mỗi năm, Quốc hội họp phiên toàn thể 2 kỳ, với thời lượng trên dưới 1 tháng mỗi kỳ. Quốc hội khóa XIII đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về chất, với hàng chục phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp đến cử tri cả nước. Đây là một động thái có tính chất lịch sử, mở ra thời kỳ mới… cho hoạt động Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất. Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, cùng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được thông qua cũng là một điểm nhấn quan trọng được cử tri mong đợi nhằm khắc phục những bất cập trong công tác quản lý đất đai hiện hành.

Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm

Cũng trong năm 2013, kỳ họp thứ 5, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm và cũng đã thông qua Nghị quyết số 44/2013/QH13 ngày 11/6/2013, xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 47/49 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được thực hiện đảm bảo nghiêm túc, đúng mục đích, nguyên tắc, quy trình; quá trình lấy phiếu được công khai để các cơ quan thông tấn báo chí theo dõi đưa tin.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dư luận cử tri đánh giá cao việc Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, cho rằng đây là việc làm cần thiết và cũng là hình thức giám sát quan trọng của Quốc hội. Theo ý kiến của cử tri, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ là cơ hội để những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nhìn vào đó để nỗ lực làm việc. Điều này đã thể hiện rõ tính công khai, minh bạch của một thể chế đang vận động theo hướng tiến bộ, góp phần xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Tại các kỳ họp, Quốc hội khóa XIII, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ luôn thu hút sự quan tâm, chú ý theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước. Theo đó, kỳ họp này có 203 chất vấn của 89 đại biểu Quốc hội về nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, chủ yếu tập trung vào các tất cả lĩnh vực của đất nước… Giám sát tối cao tại kỳ họp, cụ thể là chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ luôn là nội dung “nóng” được cử tri theo dõi, vì đây đều là những vấn đề đang từng ngày, từng giờ tác động đến đời sống của nhân dân, ảnh hưởng đến quá trình phát triển đất nước. Thế nên, từ khâu “chọn lựa” Bộ trưởng chất vấn cũng được Quốc hội đặc biệt quan tâm. Rõ ràng là Quốc hội đã chọn “trúng và đúng” khi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải “đăng đàn” khi mà những vụ án oan sai vẫn xảy ra, ảnh hướng đến lòng tin của nhân dân.

Việc thực hiện các chức năng của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng: vai trò của Quốc hội trong việc nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật nhằm hạn chế cơ hội tham nhũng ở Việt Nam. vai trò phòng, chống tham nhũng của Quốc hội trong việc phê chuẩn và kiểm soát ngân sách, quyết định các chương trình, dự án quan trọng của quốc gia; hoạt động phòng, chống tham nhũng của Quốc hội thông qua việc bảo đảm sự minh bạch tài sản và thông tin trong hoạt động của bộ máy nhà nước; thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội trong công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Đồng thời, việc xây dựng các thiết chế hỗ trợ Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng - thực trạng và giải pháp; nâng cao vai trò phát hiện tham nhũng của ĐB Quốc hội thông qua việc giữ mối quan hệ với cử tri và các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc hỗ trợ Quốc hội thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng cũng được đề cập với thời lượng nhất định.

Hiến pháp sửa đổi – bước tiến mới của lịch sử

Hiến pháp 2013 được thông qua, đây được coi là kết tinh của ý Đảng – lòng dân. Hiến pháp là kết quả của quá trình làm việc cần mẫn, tâm huyết, tận tụy của các đại biểu Quốc hội, được cử tri trong và ngoài nước, các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị tham gia. Đó là ý chí, nguyện vọng của nhân dân khi hàng chục triệu cử tri và nhân dân trực tiếp tham gia góp ý. Điều mà nhiều người dân góp ý, tâm huyết nhất đã được thể hiện trong bản Hiến pháp, đó là quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đặc biệt coi trọng, đặt trang trọng ngay ở Chương 2 của bản dự thảo Hiến pháp.

Với Hiến pháp sửa đổi, một lần nữa Ðiều 4 khẳng định tính tất yếu khách quan trong vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước. Từ Ðiều 1 đến Ðiều 14 của Hiến pháp phản ánh đầy đủ ước nguyện của mọi người dân Việt từ bao đời nay là xây dựng một Nhà nước pháp quyền "của dân, do dân, vì dân" và "tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân". Sự ổn định về chính trị và các thành tựu về kinh tế, xã hội và văn hóa trong những thập kỷ vừa qua là bằng chứng xác nhận sự chuẩn xác của Hiến pháp 1992 trong việc xác định các nguyên tắc và điều hành hoạt động của Nhà nước, cũng như hoạt động của xã hội. Nhưng thế kỷ 21, chúng ta cần một Hiến pháp mới và từ nay chúng ta đã có bản Hiến pháp đó, vấn đề là toàn dân tuân thủ Hiến pháp như thế nào.

Những người có lương tri với Tổ quốc, với dân tộc phải vui mừng, vì Hiến pháp sửa đổi lần này không chỉ là bước ngoặt, mà là một bước tiến lịch sử. Sự sửa đổi này càng khẳng định, Nhà nước cam kết bảo đảm, bảo vệ tôn trọng quyền con người, quyền công dân đúng như công ước quốc tế và đây cũng là thành quả của hơn 30 năm đổi mới. Câu hỏi làm thế nào đề những quy định về quyền con người được thực thi trong cuộc sống càng được làm sáng tỏ khi Bản Hiến pháp hiến định quyền về tự do, dân chủ…

Hiến pháp sửa đổi lần này cũng khẳng định vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó thể hiện rõ hơn bản chất của Đảng ta: Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động, của cả dân tộc, đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đại biểu trung thành của nhân dân lao động, của cả dân tộc.

Chắc chắn, cử tri sẽ đồng tình cao với nhận định: Quốc hội khóa XIII có những sự kiện mang dấu ấn lịch sử, mở ra thời kỳ mới trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.    

Lê Tùng