Nhớ mãi tháng Tư:

Hồi ức của một phóng viên mặt trận

13:17 | 27/04/2017

1,367 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không phải ngẫu nhiên mà nghề báo được xem là “thư ký của thời đại”. Bằng ngòi bút, các nhà báo hòa mình vào thời cuộc và lưu lại trọn vẹn hơi thở của đời sống với góc nhìn chân thật, đa chiều nhất.

Với nhà báo Đỗ Khánh Toàn, phóng viên chương trình phát thanh QĐND, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo thì ký ức về những ngày tháng hào hùng luôn vẹn nguyên trong tim dù 42 năm đằng đẵng đi qua. Bởi những ngày xuân năm 1975 ấy luôn sáng láng, trẻ trung, như một giấc mơ tươi đẹp nhất trong cuộc đời ông. Đó là những ngày “Lịch sử đất nước đi với tốc độ một ngày bằng hai mươi năm” của một mùa xuân giải phóng, mùa xuân thống nhất và sum họp.

Hành quân không nghỉ

Từ ngày 10/3/1975, với lối nghi binh sắc sảo, quân ta đã bất ngờ nổ súng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, thủ phủ của địch trên Tây Nguyên hùng vĩ. Chỉ hơn một ngày liên tục chiến đấu, quân địch ở Buôn Ma Thuột đã bị tiêu diệt nặng, buộc phải tháo chạy, lập vành đai bảo vệ Kon Tum, Gia Lai, Phú Bổn. Cuộc rút quân chiến lược của địch khỏi Tây Nguyên bắt đầu.

Trước tình hình đó, việc đòi hỏi phải nắm bắt được thông tin từ chiến trường ngày càng trở nên cấp thiết. Sáng ngày 24/3/1975, đồng chí Trần Tất Đắc, Trưởng Ban biên tập chương trình phát thanh Quân giải phóng miền Nam và đồng chí Lê Hào, Phó trưởng Ban biên tập đã gặp ông, giao nhiệm vụ quan trọng. Đó là chuẩn bị mọi điều kiện để đi theo đoàn cán bộ của Tổng cục chính trị vào Quảng Trị và theo sự phát triển của tình hình để vào thành phố Huế.

hoi uc cua mot phong vien mat tran
Nhà báo Đỗ Khánh Toàn.

Ngay trong chiều hôm đó, chỉ với lương khô, nước uống, hai chiếc xe chở những người lính trên mặt trận thông tin đã chạy liên tục không ngừng nghỉ. 7 giờ sáng hôm sau, đoàn đã đến Sở chỉ huy quân đoàn 2, đóng ở miền Tây Quảng Trị. Và từ đó xuất phát thẳng vào Huế, tới nơi đúng thời điểm quân ta đã giải phóng thành phố Huế, cắm cờ chiến thắng trên đỉnh Phu Văn Lâu. Rồi tin chiến thắng cứ dồn dập bay về. Ngày 29/3 lực lượng quân đoàn 2 phối hợp với lực lượng vũ trang quân khu 5 đã giải phóng thành phố Đà Nẵng, tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã trên 100 nghìn tên địch. Từ khắp các ngả đường cờ giải phóng rợp trời, tung bay phấp phới hòa vào với không khí sôi nổi, khẩn trương của cả đất nước.

Và một điều, nhà báo Đỗ Khánh Toàn thường cho đó là may mắn lớn nhất của đời mình, khi đang tác nghiệp, ghi lại những tin tức nóng hổi ở Đà Nẵng, ông nhận được lệnh từ cấp trên tiếp tục đi vào chiến dịch Hồ Chí Minh.

Từ đường số 1 qua Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Phú Yên, Nha Trang, lên Buôn Ma Thuột, sau đó, xe đi thẳng vào miền Đông Nam Bộ, đến vành đai Sài Gòn. Ngay khi xe dừng lại ở rừng cao su Phúc Lợi, cột ăng ten nhanh chóng được dựng trên ngọn cây. Đồng chí kỹ thuật viên truyền bài viết của ông về Hà Nội. Cả chặng đường hành quân không nghỉ đã được ông lưu lại trong bài: “Trên một chặng đường đi tới Sài Gòn”, với những dòng chữ náo nức lòng người: “Quân ta đi trùng điệp, tiến vào thành phố. Các em gái Củ Chi bận áo bà ba đen, khăn rằn quàng cổ, đầu đội mũ tai bèo, giơ tay tạm biệt các anh đi, chiến thắng nhé. Hẹn gặp nhau ở Sài Gòn".

Giờ khắc lịch sử

Một trong những may mắn của ông và các đồng nghiệp được theo bước chân thần tốc của người chiến sĩ Việt Nam suốt từ Huế, Đà Nẵng, qua hàng loạt các thành phố lớn khác ở miền Trung ngay trong những ngày đầu giải phóng để rồi đêm cuối cùng của chiến tranh, ông đã ở ngay cửa ngõ Sài Gòn. Mặt đất ầm vang tiếng rền của đủ loại vũ khí. Tiếng súng liên thanh rộ lên phía Trảng Bàng, Tây Ninh. Tiếng trọng pháo gầm, chớp lửa rực sáng bầu trời hướng đông nam trước mặt. Nơi đấy là Sài Gòn.

Rạng sáng 30/4/1975, các nhà báo theo các mũi đột kích tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn. Mệnh lệnh truyền xuống: Vừa đánh vừa tiến vào trung tâm, mục tiêu là Dinh Độc Lập. Từng đoàn xe nối đuôi nhau, xe tăng dẫn đầu, rồi đến xe thiết giáp, xe chở bộ binh... Pháo 130 ly bắn yểm trợ dọc hai bên đường. Những đám khói đen đặc cuộn lên. Có đoạn, xe tăng phải hạ nòng bắn thẳng vào tàu chiến của quân đội Sài Gòn đang rút chạy.

Rồi cảm xúc đã vỡ òa khi trưa ngày 30/4, trên làn sóng phát thanh, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Anh em chiến sĩ ôm chầm lấy nhau, nghẹn ngào trong nước mắt. Sau bao nhiêu năm ròng rã chiến đấu, sau bao nhiêu hy sinh xương máu của đồng bào, chiến sĩ ta, cuối cùng ngày đất nước thống nhất cũng đã đến.

Sài Gòn đây rồi! Đường phố rộng là thế, giờ như nhỏ lại, không đủ sức chứa cả đoàn quân. Đồng bào đổ ra chật kín, những lá cờ cách mạng được chuẩn bị âm thầm giờ tung bay trong nắng. Theo dòng người cuồn cuộn ở các ngả đường, ông cùng đồng nghiệp tiến về Dinh Độc Lập. Lúc đó, cánh cửa sắt của Dinh Độc Lập đã bị hất tung, những chiếc xe tăng đi đầu đã đến đó trước. Vào trong dinh, mọi người thấy một chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến qua cổng chính. Một hình ảnh rất thiêng liêng hiện ra ngay trước mắt: Trên nền nắng trưa rực rỡ, chiếc xe tăng vừa vào ngang cổng, cánh cửa sắt đổ sập trên mặt đất, lá cờ giải phóng trên tháp pháo tung bay. Ngay lúc đó, trên tầng 2 của Dinh Độc Lập, Nội các của tướng Dương Văn Minh đã đầu hàng không điều kiện.

Ngay buổi trưa đó, từ Dinh Độc Lập, ông cùng đoàn công tác đi tới các nơi khác trong thành phố để ghi lại những hình ảnh và thu thập thông tin cho bài viết của mình: Sứ quán Mỹ tan hoang, còn nguyên dấu vết của một cuộc tháo chạy tán loạn. Tại Phủ Thủ tướng Ngụy Sài Gòn, giấy tờ, sổ sách vứt bừa bãi dưới sàn. Trụ sở Bộ Quốc phòng ngổn ngang hàng chục xe Jeep đủ loại. Tổng nha Cảnh sát đầy ắp súng ống. Văn phòng tướng Cao Văn Viên tại Bộ tổng tham mưu còn cả những mẩu bánh mỳ ăn dở vứt trên bàn... Rồi cảnh hỗn loạn tại sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng chào đón ông và các nhà báo từ Chợ Bến Thành, qua Bến Nhà Rồng, đi dọc đường Nguyễn Huệ... đâu đâu cũng gặp những niềm vui, nụ cười và cả những giọt nước mắt mừng vui. Cả thành phố thực sự sống trong một ngày hội lớn.

Hòa trong niềm vui chung của dân tộc, vào thời khắc thiêng liêng ấy, bài báo “Toàn thắng đã về ta” được ông viết rất nhanh, những hình ảnh sống động phản ánh toàn diện gương mặt Sài Gòn vào giờ phút trọng đại được miêu tả bằng con chữ nhanh chóng chuyển về Hà Nội.

Vậy là, ông cùng với đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xung kích của mình. Trong mưa bom bão đạn của những ngày tháng chống Mỹ cứu nước, với điều kiện tác nghiệp hết sức chênh lệch với đối phương cả về con người lẫn trang thiết bị kỹ thuật, các nhà báo - những người lính trên mặt trận thông tin của vẫn sáng tạo, vượt lên trên thực tế khắc nghiệt, kịp thời cập nhật chiến thắng của quân và dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam. Qua đó động viên, cổ vũ toàn quân, toàn dân vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh để đến với giờ phút huy hoàng 30/4/1975, kết thúc chiến dịch lịch sử mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đã 42 năm trôi qua, cùng với bao đổi thay của thành phố, đất nước ngày càng phát triển, những nhà báo cách mạng năm xưa như nhà báo Đỗ Khánh Toàn giờ tuy tuổi đã cao nhưng những ngày tháng tư lịch sử vẫn luôn sống mãi.

hoi uc cua mot phong vien mat tranNghe người lính già kể chuyện giải phóng miền Nam

Thiên Minh - Hương Lan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc