Thu hút đầu tư quốc tế - Chìa khóa thành công của Dầu khí Việt Nam

06:45 | 02/10/2018

4,812 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Vào năm 1978, Hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí đầu tiên được Chính phủ Việt Nam ký với nhà thầu AGIP (Italy). Đến nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí Việt Nam đã lên đến 45 tỉ USD, nguồn thu từ dầu khí mang về hơn 88 tỉ USD cho đất nước, ký kết 105 hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí…

Thu hút 45 tỉ USD

Theo thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ngay từ năm 1978, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí ở Việt Nam đã được mở màn bằng dấu mốc lịch sử Chính phủ Việt Nam và nhà thầu AGIP (Italy) ký liên tiếp 2 hợp đồng phân chia sản phẩm (PSA) để triển khai hoạt động dầu khí tại bể Nam Côn Sơn.

thu hut dau tu quoc te chia khoa thanh cong cua dau khi viet nam
Giàn khai thác trung tâm mỏ Bạch Hổ.

Đến ngày 26/6/1986, Việt Nam đã đón tấn dầu đầu tiên được khai thác tại mỏ Bạch Hổ - mỏ dầu lớn nhất Việt Nam nằm ở bể Cửu Long do Liên doanh dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) điều hành, đánh dấu cột mốc quan trọng đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ.

Với việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Dầu khí, FDI vào lĩnh vực dầu khí, nhất là hoạt động thăm dò khai thác đã thực sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hơn 40 năm qua.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đối tác quốc tế đã tiến hành thăm dò dầu mỏ ở bể Malay - Thổ Chu trên thềm lực địa Việt Nam thông qua các hợp đồng với các công ty dầu mỏ nước ngoài, trong đó có Fina Exploration (Bỉ), Talisman (Canada), Unocal-Chevron (Mỹ), đặc biệt là thỏa thuận giữa Việt Nam và Malaysia về khu vực chồng lấn (PM3-CAA).

Các công ty đã tiến hành đo địa chấn, khoan hàng trăm giếng thăm dò và thẩm lượng. Kết quả đã phát hiện hàng loạt các mỏ dầu và khí như Cái Nước, Sông Đốc, Kim Long, Ác Quỷ... trong đó có 6 mỏ đã được đưa vào khai thác.

Tính từ khi có chính sách mở cửa nền kinh tế đến ngày 30/11/2015, Việt Nam đã ký 105 hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí với đối tác nước ngoài, trong đó 39 hợp đồng đã kết thúc và 66 hợp đồng vẫn đang có hiệu lực.

Thống kê của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho thấy trong 30 năm qua, các nhà thầu dầu khí nước ngoài đã đầu tư khoảng 45 tỷ USD vào hoạt động thăm dò khai thác dầu khí tại Việt Nam.

Hiện nay Việt Nam có trên 40 công ty dầu mỏ nước ngoài đang đầu tư vào các khâu thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn. Trong số đó, nhiều công ty dầu mỏ lớn đang hợp tác với Việt Nam như Chevron (Mỹ), KNOC (Hàn Quốc), Gazprom (Nga), Petronas (Malaysia), PTTEP (Thái Lan), Talisman và Repsol (Tây Ban Nha), ExxonMobil (Mỹ), Total và Neon Energy (Pháp).

Các công ty phần lớn đầu tư dưới hình thức góp vốn với doanh nghiệp dầu mỏ của Việt Nam để thực hiện các hợp đồng dầu mỏ. Ngoài ra, Việt Nam còn ký kết hợp tác với Liên bang Nga để thành lập các công ty liên doanh với nhiệm vụ chính là thăm dò dầu mỏ tại Nga và Việt Nam. Với các hoạt động hợp tác này, 38 mỏ dầu khí trong tổng số hơn 100 phát hiện dầu khí đã được đưa vào khai thác.

Theo đó, trong giai đoạn này, Việt Nam đã gia tăng trữ lượng khoảng 35 - 40 triệu tấn quy dầu mỗi năm. Sản lượng khai thác trung bình đạt 15,5 - 17 triệu tấn dầu/năm và trên 9 tỷ m3 khí/năm. Nhờ vậy, trong giai đoạn trước năm 2015, ngành Dầu khí hằng năm đóng góp từ 20 - 25% tổng thu ngân sách nhà nước và 18 - 25% GDP cả nước.

Nhanh chóng trưởng thành

Nhờ các hoạt động hợp tác với nhà thầu dầu khí nước ngoài, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tiếp cận và nhận chuyển giao nhiều công nghệ hiện đại, học hỏi được phương thức quản lý tiên tiến và hội nhập nhanh vào cộng đồng dầu mỏ quốc tế.

thu hut dau tu quoc te chia khoa thanh cong cua dau khi viet nam
Sản xuất phân bón tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Đặc biệt, Liên doanh dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) - hình mẫu hợp tác về đầu tư đã phát hiện và khai thác thành công, có hiệu quả thân dầu trong đá móng mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác ở Việt Nam.

Từ đây, ngành Dầu khí Việt Nam đã hình thành nên tổ hợp các giải pháp công nghệ khai thác thân dầu dạng mới, chưa có trong lịch sử dầu khí thế giới. Với tổ hợp các giải pháp này, năng lượng tự nhiên của thân dầu được sử dụng triệt để, hệ số thu hồi dầu cuối cùng cao nhất với chi phí phát triển mỏ thấp nhất và mang về cho đất nước hơn 88 tỷ USD nguồn thu từ dầu mỏ dạng này.

Theo Hội Dầu khí Việt Nam, việc hợp tác với các nhà thầu nước ngoài trong khâu thượng nguồn là tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí đã góp phần cho sự ra đời của hàng loạt các công trình lớn thuộc phần trung nguồn và hạ nguồn công nghiệp dầu khí như nhà máy chế biến khí, nhà máy nhiệt điện khí, nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy sản xuất phân đạm đã đi vào vận hành, phục vụ cho phát triển nền kinh tế và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cụ thể, ngành Dầu khí đã đưa vào vận hành 3 cụm dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí là cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, cụm Khí - Điện - Đạm Đông Nam Bộ và dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Các cụm dự án này hiện đang hoạt động hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia, tạo ra công ăn việc làm cho lao động cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương nơi có dự án.

Cùng với đó, các chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ kỹ thuật dầu khí phục vụ các hoạt động khoan thăm dò khai thác dầu khí đi kèm cũng đã phát triển mạnh mẽ. Nhiều đơn vị thành viên của PVN như PTSC, PV Drilling, PVEP, PVE đã không chỉ cung cấp các dịch vụ kỹ thuật dầu khí cho hoạt động dầu khí trong nước mà còn giành quyền cung cấp các dịch vụ kỹ thuật dầu khí cho các nhà thầu dầu khí trong khu vực và trên thế giới.

Các đơn vị thành viên của PVN hiện đã làm chủ được các công nghệ, có khả năng tham gia và thực hiện hầu hết các yêu cầu dịch vụ dầu khí chất lượng cao như: Khảo sát địa chấn, khoan, dịch vụ khoan, khảo sát thiết kế, xây lắp các công trình dầu khí, sửa chữa đóng mới các phương tiện kho nổi dầu khí... Hằng năm, lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí đóng góp gần 30% doanh thu tổng doanh thu của PVN và chiếm 10% nộp ngân sách Nhà nước của PVN.

Có thể nói, trong 30 năm thu hút FDI vào lĩnh vực dầu khí, nhất là trong quá trình tiến hành hoạt động thăm dò khai thác dầu khí với các nhà thầu dầu khí nước ngoài, PVN từ chỗ chỉ thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Hợp đồng dầu khí với nhà thầu, quản lý hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của các nhà thầu và thực hiện quyền tham gia của nước chủ nhà khi có phát hiện dầu khí trong các diện tích hợp đồng cụ thể, nay đã trở thành Tập đoàn lớn mạnh có đủ tiềm lực, kỹ thuật công nghệ tham gia vào các hoạt động dầu khí ở trong nước và thế giới, sánh vai với các tập đoàn dầu khí quốc gia khác trong khu vực.

thu hut dau tu quoc te chia khoa thanh cong cua dau khi viet nam Tạo nguồn lực cho PVN tái cơ cấu, phát triển bền vững
thu hut dau tu quoc te chia khoa thanh cong cua dau khi viet nam Nói thẳng đó là sự phủ nhận trắng trợn những nỗ lực, đóng góp của PVN
thu hut dau tu quoc te chia khoa thanh cong cua dau khi viet nam PVN sẽ có vai trò như thế nào sau khi tái cơ cấu?
thu hut dau tu quoc te chia khoa thanh cong cua dau khi viet nam Gỡ nút thắt, định vị cơ chế quản lý DNNN
thu hut dau tu quoc te chia khoa thanh cong cua dau khi viet nam Cần ứng xử đặc biệt với ngành Dầu khí

Bùi Công

DMCA.com Protection Status