Giá dầu sẽ tăng vọt:

Một lý giải hoàn toàn khác về giá dầu

07:05 | 03/04/2016

872 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giá dầu thấp như hiện nay không phải là do cầu nhiều cung thấp mà do đồng đôla Mỹ duy trì ở mức cao. Đó là cách lý giải hoàn toàn mới về sự sụt giảm của giá dầu từ nhà tư vấn về chiến lược và kinh tế Nicolas Meilhan, thành viên của Econoclastes và ASPO France, trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài RT của Nga phiên bản tiếng Pháp.  

RT France: Thời báo Phố Wall vừa mới hé lộ thông tin về sai số 800.000 thùng dầu/ngày trong số liệu thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Theo ông thì sai số như vậy có hợp lý không?

Nicolas Meilhan: Hằng năm đều có một sự chênh lệch giữa sản lượng dầu dư thừa (số liệu lấy ra từ thông số sản xuất và tiêu thụ dầu) và lượng dầu dự trữ (trong kho, trên biển hoặc đang quá cảnh). Sự chênh lệch này luôn tồn tại trong các thống kê của IEA và dao động ở khoảng 2 triệu thùng/ngày, sai số này có thể trả lời cho câu hỏi vừa nêu ra.

mot ly giai hoan toan khac ve gia dau
Chuyên gia kinh tế Nicolas Meilhan

Khi giá dầu giảm, nhiều người đã giải thích với chúng tôi rằng, tình trạng suy giảm tăng trưởng tại Trung Quốc đã làm ảnh hướng tới mức tiêu thụ dầu. Nói như vậy là sai, bởi vì năm 2015, mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc là 5%, cao hơn hẳn thời điểm giữa năm 2010 và 2014 vốn chỉ đạt 3%. Cơn khát dầu của Trung Quốc không những không thuyên giảm mà còn tăng cao. Như vậy có vẻ IEA đã đánh giá sai mức độ tiêu thụ dầu của Trung Quốc trong năm 2015

RT France: Liệu những sai số này có ảnh hưởng lên giá dầu không?

Nicolas Meilhan: Có một điều mà tôi chắc chắn đó là sự việc lần này không phải do chủ đích của bất kỳ ai. Đây đơn thuần là một sai số đến từ sự chênh lệch giữa sản lượng dầu sản xuất và bán ra thị trường mà IEA ghi nhận được và sản lượng dầu tồn kho. Trong suốt 15 năm qua, trung bình mỗi năm IEA tính thấp hơn nhu cầu thị trường khoảng 700.000 thùng dầu/ngày. Có khả năng rất cao rằng vấn đề lần này cũng vướng vào tình trạng tương tự, có lẽ có liên quan đến cơn khát dầu của Trung Quốc và đánh giá sai lệch về mức độ tiêu thụ dầu của nước này.

Ngày nay, khi mà các thương gia buôn dầu theo rất sát những thay đổi nhỏ nhất trên sàn chứng khoán và sản lượng dầu dư thì rõ ràng là thông tin về 2 triệu thùng dầu dư/ngày sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới giá dầu vốn dĩ đã rất thấp.

mot ly giai hoan toan khac ve gia dau

RT France: Vậy thì tại sao giá dầu lại xuống thấp đến vậy?

Nicolas Meilhan: Theo nhận định riêng của tôi thì thứ tác động đến giá dầu nhiều nhất không phải là mối quan hệ cung cầu mà là giá trị đồng đôla Mỹ. Có một mối quan hệ nghịch đảo giữa giá trị đồng USD và giá dầu kể từ hồi năm 2003: Đồng đôla càng có giá thì giá dầu càng giảm và ngược lại. Vậy thì tại sao giá trị đồng USD lại tăng cao kể từ hồi tháng 6-2014? Bởi vì Mỹ đã chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ, dẫn đến sự rơi tự do của giá dầu.

RT France: Trong bản báo cáo của ngân hàng đầu tư đa quốc gia  Goldman Sachs có giải thích rằng, giá dầu đã chạm đáy và sẽ không ngừng tăng lên trong tương lai. Ông có đồng ý với ý kiến này không?

Nicolas Meilhan: Tôi phải nói đôi lời về các dự báo của Goldman Sachs:

Tháng 7-2008, Goldman Sachs đã dự báo giá dầu có thể tăng đến 300USD/thùng, một mức giá hết sức phi lý khi mà chỉ cần quá 120USD/thùng là tự động dầu sẽ rớt giá vì thị trường không có người mua. Vài tháng trở lại đây, Goldman Sachs lại thông báo giá dầu sẽ giảm xuống dưới 20USD/thùng, thấp hơn 15 lần so với hồi năm 2008… Và cách đây vài ngày, sau khi nhận ra sự ngớ ngẩn của mình, Goldman Sachs đã thay đổi chính kiến cái xoạch, y hệt một số nhà phân tích hiện tại.

RT France: Vậy thì những dự báo của ông về giá dầu là như thế nào?

Nicolas Meilhan: Nước Mỹ hiện đang phải đối mặt với không chỉ cuộc khủng hoảng dầu thừa do họ tự tạo ra mà còn phải lo lắng vì một đồng đôla quá mạnh. Cuộc khủng hoảng dầu thừa đã làm xáo trộn ngành công nghiệp dầu mỏ năng động của Mỹ, song song với đó sự lên ngôi của đồng USD với giá trị tương đương thời kỳ 2002-2003 đã làm tê liệt các công ty xuất khẩu của Mỹ và hàng loạt các công ty nước ngoài.

Kể từ quý II/2015, chỉ số đồng đôla Mỹ liên tục tăng và đạt mức kỷ lục khoảng 99 điểm vào tháng 11 và 12-2015, tăng 2,91% so với bình quân 10 tháng năm 2015, đây là mức cao nhất trong vòng 13 năm qua. Sự tăng giá mạnh của USD sẽ khiến giá của tất cả các hàng hóa tính bằng USD giao dịch trên thị trường thế giới giảm, trong đó có dầu thô.

Nền kinh tế thế giới cần một đồng đôla giá trị thấp thì mới có thể phát triển được. Tâm điểm vấn đề ở đây là cuộc chiến tiền tệ giữa các ngân hàng lớn suốt 8 năm qua, trong khi họ có thể hợp tác với nhau để giúp hạ giá đồng đôla. Hiện tôi có cảm giác rằng Mỹ đang cho tạm ngưng chính sách gia tăng tỷ giá để cố gắng đưa giá trị đồng USD xuống, dù có phải thắt chặt chính sách tiền tệ từ đây đến cuối năm.

Đồng euro như thế sẽ tự động tăng giá cao hơn so với đồng USD và dẫn đến giá dầu tăng cao. Nhìn chung, nếu đồng USD trượt giá thấp hơn khoảng 13% so với các đơn vị tiền tệ khác thì dầu sẽ về với mức giá 80USD/thùng và 100USD/thùng nếu đôla trượt giá 20%.

Một số chuyên gia cho rằng, giá dầu sẽ không sớm tăng lên trong thời gian tới. Dự báo mới từ cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy, giá dầu sẽ giảm nhiều hơn nữa - xuống thấp tới mức 20USD/thùng vào năm 2016. Tổ chức OPEC mới đây dự báo rằng, giá dầu toàn cầu sẽ vào khoảng 70USD/thùng đến năm 2020 và 95USD đến năm 2040. Tổ chức này cho rằng, tình trạng thặng dư dầu hiện nay sẽ tan biến khi nhu cầu gia tăng. OPEC đã quyết định hiện giờ chưa phải cắt giảm sản lượng.

John Demopoulos là một chiến lược gia thị trường cao cấp thuộc Công ty Argus Media chuyên theo dõi những thị trường năng lượng và hàng hóa thô toàn cầu. Ông không thấy có dấu hiệu nào trước mắt cho thấy giá dầu sẽ tăng đáng kể trong năm 2016 vì hai nguyên nhân chính. 1) Iran sẽ đưa nhiều dầu hơn ra thị trường vì họ thoát khỏi một số những biện pháp chế tài đã ngăn trở họ xuất khẩu dầu mỏ; 2) một luật mới cho phép Mỹ lần đầu tiên xuất khẩu dầu thô sau nhiều thập niên.

S.Phương

Năng lượng Mới 510

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc