Điều gì đang quyết định giá dầu?

15:44 | 16/05/2016

1,321 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giá dầu thế giới trong vài tháng trở lại đây liên tục tăng, từ 25 USD hồi tháng 2 lên gần 50 USD hiện nay. Xét về tổng thể thì cung dầu vẫn nhiều hơn nhu cầu. Vậy đâu là những yếu tố giúp giá dầu liên tiếp tăng trong thời gian qua?
dieu gi dang quyet dinh gia dau

Ngày 13-5, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu đang dư cung 1,5 triệu thùng/ngày. Tháng 4-2016, sản lượng dầu mỏ của Nga đạt 10,84 triệu thùng/ngày. Nhóm nước thuộc Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong cùng thời gian trên vẫn tăng cường xuất khẩu dầu ra thị trường, tổng mức xuất khẩu đạt mức 32,76 triệu thùng/ngày, mức cao nhất từ tháng 4-2008. Trong tháng 4-2016, Iran tăng lượng xuất dầu ra thị trường thêm 300 nghìn thùng/ngày lên 3,56 triệu thùng dầu/ngày, mức cao nhất tính từ tháng 11-2011.

“Thị trường vẫn ngập trong dầu khi nhiều nước Trung Đông vẫn mạnh tay tăng sản lượng khiến việc Mỹ và nhiều nước khác giảm sản lượng không giải quyết được triệt để tình trạng dư thừa dầu, sẽ cần thêm thời gian để cung cầu thị trường được cân bằng”, trưởng bộ phận kinh doanh hàng hóa tại quỹ Julius Baer, ông Norbert Ruecker nhận định.

Ngày 12-5, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết tình trạng dư thừa sản lượng dầu mỏ trên thế giới, nguyên nhân khiến giá dầu lao dốc thời gian qua, sẽ “giảm đáng kể” vào cuối năm nay. Sự gián đoạn nguồn cung dầu thô từ Canada, Nigeria, Lybia, Iraq và Venezuela, và sự sụt giảm sản lượng dầu đá phiến Mỹ là cơ sở để IEA dự báo “xu hướng thị trường dầu đang tiến tới sự cân bằng”, và dư thừa dầu thô toàn cầu sẽ giảm từ mức 1,3 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm xuống chỉ còn 200.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm 2016.

Một trong những yếu tố khiến IEA dự báo tình trạng dư thừa dầu giảm vào cuối năm nay là vì nguồn tiêu thụ loại năng lượng này đang tăng nhanh hơn rất nhiều so với dự báo của hầu hết các nhà phân tích. Nhu cầu dầu thế giới đã tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong quý I/2016 so với cùng quý năm 2015, trong khi dự báo là chỉ tăng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày.

Tăng trưởng nhu cầu mạnh nhất đến từ Ấn Độ và Mỹ, nơi giá nhiên liệu rẻ đang khuyến khích người lái xe tiêu thụ khối lượng xăng kỷ lục. Tiêu thụ các sản phẩm dầu mỏ của Ấn Độ đạt đỉnh 4 triệu thùng/ngày lần đầu tiên trong 12 tháng tính tới tháng 4, theo số liệu từ Bộ Dầu mỏ và Khí tự nhiên. Kết của của hiện tượng nhu cầu dầu tăng đến từ tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, Ấn Độ hiện nay là nước tiêu thụ dầu lớn thứ 4 trên thế giới và lật đổ Nhật Bản từ vị trí thứ ba trong năm tới.

Tại Mỹ, tiêu thụ các sản phẩm dầu mỏ được Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) ước tính tăng 240.000 thùng/ngày trong 4 tháng đầu năm nay. Tiêu thụ dầu mỏ đang được thúc đẩy bởi nhu cầu xăng phi thường do việc đi lại trên đường xá Mỹ tăng mạnh và người lái xe lựa chọn xe ôtô crossover tiện tích lớn hơn hơn là xe nhỏ hơn. EIA ước tính các lái xe sử dụng 9,46 triệu thùng xăng mỗi ngày trong tháng 4, tăng 320.000 thùng/ngày so với cùng tháng năm 2015. Mỹ theo xu hướng tiêu thụ khối lượng xăng kỷ lục trong năm nay, vượt qua mức đỉnh thiết lập trong năm 2007.

Nhu cầu dầu mạnh phi thường giúp bù cho một bức tranh yếu kém hơn nhiều trong các khu vực khác và đối với các nhiên liệu khác như dầu diesel.

Mỹ Latinh và Trung Đông, trong số các nước động lực lớn nhất của tiêu thụ dầu cho đến năm 2014, ghi nhận tăng trưởng chậm hơn nhiều hay thậm chí tiêu thụ đang giảm do các nền kinh tế của họ rơi vào nỗi ám ảnh hàng hóa suy giảm.

Ngày 13-5, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s (Mỹ) đã đồng loạt hạ mức độ tín nhiệm của một loạt các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt ở Vùng Vịnh như Arập Xê út, Bahrain và Oman. Theo đó, mức tín nhiệm của Arập Xê út bị hạ một bậc từ Aa3 xuống A1. Trong báo cáo của mình, Moody’s nêu rõ quyết định trên được đưa ra phản ánh việc giá dầu giảm đã tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế của Arập Xê út trong bối cảnh nước này là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Cũng theo Moody’s, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại trong khi tỷ lệ nợ ngày càng cao đã làm giảm khả năng chống đỡ của Arập Xê út trước các “cú sốc” từ bên ngoài trong tương lai là nguyên nhân chính khiến hãng đưa ra quyết định trên. Ngoài ra, Moody’s cũng hạ độ tín nhiệm của Bahrain, từ mức Ba1 xuống Ba2, và của Oman, từ mức A3 xuống Baa1.

Ngoài ra, tiêu thụ dầu diesel và các sản phẩm chưng cất trung như dầu sưởi đã bị thiệt hại bởi một mùa đông ấm hơn khắp bắc bán cầu, cũng như nhu cầu hàng hóa ứ đọng hoặc giảm tại Mỹ và khắp toàn cầu.

Nếu như IEA đánh giá cung cầu dầu sẽ cân bằng trong cuối năm nay thì Nga lại cho rằng phải đợi tới nửa cuối năm 2017, thị trường dầu mỏ mới cân bằng được. Phát biểu với báo giới ngày 13-5, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho rằng đó là một dự báo lạc quan do tình trạng dư cung dai dẳng và tốc độ giảm sản lượng chậm hơn nhận định của giới phân tích. Ông nói hiện không có cuộc đàm phán mới nào về việc "đóng băng" sản lượng với các nước sản xuất dầu khác, nhưng Nga sẵn sàng quay lại chủ đề này nếu các nước khác đề xuất. Ông cho rằng mức giá dầu gần như bình thường, ổn định và làm hài lòng nhiều nước.

Các nước sản xuất trong và ngoài Tổ chức OPEC đã không đạt được thỏa thuận về đóng băng sản lượng tại cuộc họp ở Doha, Qatar vào tháng trước, sau khi Arập Xê út yêu cầu Iran tham gia, làm tiêu tan cơ hội cho một kế hoạch phối hợp hành động lần đầu tiên trong 15 năm.

Ông Novak trước đó nói rằng thỏa thuận tại Doha nếu đạt được sẽ đẩy nhanh quá trình tái cân bằng thị trường dầu mỏ ba đến sáu tháng, và giá dầu sẽ tăng lên 50 USD/thùng vào cuối năm nay. Hãng tin RIA dẫn lời ông Novak cho biết Nga và Qatar dự kiến thảo luận về tình hình các thị trường dầu mỏ tại cuộc họp của Ủy ban Liên chính phủ tại Moskva vào ngày 3-6, một ngày sau cuộc họp định kỳ của OPEC tại Vienna, Áo.

Các chuyên gia cho rằng yếu tố quyết định giá dầu trong vài tháng qua không phải là từ chính sách của OPEC hay từ sự chênh lệch giữa lượng cung và cầu dầu hiện any trên thế giới, mà đó toàn là những yếu tố ngắn hạn như thiên tai, đình công, khủng bố... Đó là những thông tin về sự gián đoạn nguồn cung dầu thô từ Canada, Nigeria, Libya, Iraq, Kuwait đến Venezuela, và việc đóng cửa của một số giàn khoan đá phiến ở Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích về thị trường năng lượng khẳng định các yếu tố gây cản trở sản xuất hiện tại sẽ sớm được giải quyết. Không ít chuyên gia lo ngại giá dầu sẽ sớm bước vào thời kỳ biến động rất mạnh, có thể sẽ tăng hoặc giảm từ 7 đến 8 USD/thùng. Tuy nhiên, khảo sát của Wall Street Journal cho thấy số lượng chuyên gia dự báo về khả năng giá dầu giảm nhiều hơn.

S.Phương

Năng Lượng Mới