Chìm nổi giá dầu

08:32 | 14/06/2011

461 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tăng đến 2,7% chỉ 20 phút sau cuộc họp nhằm tăng sản lượng của Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) kết thúc trong thất bại hồi giữa tuần trước, giá dầu đã thẳng tiến 3 phiên liên tiếp để vượt qua ngưỡng 100 USD/thùng.

Tuy nhiên, nỗi lo dầu lên giá may mắn đã không kéo dài quá lâu. Tin tức đầy nhiễu động từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Trung Quốc đã kéo dầu trở lại ngưỡng 98,19 USD/thùng trong 24 giờ qua.

Các nhà máy lọc dầu tại Saudi Arabia đang hoạt động hết công suất nhưng vẫn chưa giảm được áp lực giá trên thị trường.

Xuất khẩu trong tháng 4 đạt con số đáng khích lệ 176 tỷ USD không xua tan được quan ngại đang nổi lên rằng gói kích thích kinh tế thứ hai trị giá 600 tỷ USD vẫn chưa thể "lột xác” nền kinh tế Mỹ như kỳ vọng. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke phải thừa nhận nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu hồi phục chậm dần trong bối cảnh Chương trình hỗ trợ kinh tế mới đang bước vào cung đường cuối.

Thị trường dầu đang trong cơn say giá như thức tỉnh khi bên kia Đại Tây Dương – EU – thông báo phải thảo luận về một gói hỗ trợ thứ hai trị giá 90 tỷ euro cho Hy Lạp. Một lần nữa đất nước của các vị Thần lại đứng trước vòng xoáy vỡ nợ là lời cảnh báo nghiêm khắc trước các nỗ lực chưa đủ mạnh với nợ công của Lục địa già. Cơn ông chưa qua cơn bà đã tới, dịch E.coli mà nguyên nhân của nó vẫn đang là một bí ẩn cũng khiến nền kinh tế đang ì ạch của Cựu lục địa phải gánh chịu thêm thiệt hại.

Khoản nợ công ở mức 200% GDP cũng là tình tiết không mong đợi đối với kế hoạch lấy lại hình ảnh của Nhật Bản. Sự trì trệ của cỗ xe kinh tế xứ Hoa anh đào không còn mới mẻ, nhưng dự báo GDP đất nước Mặt trời mọc có thể sẽ giảm từ 1,4% xuống còn -0,7% trong năm 2011 vì hậu quả động đất gây sóng thần mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra quả là một cú sốc.

Trong khi đó, dù tự hào về mức tăng trưởng cao song các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng chất lượng phát triển được cho là kém bền vững và các vấn đề về môi trường… khiến nguy cơ quả bóng bất động sản đóng góp tới 13% GDP trong năm 2010 tại Trung Quốc có thể bị xì hơi. Đây được xem là ẩn họa nguy hiểm đối với nền kinh tế mới nổi này.

Những tin tức dồn dập nhưng không mấy tươi sáng từ những trụ cột kinh tế thế giới đã khiến tâm lý e ngại bao trùm thị trường năng lượng. Triển vọng tiêu thụ yếu ớt khi kinh tế của những quốc gia "khát” dầu nhất hành tinh hồi phục không đủ mạnh đã làm dòng tiền của giới đầu tư đảo chiều khỏi kênh nhiên liệu còn nhiều bấp bênh.

Lên xuống thất thường và sụt giá ngay cả khi OPEC lần đầu tiên trong 20 năm qua không đạt được đồng thuận về mục tiêu thúc đẩy sản lượng, giá dầu lại thêm một lần phá vỡ những quy luật lệ thường. Tuy nhiên, bước điều chỉnh 24 giờ qua của giá dầu có thể làm vui mừng bất kỳ một quốc gia nhập khẩu dầu mỏ nào được dự báo là không chắc chắn bởi thực trạng "trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong nội bộ OPEC. Kuwait, Qatar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất ủng hộ đề xuất tăng thêm 1,5 triệu thùng/ngày từ mức hiện tại 28,8 triệu thùng/ngày của "người anh cả” Saudi Arabia.

Song, 6 thành viên còn lại gồm Iran, Ecuador, Venezuela, Algeria, Angola và Lybia cương quyết phản đối với lập luận giá dầu sẽ lao dốc nếu hạn ngạch sản lượng của khối được nâng lên. Thất bại chưa từng có trước ý định hãm giá dầu của Saudi Arabia đã đánh dấu sự thắng thế của quan điểm duy trì giá dầu cao trong OPEC. Và sự chia rẽ của khối này đang khiến thị trường nhiên liệu toàn cầu chịu thêm áp lực mới.

Mọi trông đợi giá dầu hạ nhiệt đang đổ lên vai Saudi Arabia và quốc gia này vẫn hào hứng với ý định rót thêm vào thị trường 1,9 triệu thùng/ngày để đáp ứng nhu cầu 30,87 triệu thùng/ngày mà OPEC dự báo cho quý III năm nay. Thế nhưng, chưa ai có thể bảo đảm quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới sẽ duy trì được nguồn cung được cho là đã ở đỉnh cao đến lần nhóm họp tiếp theo của OPEC sau 3 tháng nữa.

Vậy là, mức tăng 10% chỉ từ đầu năm đến nay của giá dầu vẫn có cơ hội được nối dài. Đây cũng là báo động đỏ cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi cuộc chiến chống lạm phát vẫn đang được xem là nhiệm vụ hàng đầu tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo HNM