Các nước xuất khẩu dầu quyết đấu với nhau tới chết?

09:37 | 03/05/2016

1,368 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giá dầu thế giới ngày 2-5 sụt giảm nghiêm trọng sau khi có tin nói rằng sản lượng dầu thổ của các nước trong và ngoài OPEC tăng mạnh. Thất bại của hội nghị Doha hồi giữa tháng 4 trong việc đóng băng sản lượng đang đẩy các nước xuất khẩu dầu phản ứng theo kiểu mạnh ai nấy làm và kết quả là tất cả các nước này đang đứng trước nguy cơ “chết chùm”.
tin nhap 20160503093551
Biếm họa về cuộc chiến giá dầu giữa Mỹ và Arập Xê út

Theo Bloomberg, chốt phiên giao dịch ngày 2-5, giá dầu thô Mỹ giao tháng 6/2016 giảm 1,14USD, tương ứng 2,5%, xuống 44,78USD/thùng trên sàn New York Mercantile Exchange. Giá dầu Brent giao tháng 7/2016 giảm 1,55USD, tương đương 3,3%, xuống 45,81USD/thùng trên sàn ICE Futures Europe.

Đây là mức sụt giảm mạnh nhất của giá dầu kể từ tháng 1-2016. Nguyên nhân của tình trạng này là do kết quả khảo sát của Reuters cho thấy sản lượng dầu thô của OPEC trong tháng 4-2016 tăng 170.000 thùng/ngày lên 32,64 triệu thùng/ngày, mấp mé đỉnh cao nhất mọi thời đại. Cụ thể, xuất khẩu dầu từ phía nam Iraq đạt mức kỷ lục trong tháng 4. Xuất khẩu của phía nam Iraq trong 24 ngày đầu tháng 4 đạt trung bình 3,43 triệu thùng/ngày, theo nguồn và số liệu được theo dõi bởi Reuters. Nếu duy trì, thì số liệu đó sẽ vượt mức kỷ lục 3,37 triệu thùng/ngày đã đạt được trong tháng 11. Iraq là nước tăng trưởng nguồn cung nhanh nhất trong OPEC năm ngoái và đã tăng sản lương hơn 500.000 thùng/ngày, bất chấp việc cắt giảm chi tiêu của các công ty đang làm việc ở các giếng phía nam và xung đột với các chiến binh nhà nước Hồi giáo. Các quan chức Iraq và giới phân tích dầu mỏ dự kiến tăng trưởng tiếp tục trong xuất khẩu của nước này năm nay, nhưng tốc độ chậm lại so với năm 2015.

Trong khi đó theo Reuters ngày 2-5, xuất khẩu dầu thô của Iran sang thị trường châu Á tăng mạnh cho thấy Iran đã thành công khi giành lại thị phần ở châu Á sau khi các lệnh trừng phạt được nới lỏng trong tháng 1/2016. Trong tháng 3/2016, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc – 4 thị trường hàng đầu về nhập khẩu dầu của Iran tại châu Á đã nhập khẩu 1,56 triệu thùng/ngày, tăng 49,9% so với một năm trước; nhập khẩu của Ấn Độ đạt tổng cộng 506.100 thùng/ngày và đây là mức cao nhất trong 5 năm qua; dự báo trong năm tài chính 2016 – 2017, sản lượng dầu nhập khẩu từ Iran của Ấn Độ có thể tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Đối với Hàn Quốc, trong tháng 3/2016, nước này nhập khẩu từ Iran 264.452 thùng/ngày, tăng 94,5% so với cùng kỳ năm trước.

Iran cho biết nước này đã tăng xuất khẩu dầu thô của mình lên 2,1 triệu thùng/ngày, gần gấp đôi mức sản xuất trước khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Tehran với Nhóm P5+1 chính thức có hiệu lực vào tháng 1-2016. Theo đó, các lệnh trừng phạt quốc tế đã được dỡ bỏ và hoạt động xuất khẩu dầu của Iran được khôi phục.

Cùng thời gian này, tập đoàn năng lượng nhà nước Saudi Arabia Co thông báo đã hoàn thành việc mở rộng giếng dầu Shaybah giúp sản lượng tăng thêm khoảng hơn 200 nghìn/thùng ngày.

Trước đó, ngày 19-4, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Kirill Molodtsov tuyên bố nước này có thể tăng sản lượng cũng như xuất khẩu dầu thô. Sản lượng dầu thô của Nga trong năm 2016 có thể tăng thêm 100.000 thùng/ngày lên 10,81 triệu thùng/ngày.

Về phía Mỹ, ngày 2-5, Genscape công bố dự trữ dầu thô của Mỹ tại Cushing, Oklahoma tăng 1,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 22-4-2016.

Ngân hàng Commerzbank cho biết, sản lượng dầu thô của OPEC có thể cao hơn nữa nếu không xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung tại Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Venezuela và Nigeria.

Sự gia tăng mạnh sản lượng của các nước xuất khẩu dầu hiện nay là hệ quả từ thất bại của hội nghị Doha. Trong cuộc họp diễn ra vào ngày 17-4 tại Doha, Qatar, Arập Xê út đã chặn đứng thỏa thuận giữa OPEC và các nhà sản xuất không thuộc OPEC, như Nga, trong việc phục hồi giá dầu thông qua “đóng băng” sản lượng ở mức của tháng 1 do Iran từ chối tham gia ký kết vào thỏa thuận.

Tình trạng mạnh ai nấy làm trong thị trường xuất khẩu dầu đã khiến giá dầu rớt từ trên 100 USD/thùng hồi năm 2013 xuống còn trên 40 USD hiện nay. Điều đáng nói là tình hình này đang có chiều hướng tăng nặng. Hậu quả của việc giá dầu giảm đã thấy rất rõ. Không chỉ các quốc gia sống chủ yếu vào xuất khẩu dầu bị ảnh hưởng nặng nề, các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới cũng đã bắt đầu ngấm đòn. Sau BP và ConocoPhillips, hai "đại gia" dầu khí Mỹ ExxonMobil và Chevron Corp ngày 29-4 công bố lợi nhuận quý 1 sụt giảm nghiêm trọng do sự xuống dốc không phanh của giá dầu mỏ thế giới. Lợi nhuận trong quý đầu năm 2016 của ExxonMobil giảm tới 63% xuống còn 1,8 tỷ USD, trong đó, các hoạt động kinh doanh dầu mỏ làm tập đoàn này lỗ 76 triệu USD. Doanh thu của ExxonMobil giảm 28% xuống còn 48,7 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2016.

Với mức lợi nhuận trên, mỗi cổ phiếu của ExxoMobil được lãi 43 cent, nhiều hơn 12 cent so với dự báo của các nhà phân tích. Điều này đã giúp giá cổ phiếu của ExxoMobil tăng 1 lên mức 88,9USD trong các giao dịch trước phiên ngày 29-4. Trong khi đó, Chevron cho biết đã lỗ 725 triệu USD trong quý vừa qua, một sự sụt giảm nghiêm trọng so với mức lợi nhuận 2,6 tỷ USD cùng kỳ năm 2015. Doanh thu của tập đoàn dầu khí thứ 2 nước Mỹ đã giảm 31,8% xuống còn 23,6 tỷ USD với sản lượng khai thác 2,67 triệu thùng dầu mỗi ngày. Với khoản lỗ trên, mỗi cổ phiếu của Chevron bị mất 39 cent, cao hơn 19 cent so với dự báo của các chuyên gia. Giá cổ phiếu của Chevron đã giảm 1,1% xuống còn 101,3 USD trong các phiên giao dịch trước phiên ngày 29-4 sau thông tin trên.

Ngày 30-4, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) thông báo rằng lợi nhuận năm ngoái của họ giảm còn 82,5 tỉ Nhân dân tệ (tương đương với 17,1 tỉ USD). Bên cạnh đó, doanh thu của tập đoàn này cũng giảm 26% xuống còn 2.000 tỉ Nhân dân tệ, trong khi sản lượng đầu ra của dầu mỏ và khí đốt tăng 1,8% lên tới 259,5 triệu tấn.

Giá dầu xuống thấp tiếp tục khiến kinh tế của các nước sản xuất dầu lao đao, nhất là Arập Xê út. Tập đoàn xây dựng Binladin Group của nước này buộc phải sa thải 50.000 công nhân nước ngoài trong lúc bị tố nợ lương nhiều tháng liền. Tức giận, hàng nghìn nhân viên biểu tình và đốt hàng loạt xe buýt của công ty gần đây. Theo AP, các công ty xây dựng ở vùng Vịnh chịu ảnh hưởng nặng bởi giá “vàng đen” lao dốc khiến chính phủ các nước nói trên giảm bớt chi tiêu về phát triển hạ tầng. Riêng Tập đoàn Binladin, nhiều nguồn tin cho biết họ đang nợ tới 30 tỉ USD.

Ngành công nghiệp dầu đá phiến ở Mỹ cũng chịu “thương vong” không kém. Công ty Magnum Hunter Resources là một điển hình: khởi nghiệp từ một doanh nghiệp nhỏ, vay mượn nhiều để đầu tư cho khai thác và rồi đứng trước nguy cơ phá sản dưới sức ép của món nợ 1 tỉ USD. Nằm trong số những nạn nhân đầu tiên của tình trạng giảm giá năng lượng ở Mỹ, nhà sáng lập Gary Evans thừa nhận ngay cả khi không mắc nợ, họ vẫn khó lòng sống sót nếu giá năng lượng không mau chóng tăng trở lại.

Bàn về tương lai của giá dầu, một số chuyên gia bày tỏ lạc quan rằng đà giảm giá dầu trong suốt hai năm rưỡi qua đã chấm dứt. Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol nhận định giá dầu dường như đã “chạm đáy” và trong trong các điều kiện kinh tế bình thường, giá dầu sẽ có xu hướng đi lên. 

S.Phương

NLM

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc