Sắp tới giá dầu lại giảm mạnh!

10:13 | 24/05/2016

919 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các yếu tố giúp dầu tăng giá trong thời gian qua đã chấm dứt, trong khi các nước OPEC tiếp tục cam kết giữ vững sản lượng, thậm chí còn muốn mở thị trường. Hai thực tế trên đang khiến giá dầu đứng trước nguy cơ lao dốc mạnh.

Hậu quả ở ngay trước mắt. Ngày 23/5, thông tin về nguồn cung của Canada có dấu hiệu phục hồi đã lập tức kéo giá dầu giảm mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 7/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 33 cent, tương ứng 0,7%, xuống 48,08 USD/thùng, thấp nhất kể từ 16/5. Giá dầu Mỹ đã giảm 0,5% trong đợt này, ghi nhận đợt giảm giá dài nhất trong một tháng qua.

Giá dầu Brent giao tháng 7/2016 trên sàn ICE Futures Europe giảm 37 cent, tương đương 0,8%, xuống 48,35 USD/thùng.

Như vậy, sau khi tăng đến 70% trong 3 tháng gần đây, giá dầu các loại đang giảm bởi nhiều nhà đầu tư cho rằng giá dầu đã tăng quá nhanh, không phù hợp với các yếu tố cung cầu hiện tại trên thị trường.

sap toi gia dau lai giam manh

Thiên tai, đình công, khủng bố... là những yếu tố giúp giá dầu tăng giá trong suốt hơn 2 tháng qua. Tuy nhiên, những yếu tố này đang vơi dần. Còn nhớ cuộc đình công của công nhân dầu khí ở Kuwait hồi tháng trước, thông tin về các cuộc tấn công khủng bố các khu sản xuất dầu ở Nigeria hồi đầu tháng này và những bất ổn ở Lybia... đã liên tiếp giúp giá dầu lập kỷ lục. Trong tháng 4-2016, giá dầu các loại có lúc gần cán mốc 50USD/thùng.

Nhưng nay tất cả những yếu tố ngắn hạn trên đã gần như không còn. Thị trường dầu mỏ thế giới giờ đây trở về quy luật muôn thuở: cung - cầu.

Sở dĩ giá dầu xuống thấp như hiện nay vì lượng cung quá dư thừa so với lượng cầu. Điều này không hẳn do các nước ngày càng bơm nhiều dầu hơn vào thị trường mà bởi nhu cầu tiêu thụ dầu giảm do sự suy giảm kinh tế ở những “cỗ máy hút dầu” như Trung Quốc. Sự tăng trưởng đột biến của lượng cung dầu thời gian gần đây chỉ được ghi nhận đối với trường hợp của Iran. Bởi lẽ nước này trước đây bị cấm vận nên không bán được nhiều, giờ hết cấm vận Tehran muốn giành lại thị phần đã mất.

Ngày 8-5, phát biểu trước báo giới bên lề Triển lãm Dầu mỏ và Khí đốt Quốc tế đang diễn ra tại thủ đô Tehran, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh cho biết, xuất khẩu dầu thô và khí ngưng tụ của Iran hiện đạt sản lượng 2,45 triệu thùng/ngày, so với mức 1,35 triệu thùng thời điểm trước khi cấm vận kinh tế được bãi bỏ. Sản lượng dầu thô của Iran đã đạt 3,7 triệu thùng/ngày, gần bằng mức trước thời điểm bị cấm vận. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến sản lượng dầu thô của Iran giảm từ 3,9 triệu thùng/ngày xuống còn 2,7 triệu thùng/ngày, đồng thời hạn chế các nguồn đầu tư nước ngoài vào ngành dầu khí của nước này.

Giá dầu giảm còn do yếu tố tâm lý. Các nhà đầu tư tỏ ra thất vọng trước những bước đi của OPEC. Trước đây, tổ chức này thường giảm sản lượng khi giá dầu xuống và tăng hoặc giữ nguyên khi giá dầu lên để giữ khách hàng. Nhưng từ 2 năm qua, tổ chức này chọn cách phản ứng khác vì có lẽ thị trường dầu mỏ giờ đã khác. OPEC ý thức được rằng, vai trò quyết định giá dầu của họ đang bị các nhà sản xuất dầu của Mỹ đe dọa. Và thế là họ quyết giữ nguyên sản lượng để dìm chết những kẻ muốn chiếm ngai vàng của mình. Nhưng cái gì cũng có giá của nó. Cùng với sự đóng cửa và phá sản của nhiều doanh nghiệp dầu mỏ Mỹ, hầu hết các nước trong, thậm chí ngoài OPEC cũng điêu đứng chẳng kém. Điển hình là Arập Xêút. Năm ngoái nước này bị thâm hụt ngân sách gần 100 tỉ USD vì dầu mất giá và đang phải lên kế hoạch tái cải cách các khoản trợ cấp bằng cách phát triển một cơ chế chỉ trợ cấp cho các hộ có thu nhập trung bình và thấp.

Cuộc chơi giữa các nước OPEC và Mỹ tưởng chừng đã có điểm dừng vào giữa tháng 4-2016 khi một số nước OPEC và Nga thông báo ngừng bơm thêm dầu, tức đóng băng sản lượng. Nhưng rốt cuộc Iran không chấp nhận. Thất bại của hội nghị Doha hồi tháng trước trong việc đóng băng sản lượng còn có yếu tố chính trị giữa Iran và Arập Xêút.

Hy vọng lóe lên khi Arập Xê út thay người đứng đầu ngành dầu mỏ. Hôm 7-5, Quốc vương Arập Xêút Salman đã sa thải Bộ trưởng Dầu mỏ Ali al-Naimi và bổ nhiệm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Saudi Aramco kiêm Bộ trưởng Bộ Y tế Khalid al-Falih thay thế. Một ngày sau, vị tân bộ trưởng Arập Xêút lại dội gáo nước lạnh vào thị trường dầu mỏ khi tuyên bố rằng nước này sẽ vẫn ưu tiên bảo vệ thị phần, hơn là giảm sản lượng để nâng giá dầu. Có nghĩa là giữ nguyên, thậm chí tăng sản lượng để giữ khách hàng. Đây chính là chính sách được Ryadh áp dụng ngay khi giá dầu bắt đầu lao dốc từ trên 100USD/thùng cách đây gần 2 năm.

Cùng với thông tin trên, ngày 9-5, truyền hình Nhà nước Iran dẫn lời của một quan chức cao cấp Bộ Dầu mỏ, cho biết hợp đồng đầu tư dầu mỏ mới của Iran cho các công ty dầu quốc tế sẽ sẵn sàng vào tháng 7. Điều này có nghĩa là trong vài tháng tới, sản lượng dầu của Iran sẽ tăng vọt và có thể đạt mức trước khi bị cấm vận. Khi đó thị trường lại bừa phứa dầu.

Về phía Mỹ, những thông báo gần đây cho thấy sản lượng dầu của nước này đang tăng, khiến lượng dầu lưu kho ngày càng nhiều. Ngày 9-5, Công ty Dữ liệu năng lượng Genscape công bố dự trữ dầu tại Cushing, Oklahoma, Mỹ tăng 1,4 triệu thùng trong tuần qua. Điều này đồng nghĩa với việc ngành năng lượng Mỹ vốn đã thừa dầu sẽ càng dư thừa hơn nữa.

Tình hình hiện nay cho thấy dầu trên thị trường đang thừa và sắp tới còn thừa nhiều hơn trong khi chưa thấy có tín hiệu nguồn cầu dầu tăng. Quy luật tất yếu là giá dầu sẽ giảm trong thời gian tới, có thể trở lại mức trên 20 USD/thùng như mức hồi tháng 1-2016.

S.Phương

Năng lượng Mới 522

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc