Vẫn cứ "hành là chính"

08:09 | 20/08/2012

1,161 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dù việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã thực hiện trong thời gian khá dài, nhưng cho đến hiện tại, khi đi làm các TTHC, không ít người dân cho rằng họ vẫn bị “hành... là chính”. Thế mới có câu: “Đến “một cửa” nhưng phải qua “nhiều khóa””. Đó là nhận định xuất phát từ thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm và cửa quyền của cán bộ thực thi TTHC ở nhiều cơ sở và các ngành chức năng.

Bị “hành” từ thủ tục đơn giản nhất

Bà Nguyễn Thị An, ở quận Đống Đa, Hà Nội đến UBND phường sở tại để làm công chứng giấy chứng minh nhân dân (CMND) cho con, cán bộ ở bộ phận “một cửa” phường hẹn bà chiều đến lấy kết quả. Nhưng buổi chiều khi đến nơi, bà An nhận được câu trả lời lạnh tanh: “Không công chứng vì không đúng quy định”. Nói rồi vị cán bộ ở đây trả cho bà An mấy bản photo giấy CMND mà theo vị cán bộ này là chưa đúng quy định. Bà An trình bày con bà đang cần gấp mấy bản CMND công chứng, thì vị cán bộ đó yêu cầu bà phải photo CMND ngay tại phường với giá cao gấp mấy lần ở ngoài. “Cao cũng được miễn cho xong việc” - bà An tự nhủ.

Theo hẹn, sáng hôm sau bà An lại đến phường để lấy giấy tờ công chứng thì nhận được câu trả lời: “Lãnh đạo phường đi họp đột xuất, không có người ký”. Thế rồi lại phải một lần nữa đến phường thì bà An mới lấy được mấy bản CMND công chứng đó. Sự việc trên xảy ra cách đây đã 2 năm, nhưng đến bây giờ nhiều người dân ở các xã, phường thuộc TP Hà Nội khi đi công chứng các giấy tờ như CMND, hộ khẩu, khai sinh hay đăng ký kết hôn… đều gặp phải tình trạng tương tự.

Nơi tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC

Theo quy định hàng ngày, chủ tịch, hoặc phó chủ tịch phường luôn có lịch phân công trực tại phường để giải quyết các TTHC. Việc công chứng các giấy tờ như CMND, hộ khẩu, khai sinh, đăng ký kết hôn… là những việc đơn giản, người dân chỉ cần đợi ít phút là có thể giải quyết ngay. Nhưng vì thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm của cán bộ ở bộ phận “một cửa” của các phường, nên người dân đã bị “hành” từ thủ tục đơn giản nhất.

Do các ngày trong tuần bận việc ở cơ quan, nên bà Trần Hoàng Mai, ở quận Tây Hồ, Hà Nội đã phải đến UBND phường sở tại để công chứng một số giấy tờ vào ngày thứ bảy cuối tháng 7-2012. Thế nhưng bà Mai đành phải ra về vì cửa phòng công chứng đã khóa, dù lúc đó mới 10 giờ sáng. Rút kinh nghiệm, vào sáng thứ Bẩy tuần kế tiếp (ngày 4-8), bà Mai lại mang theo giấy tờ đến phường từ 8 giờ sáng và ngồi đợi cán bộ nhận hồ sơ, giấy tờ để công chứng. Đến 9 giờ, thêm một số người dân đến đợi để công chứng giấy tờ, nhưng cán bộ làm nhiệm vụ vẫn chưa tới. Nhiều người vì không đợi được đã phải ra về. Khi bà Mai định ra về thì một cán bộ của phường mới đến, lúc đó đã gần 10 giờ. Vị cán bộ phường không giải thích lý do tại sao mình đến muộn, mà chỉ nhận giấy tờ của mọi người rồi hẹn ngày đến lấy. Nhận xong hồ sơ của gần chục người dân, vị cán bộ này vội vàng đóng cửa ra về…

Khi làm các thủ tục thế chấp ngôi nhà của mình để vay tiền của ngân hàng, anh Nguyễn Văn Đình, ở quận Hoàn Kiếm được biết một trong những thủ tục bắt buộc là vợ (hoặc chồng) phải có xác nhận về tình trạng hôn nhân hiện tại. Việc xác nhận tình trạng hôn nhân này thuộc trách nhiệm của phường, vì vậy anh Đình đã mang theo đăng ký kết hôn cùng một số giấy tờ liên quan đến bộ phận giải quyết TTHC của phường để xin xác nhận tình trạng hôn nhân. Khi anh Đình trình bày lý do xin xác nhận, một cán bộ ở bộ phận “một cửa” của phường hẹn anh ngày mai đến gặp cán bộ tư pháp để được giải quyết. Sáng hôm sau anh Đình được vị cán bộ tư pháp phường tiếp chuyện rất nhiệt tình, anh Đình xuất trình một loạt giấy tờ liên quan đến hôn nhân của vợ chồng anh và đề nghị được xác nhận tình trạng hôn nhân hiện tại. Xem xong giấy tờ, vị cán bộ đó yêu cầu anh Đình phải xuất trình cả giấy tờ của tài sản mà anh dùng để thế chấp vay tiền ngân hàng. Thấy sự đòi hỏi vô lý của vị cán bộ tư pháp phường, mặc dù rất bực nhưng anh Đình vẫn phải nhẹ nhàng giải thích là anh xin xác nhận tình trạng hôn nhân, chứ không xin xác nhận tài sản thế chấp, nên anh không phải trình giấy tờ liên quan đến tài sản… Thấy anh Đình có vẻ hiểu biết quy định, nên vị cán bộ đó liền bảo anh Đình để lại giấy tờ cho phường đi xác minh… Và cũng phải mất tới 4 ngày, với 3 lần đến phường thì anh Đình mới lấy được tờ giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của mình. 

Mất tiền để không gặp phải sự thờ ơ của cán bộ

Do có nhu cầu thành lập công ty cổ phần, chị Mai Lan đến bộ phận “một cửa” của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội hỏi thủ tục. Sau khi đưa cho chị Lan bộ hồ sơ đăng ký thành lập công ty cổ phần, một cán bộ ở đây ra hiệu cho chị Lan nhét 25.000 đồng (tiền mua hồ sơ) vào chiếc hòm đặt trên bàn rồi bảo chị mang hồ sơ về nhà đọc kỹ rồi khai. Chị Lan chưa kịp hỏi thêm điều gì, thì vị cán bộ nói: “Nhớ phải đánh máy lại tất cả tập hồ sơ này nhé…”.

Chị Lan tìm một chỗ trống trên hàng ghế dành cho khách tại đây rồi giở tập hồ sơ ra đọc xem có điều gì chưa hiểu để hỏi lại. Nhìn tập hồ sơ đăng ký thành lập công ty dày gần 40 trang, co chữ nhỏ li ti với hàng loạt thông tin phải khai khá phức tạp, chị Lan liền quay vào nơi vừa mua hồ sơ để hỏi thêm một số chi tiết, nhưng chị bán hồ sơ nêu lý do bận việc không tiếp… Sau đó, chị ta quay sang đưa một chồng hồ sơ cho một phụ nữ trạc 30 tuổi. Chị Lan đành ra hàng ghế dành cho khách ngồi đợi cơ hội để hỏi vị cán bộ đó.

Lúc này, người phụ nữ trạc 30 tuổi ôm chồng hồ sơ đến gần nơi chị Lan đang ngồi để xắp xếp lại. Chị Lan liếc nhìn thì đó là những tập hồ sơ xin đăng ký thành lập công ty đã hoàn thành. Bắt chuyện với người phụ nữ trạc 30 tuổi này, chị Lan được biết chị ta là người chuyên đi đăng ký thành lập công ty hộ khách hàng (hay còn gọi là tư vấn thành lập công ty). Chị Lan chưa kịp nhờ chị ta xem giúp bộ hồ sơ của mình, thì chị ta đã hỏi: “Đăng ký thành lập công ty lần đầu à”. Chị Lan vội gật đầu. “Đưa hồ sơ xem nào”. Cầm tập hồ sơ, chị ta lật qua mấy trang rồi nói với chị Lan: “Họ bán cho chị biểu mẫu cũ rồi. Nhưng không sao, đằng nào mà chẳng phải đánh máy lại hồ sơ này… Thủ tục khai rắc rối lắm, họ không hướng dẫn chị khai cụ thể đâu, nếu chị tự khai thì hồ sơ sẽ bị họ trả đi, trả lại nhiều lần đấy…”.


Khi nghe người phụ nữ đó nói vậy, chị Lan nhìn tập hồ sơ đang cầm và hình dung ra thái độ thờ ơ, lãnh cảm của cán bộ ở bộ phận “một cửa” tại đây, chị thấy ái ngại nên nhờ người phụ nữ này làm hộ hồ sơ thành lập công ty. Người phụ nữ đó nói: “Nhờ tôi làm hộ, chỉ mất 15 ngày, nếu chị tự làm phải mất hơn một tháng. Nhưng nhờ làm hộ thì phải mất phí 2 triệu đồng, gấp đôi mức phí theo quy định…”. Chị Lan đành chấp nhận mất phí cho xong…

Hiện tại, nhu cầu đăng ký thành lập công ty của người dân và doanh nghiệp không “nóng” như trước đây, nhưng khi đến bộ phận “một cửa” của Sở KH& ĐT, mọi người vẫn bắt gặp sự thờ ơ của cán bộ nơi đây.

Vĩnh Yên

Năng lượng Mới số 147, ra thứ 6 ngày 17/8/2012

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc