Đường đến trường của những học trò đặc biệt

09:38 | 15/09/2012

1,327 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mùa khai trường đã bắt đầu, bên cạnh sự háo hức bước vào năm học mới của hơn 22 triệu học sinh trong cả nước thì vẫn còn đó những cô cậu học trò đến lớp trong hoàn cảnh đặc biệt, ở những lớp học đặc biệt với nhiều nỗi niềm riêng, bởi sự nghiệt ngã của số phận khi các em không may mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo.

Lớp học trong bệnh viện

Lớp học chữ dành cho bệnh nhi ở Khoa Nội 3, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM không khí hôm khai giảng quả có nhiều khác biệt. Cũng có đồng phục mới, cặp sách mới, bóng bay, có hoa, có quà nhưng lễ khai giảng cứ bị gián đoạn khi thỉnh thoảng có loa nhắc một bệnh nhi về phòng truyền thuốc. Mọi người sẽ khó quên một lễ khai giảng có rất nhiều mái đầu học trò không còn tóc vì tác dụng của thuốc điều trị ung thư, nhiều bàn tay bé xinh vẫn còn gắn kim truyền dịch.

“Mới đó mà lớp học chữ dành cho các bé đã bước vào năm thứ 4 rồi. Hơn 300 học sinh bệnh nhi đã theo học. Nhiều em đã không còn nữa… Nhưng cũng có một số bé đã biết đọc, biết viết từ lớp học chữ, đã khỏi bệnh về nhà đi học” - nhà báo Tố Oanh (Chủ nhiệm chương trình lớp học chữ) xúc động bày tỏ sau ngày lễ khai giảng năm học 2012-2013.


Lớp học nằm cùng dãy với các phòng điều trị bệnh nhi ung thư trong Khoa Nội 3, không khí lúc nào cũng đặc quánh mùi thuốc, đông đúc, quá tải. Với diện tích khoảng 16m2 vừa là nơi học và sinh hoạt thường xuyên của 20 đến 30 bệnh nhi trong mỗi buổi vào chiều thứ sáu và sáng thứ bảy hằng tuần. Một giá sách đầy đặn, đồ chơi, mấy chồng sách vở để ngay ngắn trên kệ…

 

Sự kỳ thị là rào cản trong việc đưa trẻ HIV vào học tại các trường ngoài cộng đồng (trẻ nhiễm HIV ở mái ấm Mai Tâm)

 

Cô Kim Phấn cho chúng tôi xem bài tập làm văn đầu tiên của em viết về “gia đình”, bé Bùi Thị Hòa viết rất chân thực: “Vì em bị bệnh, ba em vào Sài Gòn thuê nhà ở Bình Chánh để đi bán vé số, mẹ bị bệnh tim. Những khi nào khỏe mạnh, em về đi bán dạo với mẹ. Em thường nói với ba, con bị bệnh, con đau thì để con chịu, ba không gánh được nỗi đau của con… đau lắm ba à… Con mong sớm qua cơn ác mộng khủng khiếp này…”.

Lớp học đang diễn ra, chốc chốc cửa phòng lại mở, một học sinh khác lại vào. “Em mới vào thuốc xong cô ơi”. Cô giáo lại tìm vở cho em và các em ngồi ngay ngắn, tập đọc, tập chép, làm toán, làm văn.  

Tính đến thời điểm hiện tại, cô Kim Phấn là người trụ lâu nhất, cô theo lớp học chữ từ những buổi đầu còn khó khăn; giáo viên và tình nguyện viên dạy các em ở phòng bệnh trong tình trạng đông đúc quá tải.

Cô rất bùi ngùi khi nhắc đến bệnh nhi Phạm Phương Như, là học sinh được không chỉ cô giáo - tình nguyện viên ở lớp học yêu quý mà cả bác sĩ, y tá ở Khoa Nội 3 khó quên. Phương Như học đúng tuổi, thông minh, lanh lợi lắm… Có hôm đến lớp trễ, cô hỏi sao đi học muộn vậy - “Tại cây kim nó quẹo cô ơi!”.

Và vẫn còn đó giọng hát của bé Hồng Nhung trên facebook của lớp học chữ. Thế mà, tiếng hát trong trẻo như chim Sơn Ca ấy đã không còn nữa sau khi bệnh tái phát và em đã bay sang bên kia bầu trời. “Ngày đầu tiên Hồng Nhung bị trọc đầu, em mắc cỡ, vào lớp mà không dám nhìn mọi người. Em mất, ai cũng tiếc thương” - cô Vân chia sẻ.


Từ khi lớp học chữ ra đời đến nay đã có 300 em tham gia học và có nhiều em đã không còn nữa. Vì thế, mỗi tháng, cô Phấn đành làm một việc mà cô không bao giờ mong muốn, đau nhói lòng… gạch tên các em trong cuốn sổ điểm danh.

“Ai cũng muốn các cháu được đi học, quá trình truyền thuốc làm nhiều cháu bị gián đoạn chuyện học hành ở trường hoặc phải bỏ học nên lớp học là nơi ôn luyện kiến thức cho các cháu. Nhìn các cháu trong ngày bế giảng và khai giảng năm học thấy thương lắm. Các cháu tươi tắn trong bộ đồng phục mới, cặp sách mới. Còn các bậc phụ huynh thì như có niềm vui nhân đôi khi thấy con mình vui tươi, hạnh phúc” - bác sĩ Ngô Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa Nội 3, Bệnh viện Ung Bướu chia sẻ.

Nhà báo Đặng Dũng - Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ (đơn vị khởi xướng chương trình “Ước mơ của Thúy”) cho rằng, lớp học được duy trì đến ngày hôm nay là nhờ nhiều tấm lòng… Trong đó, tinh thần hiếu học của các em là yếu tố quyết định bên cạnh tấm lòng của các cô giáo và tình nguyện viên giữ lửa, cùng các Mạnh Thường Quân và những đơn vị đồng hành tài trợ.

Đường đến trường thầm lặng

Còn nhớ cách đây vài năm, cũng vào dịp khai giảng năm học mới, những trẻ em bị nhiễm HIV ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV Mai Hòa (Củ Chi - TP HCM) háo hức tham dự ngày tựu trường. Nhưng chưa kịp đón nhận niềm vui, những đứa trẻ ngây thơ ấy ngỡ ngàng bởi sự phản ứng gay gắt của các bậc phụ huynh, họ kiên quyết không cho con mình học chung với trẻ bệnh AIDS. Những đứa trẻ nhiễm HIV bị từ chối, đành ngậm ngùi trở về!

Từ sự việc đó đến nay chưa có một trường nào dám công khai nhận trẻ nhiễm HIV vào học. Mặc dù các ngành chức năng tiếp tục nỗ lực xóa bỏ sự kỳ thị, tạo sự đồng thuận trong xã hội để các em bị nhiễm HIV được thụ hưởng quyền được đến trường, được sinh hoạt, học tập như bao trẻ em bình thường khác nhưng sự kỳ thị với trẻ nhiễm HIV trong môi trường giáo dục vẫn chưa thể xóa bỏ, nó tồn tại ngay ở những thành phố có trình độ dân trí cao như Hà Nội, TP HCM.

Là một đơn vị được đánh giá thành công trong việc hòa nhập học đường cho trẻ nhiễm HIV nhưng Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Tam Bình (Thủ Đức, TP HCM) cũng chỉ có thể “âm thầm” đưa trẻ đến trường. Bà Nguyễn Thị Kim Tiên - Phó giám đốc Trung tâm cho biết: Hiện nay, trung tâm có 137 trẻ nhiễm HIV trong độ tuổi đến trường, trong đó có 65 trẻ học từ lớp 1 đến lớp 10, còn lại là trẻ ở độ tuổi mầm non.

Các em từ lớp 4 đến lớp 10 đang được học hòa nhập tại các trường ngoài cộng đồng nhưng trung tâm vẫn giữ kín việc học của các em để đảm bảo các em không bị kỳ thị và được theo học ổn định. Đối với những em trong độ tuổi từ mẫu giáo đến lớp 3, trung tâm phối hợp với Phòng Giáo dục quận Thủ Đức và Trường tiểu học Xuân Hiệp để mở các lớp dạy ngay tại trung tâm cho các em, vì hiện nay các trường bên ngoài không dám nhận do lo ngại các em còn nhỏ, chưa có ý thức phòng chống lây truyền cho cộng đồng.

Cô giáo Phạm Thị Quang chia sẻ, dạy học ở đây vất vả hơn nhiều so với ở những lớp bình thường. Bởi ngày hai lần các em phải chiến đấu với thuốc đặc trị ARV. Loại thuốc này làm hạn chế khả năng phát triển của các em. Ở đây, mỗi đứa một tính cách, đến với trung tâm trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng chúng cùng số phận. Hình như vì chung số phận mà ánh mắt chúng giống nhau: vui đấy mà buồn đấy, hồn nhiên đấy mà như lạc lõng, bơ vơ!

Nói về khả năng lây nhiễm HIV trong trường học, ông Mai Xuân Phương - Cán bộ Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Những tiếp xúc thông thường không thể khiến trẻ lành bị lây bệnh từ bạn học. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS là sự nhận thức sai lầm hoặc không đầy đủ về bệnh AIDS, đặc biệt là khả năng lây nhiễm của bệnh này. Hậu quả của việc này là tước đoạt các quyền con người một cách phi pháp.

Chính sự phân biệt đối xử đã đẩy người có HIV/AIDS vào “bóng tối”, họ phải giấu giếm bệnh của mình và dễ quay lưng lại với nỗ lực phòng, chống lây truyền bệnh cho cộng đồng, khiến cho dịch bệnh có nguy cơ lan rộng. Do đó, bảo vệ quyền lợi của người nhiễm HIV cũng là bảo vệ lợi ích của cộng đồng. Đặc biệt, bảo vệ quyền lợi của trẻ nhiễm HIV còn là một việc làm mang tính nhân đạo.

Thiên Thanh - Mai Phương

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc