Cấm sử dụng điện thoại di động ở cây xăng: Cần lộ trình phù hợp!

08:35 | 19/08/2012

1,879 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nghị định 52/2012/NĐ-CP quy định mức phạt từ 2 – 5 triệu đồng với trường hợp sử dụng điện thoại tại cây xăng đã có hiệu lực từ ngày 5/8 nhưng khi áp dụng gặp nhiều khó khăn. Theo nhiều chuyên gia, việc thực hiện sẽ không khả thi vì Nghị định không rõ ràng, cụ thể, lộ trình chưa hợp lý.

Ông Phạm Thanh Đàm - Giảng viên Khoa Viễn thông II, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết: Trên lý thuyết, việc sử dụng điện thoại di động tại cây xăng có khả năng gây ra cháy nổ nhưng việc này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và nguy cơ cháy nổ rất thấp. Thực tế, nguyên nhân gây cháy nổ không xuất phát từ máy di động mà từ sóng di động gây ra. Khi sử dụng điện thoại di động thì trong lúc phát sóng sẽ tạo ra một cường độ điện trường lớn. Lúc đó, bất cứ một vật nào ở xung quanh nó cũng có thể trở thành ăng ten, nếu rơi vào hiện tượng cộng hưởng điện từ thì có thể tạo ra dòng diện cảm ứng lớn và phát sinh ra tia lửa điện. Khi tia lửa điện tiếp xúc với nguồn khí xăng dầu rò rỉ có thể dẫn đến cháy nổ. Ngoài ra, khi dùng điện thoại ở cây xăng cũng có khả năng gây nhiễu các thiết bị đo đếm xăng, gây sai lệch kết quả đo đếm. Do đó, mặc dù việc sử dụng điện thoại ở cây xăng có nguy cơ cháy nổ thấp nhưng cấm dùng là một quy định hợp lý vì đó là biện pháp bảo vệ an toàn cho cho người dân.

Theo TS Huỳnh Quyền – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu Đại học Bách khoa TP HCM, việc cấm sử dụng điện thoại trong cây xăng là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với các tiêu chí về an toàn kỹ thuật. Trên thế giới một số nước có trình độ khoa học hiện đại như Mỹ, Pháp đã cấm sử dụng điện thoại ở cây xăng. Nhưng hiện nay nước ta đưa ra quy định này nhưng không dựa trên một cơ sở khoa học nào và chưa xây dựng quy định cụ thể. Lẽ ra, trước khi đưa ra quy định chúng ta phải thực hiện đánh giá mức độ, nồng độ rò rỉ của hydrocacbon cho phép ở các cây xăng hiện nay là bao nhiêu, để trên cơ sở đó quy định cụ thể trong vòng bán kính bao xa từ trạm xăng trở ra thì cấm sử dụng điện thoại. Quy định hiện nay chỉ nói chung chung là cấm sử dụng điện thoại chứ không đưa ra quy định cụ nào… trong khi đó, ở Việt Nam nhiều các cây xăng nằm ngay trong khu vực nội thành đông người qua lại nếu người đi đường sử dụng điện thoại ở khu vực cạnh cây xăng thì trường hợp đó xử lý như thế nào?

Rất khó xử phạt người dân sử dụng điện thoại ở khu vực cây xăng (ảnh: Nguyễn Đức)

Việc đưa ngay ra quy định xử phạt người sử dụng điện thoại ở cây xăng từ 2 – 5 triệu đồng là lộ trình chưa phù hợp và quá nóng vội. Thứ nhất, hiện nay ý thức người dân chưa cao, người dân ở nhiều vùng, đặc biệt ở khu vực nông thôn mức độ cập nhật thông tin cũng còn chậm nếu họ không biết và vô tình vi phạm mà bị xử phạt là oan ức cho người dân. Thứ hai, tiêu chuẩn đưa ra chưa cụ thể nên khó có căn cứ để xử phạt.

TS Huỳnh Quyền cho rằng, trong giai đoạn đầu chỉ nên thực hiện biện pháp tuyên truyền, giáo dục, khuyến cáo, nhắc nhở người dân không sử dụng điện thoại cũng như các nguồn có thể phát ra lửa ở khu vực cây xăng, khi người dân quen dần thì mới có luật xử phạt. Còn như hiện nay, nếu áp dụng xử phạt ngay chắc chắn sẽ không khả thi, người dân sẽ phản đối ngay vì không phù hợp với thực tiễn.

Tại Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới, xác suất sử dụng điện thoại gây ra tai nạn cháy nổ rất hiếm, có khi cả chục năm mới ghi nhận 1 vụ. Và những vụ cháy nổ đó nguyên nhân có phải do sử dụng điện thoại di động gây ra hay không cũng chưa có kết luận chính xác. Tuy nhiên, về mặt an toàn, thông thường khi làm việc trong môi trường có nồng độ hydrocacbon người ta cấm sử dụng điện thoại di động, cũng như những nguồn có thể phát sinh ra tia lửa điện. Vì khi nồng độ hydrocacbon rò rỉ gặp nguồn lửa có khả năng gây cháy nổ. Do đó, cũng không nên chủ quan với điều này.

Luật xử phạt người sử dụng điện thoại ở cây xăng có hiệu lực từ ngày 5/8. Tuy nhiên, đến nay chưa có người nào bị xử phạt. Nhiều người dân còn chưa biết đến quy định này và vẫn “vô tư” sử dụng điện thoại di động ở các cây xăng. Trao đổi với phóng viên, chị Hà Thị Lâm, ngụ ở đường Vườn Lài, quận Tân Phú, TP HCM bày tỏ: “Không thể áp dụng xử phạt khi người dân còn chưa được biết đến quy định này. Không phải người nào cũng thường xuyên đọc báo để cập nhật thông tin, nếu không biết mà bị xử phạt là vô lý và không mang tính giáo dục. Ngoài ra, các trường hợp như đang đổ xăng mà có điện thoại gọi đến, hoặc dừng xe ở khu vực gần cây xăng để nghe điện thoại thì có bị xử phạt hay không? Chẳng lẽ khi đến khu vực có cây xăng phải tắt máy di động. Đồng thời, mức độ xử phạt 2 – 5 triệu đồng là quá cao, nhiều người sẽ không nộp phạt nổi!”.

Theo Thiếu tướng Trần Triều Dương – Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP HCM, mặc dù đã có Nghị định nhưng đến nay chưa có thông tư hướng dẫn nên chưa thể triển khai thực hiện; vì vậy, hiện nay vẫn đang phải chờ thông tư và trước mắt các cơ quan chức năng chỉ thực hiện thông báo đến các cây xăng để tổ chức dán biển báo, tuyên truyền, nhắc nhở người dân. Việc triển khai xử phạt chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn vì rất khó có thể bố trí lực lượng túc trực ở các cây xăng để xử lý vi phạm.

Một nhân viên Cửa hàng xăng dầu Lý Thường Kiệt, quận 11 cho biết: “An toàn phòng chống cháy nổ ở các cây xăng luôn được đặt lên hàng đầu, vì làm như vậy vừa là bảo đảm tính mạng cho người dân, cho chính nhân viên ở cây xăng cũng vừa là bảo vệ tài sản cho doanh nghiệp. Chúng tôi đã thực hiện niêm yết các biển cấm lửa, cấm sử dụng điện thoại di động ở cây xăng từ lâu. Tuy nhiên, việc người dân sử dụng điện thoại di động khi đang đổ xăng vẫn thường diễn ra và chúng tôi chỉ nhắc nhở chứ xử phạt thì không có thẩm quyền”.

Tình hình trên cho thấy, việc xử phạt người dân khi sử dụng điện thoại ở cây xăng sẽ khó thực hiện, thậm chí nhiều người khẳng định không thực hiện được. Thiết nghĩ, không nên quá đặt nặng vấn đề xử phạt hành chính để xóa bỏ tình trạng sử dụng điện thoại di động tại cây xăng, mà biện pháp hữu hiện hơn là tuyên truyền để người dân tự ý thức trước hành động của mình vì chấp hành quy định này cũng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân, bảo vệ tài sản của doanh nghiệp. Và chắc chắn, quy định  trên được đưa ra cũng nhằm mục đích bảo vệ an toàn cho người dân chứ không phải nhằm vào mục đích xử phạt.

Mai Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc