Hướng tới Festival Huế lần thứ 8: Huế - thành phố Festival

16:42 | 08/04/2014

698 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Festival Huế 2014 là Festival lần thứ 8 được tổ chức tại Thừa Thiên - Huế từ ngày 30/3 đến 20/4 có quy mô quốc gia và mang tính quốc tế. Đây là sự kiện quan trọng, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế. Qua 7 lần tổ chức Festival Huế đã tiếp tục khẳng định thương hiệu với những đặc trưng đã được tạo dựng và đánh giá cao.

Năng lượng Mới số 311

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Ngô Hòa, Festival Huế 2014 sẽ tiếp tục mang chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” gắn với các sự kiện lịch sử văn hóa của Huế, các sự kiện văn hóa chính trị quốc gia, đồng thời kết hợp với các hoạt động văn hóa, du lịch, nghệ thuật và lễ hội có quy mô lớn, có tính cộng đồng cao, mới lạ, hấp dẫn. Dự kiến lễ khai mạc sẽ diễn ra vào ngày 12/4 và bế mạc vào ngày 20/4.

Trong khuôn khổ Festival Huế 2014, ngoài hai chương trình khai mạc, bế mạc còn diễn ra các hoạt động, chương trình nghệ thuật và lễ hội đặc sắc như: Lễ hội Cung đình, Lễ hội dân gian; Lễ tế Xã Tắc, Lễ tế Giao; Đêm Hoàng cung; Lễ hội Áo dài; Quảng diễn đường phố; các chương trình “Đêm Phương đông”, “Âm sắc Việt”, “Âm nhạc Trịnh Công Sơn”; Nhã nhạc, múa hát Cung đình, Ca huế, Dân ca Thừa Thiên - Huế, các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ, trang phục truyền thống các dân tộc ở Thừa Thiên - Huế; các hoạt động trưng bày triển lãm, hội thảo, hội chợ thương mại quốc tế, trao đổi hợp tác xúc tiến du lịch…

Một nét Huế

Gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng; đặc biệt ngày 24/8/2005, Chính phủ ban hành Quyết định số 209/2005/QĐ-TTg, thành phố Huế được nâng lên đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sau khi Huế được công nhận là đô thị loại 1, Bộ Chính trị khóa X ngày 25/5/2009 đã ban hành Kết luận số 48-KL/TW về “Xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020”, trong đó nêu rõ mục tiêu xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch; khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Đến năm 2020, Thừa Thiên - Huế sẽ xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam Á. Sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt đó, Đảng bộ và bà con các dân  thành phố Huế nói riêng, tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung đồng lòng vận dụng sáng tạo chính sách kinh tế mới của Đảng phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân lao động. Cố đô Huế đã đạt được những kết quả quan trọng, hơn 100 di tích được trùng tu, tôn tạo. Nhiều bộ hồ sơ khoa học về di sản phi vật thể được xây dựng, lưu trữ và phát huy giá trị. Hệ thống cơ sở hạ tầng trong di tích được tăng cường, không gian hoang phế được thu hẹp. Công tác khoanh vùng bảo vệ di tích được chú trọng và ngày càng đi vào nề nếp. Giao lưu, hợp tác quốc tế ngày càng được mở rộng; nhiều cuộc hội thảo quốc gia, quốc tế về bảo tồn tuồng cung đình, nhã nhạc, di sản văn hóa Hán Nôm, về phát triển du lịch bền vững ở Thừa Thiên - Huế đã được tổ chức, qua đó cung cấp thêm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Huế. Các chương trình đào tạo nhân lực cho ca múa nhạc Cung đình Huế đã được chú ý đầu tư; các đoàn nghệ thuật truyền thống được chăm lo xây dựng, củng cố và sắp xếp lại về tổ chức, nâng cấp thành nhà hát tương xứng với quy mô phát triển của đơn vị. Tham gia tổ chức Festival định kỳ, các lễ hội văn hóa cung đình và văn hóa dân gian đã làm cho mọi người cảm nhận sâu sắc và hòa nhập vào giá trị thiêng liêng đang ẩn chứa trong lòng các di tích cố đô Huế. Công tác đào tạo cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiện toàn tổ chức bộ máy được chú trọng…

Điểm hẹn du lịch quốc gia năm 2014

Trong thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và bà con các dân tộc trong tỉnh mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, cố đô Huế của Việt Nam đã hai lần vinh dự được UNESCO công nhận các giá trị tiêu biểu toàn cầu, văn hóa vật thể - quần thể di tích Huế (năm 1993) và văn hóa phi vật thể - nhã nhạc cung đình (năm 2003). Những nỗ lực trong công cuộc bảo tồn đã làm cho di sản văn hóa Huế từng bước hồi sinh với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt. Cuộc vận động bảo vệ di tích Huế đã được UNESCO đánh giá là một trong hai cuộc vận động toàn cầu mang lại hiệu quả thiết thực nhất, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết năm 2013 mặc dù sân bay quốc tế Phú Bài đóng cửa 6 tháng và có ảnh hưởng thiên tai lụt bão nhưng lượng khách đến di tích Huế vẫn tăng.

Các hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, đặc sắc gắn với các sự kiện Festival nghề truyền thống Huế 2013, với những hoạt động văn hóa lễ hội đa dạng, phong phú và nhiều sự kiện văn hóa được tổ chức mang tầm quốc gia, quốc tế. Một số làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo và hấp dẫn khách du lịch. Các khách sạn, cơ sở lưu trú, các loại hình dịch vụ du lịch tiếp tục được đầu tư nâng cấp để phục vụ du khách; các tour, tuyến du lịch tiếp tục được củng cố, tăng cường khai thác có hiệu quả. Thương mại - dịch vụ tiếp tục giữ được mức phát triển ổn định và đạt mức tăng trưởng khá. Hệ thống các siêu thị, chợ trên địa bàn tiếp tục được đầu tư nângcấp, hàng hóa được sắp xếp gọn gàng, thông thoáng, công tác bảo vệ được tăng cường và đảm bảo an toàn không để xảy ra tình trạng cháy, nổ; đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn chợ. Công tác xúc tiến thương mại và đầu tư trên địa bàn tiếp tục được quan tâm, quản lý nhà nước về các hoạt động thương mại được tăng cường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2013 đạt: 14.671,9 tỉ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tăng trưởng khá, tổng trị giá xuất khẩu đạt trên 65 triệu USD đạt 100% kế hoạch năm (kể cả xuất khẩu tại chỗ). 5 doanh nghiệp đứng đầu trong việc nộp ngân sách Nhà nước, với số tiền từ 70 đến 140 tỉ đồng/năm.

Để Huế - thành phố Festival Việt Nam luôn là hoa thơm trái ngọt dành cho du khách và bạn bè quốc tế; trước mắt đó là cho sự thành công của 8 lần Festival Huế và tiếp theo.

Trong năm có khoảng 2,6 triệu du khách đến Huế, trong đó khoảng 2,1 triệu khách đến thăm di sản Huế, doanh thu đạt 126 tỉ đồng. Doanh thu du lịch năm 2013 đạt 1.309,7 tỉ đồng, tăng 19,2% so cùng kỳ; Tổng lượt khách du lịch đến Huế năm 2013 đạt: 1.684,8 nghìn lượt khách, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Thuận Thắng