Chuyện vượt lên số phận của chàng sinh viên không tay

10:00 | 23/05/2012

662 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Quỹ học bổng Thắp sáng Niềm tin vừa diễn ra ở TP HCM, có một sinh viên trầm ngâm, ít nói, thân hình nhỏ bé và gần như không cử động. Em đã không may mất đi hai cánh tay do di chứng chất độc màu da cam. Em là Nguyễn Minh Phú, sinh viên năm 2, trường ĐH CNTT, Đại học Quốc gia TP HCM.

>> Cha – “Người hùng” trong tôi!

Bố em, ông Nguyễn Quỳnh Lộc, năm nay đã gần 60 tuổi nhưng đã theo con vào TP HCM 2 năm nay đã chăm con ăn học. Người cha ấy đi chiến trường Tây Ninh, Thủ Dầu 1, Sông Bé những năm 1972-1975 và bị phơi nhiễm chất độc màu da cam. Ông sinh được 4 người con và được ông đặt tên rất vần Nam, Giang, Phú, Thọ với một ý nghĩa đặc biệt và sâu xa.

Nguyễn Minh Phú và người bạn mới quen từ Đại học Y dược Huế.

Chị Giang bị bệnh tâm thần, em Thọ bị bệnh còi xương. Chỉ có anh cả Nam là bình thường, đã có gia đình và cuộc sống ổn định. Riêng Phú thì mất hai tay, ngoài ra, cơ thể em vẫn bình thường như bao người khác. Khi sinh ra, cậu bé Nguyễn Minh Phú chỉ nặng có 1,2 kg; trông rất yếu. Do không có tay và khả năng sống sót không cao, các y tá đã khuyên ông Lộc “bỏ cháu đi”. Ông Lộc nhớ lại: “y tá khuyên tôi, tôi ghi nhận nhưng sinh con ra thì phải nuôi. Cháu không may không sống được thì đành phải chịu, nhưng cháu đã thế kia, dù con yếu ớt, tôi cũng nuôi”.

Nhiều hôm sữa về chậm, chị Nguyễn Thị Bình, mẹ của Phú phải bảo chồng đi nấu cơm và lấy nước cơm để bón cho con. Phú phải uống tạm nước cơm với muối trắng. Thấy con ăn ngon lành, người cha ấy đã bật khóc. Ông nhiều lần định xa quê để lên Vinh hoặc vào Sài Gòn kiếm việc làm để mua sữa cho con. Nhưng thương người vợ mới sinh, ông lại gắng ở nhà, trồng khoai, đi làm thuê tằn tiện vài ngàn chăm vợ, nuôi con.

Những năm 90, gia đình ông Lộc rất nghèo. Ruộng thì có nhiều nhưng do sức khỏe yếu, vợ chồng ông không làm được là bao, lại cộng thêm thiên tai mất mùa nên cả nhà thường phải dựa vào gạo cứu đói. Gạo hết, tiền không có, ông Lộc phải đi tăng gia bữa ăn bằng những con cua đồng, tép rạch và cả những việc làm thuê khác. Cốt là kiếm được vài nghìn đồng mua sữa cho Phú và thức ăn cho cả nhà. Người cha ấy đã làm như thế trong hơn 10 năm trời để nuôi 4 đứa con.

Đêm xuống, ông lại đeo giỏ ngang lưng, cầm chiếc đèn pin trong tay và đi khắp xóm làng để săn cóc về cho Phú ăn. Phú sinh ra còi cọc và biếng ăn nên lên 5 tuổi, Phú vẫn chỉ nhỏ như trẻ lên 3. Thương con, ông Lộc nhiều tháng trời bất kể mưa gió đi săn cóc về giã giuốc cho con. Nhờ đó, Phú lớn lên trong sự tần tảo của mẹ và tình yêu thương con hết mực của người bố.

Khi Phú đã cứng cáp, em đã chạy nhảy được và thấy bạn bè cắp một túi gì đó đi qua cổng nhà mình. Hỏi mẹ, Phú biết là các bạn đến trường. Em hỏi: đến trường vui không hả mẹ? Mẹ Bình nói là vui lắm, được cô cho điểm nữa. Từ hôm đó, sáng nào Phú cũng ngồi trước cửa nhà nhìn ra ngõ nhìn trẻ làng đi học. Phú đòi bố mua phấn, bảng về viết. Bố đã quay mặt đi, có lẽ ông đã khóc lặng người đi vì biết con muốn đi học nhưng không có tay làm sao mà viết được. Ông đã đến trường tiểu học trong xã hỏi cho con đi học. May thay, thầy hiệu trưởng trường Tiểu học Hồ Tông Thốc khuyên ông Lộc về cho con viết bằng chân. Người cha mừng quýnh ra ngay chợ mua phấn, bảng cho con và ngồi mỉm cười nhìn con viết nguệch ngoặc trên bảng đen. Sau vài tháng tập viết, Phú đã viết thành thạo bảng chữ cái. Ông Lộc quyết định cho con đi học.

Phú làm bài thi tốt nghiệp năm 2011.

8 tuổi, Phú đi học lớp 1 nhưng do còi xương nên em thấp bé hơn các bạn cùng lớp. Những ánh mắt ái ngại cứ dồn cả vào Phú, em mặc cảm vô cùng. Nhiều hôm đi học về, bố Lộc thấy con cứ cúi mặt, tưởng con bị điểm kém. Lúc ấy quá ngây thơ để Phú nói cho bố nguyên nhân tại sao, em hồn nhiên: Các bạn bảo con không tay, viết bằng chân thì bẩn vở. Thế rồi, cái khoảng cách ấy dần biến mất. Các bạn trong lớp gần gũi Phú hơn. Có chiếc bánh, que kem thường chia sẻ cho Phú – những thứ mà ở nhà Phú không bao giờ được ăn. Cực nhất là vào mùa đông. Nhà quá nghèo nên bố mẹ không thể sắm cho Phú một đôi giày để đi. Em co ro trong đôi dép nhựa đứt mũi. Khi viết, bàn chân em tím tái vì lạnh. Nếu đeo tất thì sẽ không viết được, bỏ tất ra thì lạnh chân. Thương con, ông Lộc nhiều lần chuẩn bị một ống bơ có đựng than hồng và xin cô giáo cho đặt cạnh chỗ em ngồi để em sưởi bàn chân. Phú đã học tập và lớn lên như thế, thật đặc biệt và đáng thương.

Năm 2005, Nguyễn Minh Phú trở thành một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bầu chọn và trở thành tấm gương sáng cho tuổi trẻ tỉnh Nghệ An. Câu chuyện cổ tích về cậu học trò không tay chưa dừng lại ở đó. Năm 2011, Phú đỗ tốt nghiệp với THPT với tổng điểm 38 (Văn: 5 điểm; Vật lý: 9,5; Địa 5; Sinh 7; Toán 5,5 và Anh 5,5 – chưa kể điểm ưu tiên). Ngay lập tức, em được trường Công nghệ Thông tin – ĐH Quốc gia TP HCM và ĐH Hồng Bàng chào đón với cơ chế tuyển thẳng cho học sinh khuyết tật. Phú chọn trường ĐH Công nghệ Thông tin.

Tâm sự về điều này, Phú cho biết: Làm việc với máy tính là công việc phù hợp với hoàn cảnh của em nhất, ít phải di chuyển và không bị phụ thuộc vào người khác.

Năm 2010, Phú cũng được Quỹ học bổng Thắp sáng Niềm tin trao học bổng 5 năm. Bố em, ông Nguyễn Quỳnh Lộc vẫn ngày ngày nhỏ cỏ, làm tạp vụ tại kí túc xá trường Phú học để kiếm thêm 2 triệu đồng cùng con tiếp tục viết tiếp ước mơ đường đời.

Mọi sự hỗ trợ em Nguyễn Minh Phú xin gửi về Quỹ học bổng Thắp sáng Niềm tin:

Địa chỉ: Số 22 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà NộiĐT: (84 4) 3942 6800

Fax: (84 4) 3942 6796

Số TK: 0011.003.999.524 (VNĐ)

Sở giao dịch Vietcombank

Đức Chính

petrotimes

DMCA.com Protection Status