Trung Quốc với vấn nạn "thực phẩm bẩn"

07:00 | 12/09/2014

1,031 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xin giới thiệu loạt bài dưới đây để độc giả biết về bức tranh tổng quan xung quanh chủ đề “thực phẩm bẩn” tại Trung Quốc.

Vụ bê bối dầu bẩn tại Đài Loan (dầu lấy từ rác thải bếp hoặc vớt từ cống rãnh) không những gây chấn động, mà còn khiến dư luận lo ngại về độ an toàn thực phẩm tại vùng lãnh thổ này. Bởi đây là vụ bê bối an toàn thực phẩm thứ hai xảy ra tại Đài Loan trong chưa đầy một năm. Chủ đề này cũng đã và đang được dư luận tại quốc gia đông dân nhất thế giới quan tâm, bởi không chỉ dầu bẩn, mà còn nhiều loại “thực phẩm bẩn” khác đang được tiêu thụ ở Trung Quốc.

Và nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang cảnh giác, lo ngại mỗi khi sử dụng sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Khi các vụ bê bối dầu bẩn bùng phát năm 2010, giới chuyên gia ước tính trung bình mỗi năm người dân ở Trung Quốc phải tiêu thụ từ 2 đến 3 triệu tấn dầu ăn tái chế bất hợp pháp.

Xin giới thiệu loạt bài dưới đây để độc giả biết về bức tranh tổng quan xung quanh chủ đề “thực phẩm bẩn” tại Trung Quốc.

Kỳ I: 1001 loại dầu ăn

Khoảng 1 năm trước (thượng tuần tháng 9/2013), tờ China Daily đưa tin, đã có tổng cộng 16 người phải hầu tòa tại tỉnh Giang Tô sau khi bị cáo buộc sử dụng những phần bỏ đi của động vật để chế biến dầu ăn. Những nghi phạm kể trên được cho là đã chế biến dầu ăn từ mỡ của các loại gia cầm, gia súc, từ da gà và thịt vụn đã thối rữa. Giới chuyên gia an toàn thực phẩm cho biết, loại dầu ăn kể trên có thể phá hủy bộ máy tiêu hóa của con người, nhưng đã được bán cho hơn 100 doanh nghiệp thực phẩm tại 8 tỉnh, thành phố với tổng trị giá khoảng 60 triệu NDT (gần 10 triệu USD).

Trước đó (17/8/2013), 15 người ở tỉnh Vân Nam đã bị kết án vì sản xuất và buôn bán dầu ăn không an toàn. Kẻ đứng đầu 2 công ty sản xuất dầu bẩn bị tòa kết án chung thân và tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân. Những người còn lại phải chịu mức án từ 5 đến 18 năm tù cùng khoản tiền phạt khá lớn. Được biết, từ năm 2002 đến 2012, hai công ty kể trên đã thu mua tổng cộng 28.900 tấn nguyên liệu phi thực phẩm gồm chất thải thủy sản và phế phẩm thịt lợn, chế biến thành dầu bẩn cung cấp cho một số thành phố ở tỉnh Vân Nam.

Một cơ sở chế biến dầu bẩn bị phát hiện

Theo giới chuyên môn, sau khi được đóng gói và dán nhãn của các thương hiệu nổi tiếng, những sản phẩm dầu lạc giả rất khó phân biệt với sản phẩm thật. Một quan chức địa phương tiết lộ, dầu lạc giả dường như được bán khá phổ biến ở một số chợ tại địa phương. Ngoài ra, số dầu lạc giả còn được bán cho các nhà máy chế biến thực phẩm và một số chợ thực phẩm ở những tỉnh như Quảng Đông, Hồ Nam, Giang Tây. Cơ quan chức năng cho biết, số dầu kém chất lượng kể trên có thể gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng bởi người ta đã trộn dầu nành, dầu cọ không rõ nguồn gốc và dầu hạt bông thô với nhau, thêm hương vị để có mùi giống với dầu lạc.

Được biết, dầu hạt bông thô nếu không được lọc cẩn trọng sẽ rất nguy hiểm bởi chứa độc tố gây ảnh hưởng đến tế bào tinh trùng nam giới gây vô sinh. Giới chức thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông từng phát hiện độc tố vi nấm (aflatoxin - chất có thể gây ung thư gan) trong đậu phộng và dầu ăn. Cơ quan chức năng đã ra lệnh thu hồi (29/12/2011) các sản phẩm dầu ăn của một số công ty như Fusheng Oil, Manyi Peanut Oil, Mabo Oil.

Thượng tuần tháng 1/2012, giới truyền thông Trung Quốc đưa tin, cơ quan chức năng thành phố Đông Quan, tỉnh Quảng Đông thu giữ gần 600 sản phẩm dầu lạc giả và kém chất lượng có nguy cơ gây vô sinh sau khi kiểm tra tại một số khu chợ tại tỉnh này. Trong khi mỗi can 5 lít dầu lạc được mua tại nhà máy sản xuất dầu giả chỉ khoảng 2 NDT, nhưng được bán với giá 100 NDT-200 NDT ngoài thị trường. Vì khoản lợi nhuận khủng kể trên nên người ta bất chấp tất cả, kể cả có liên quan tới sức khoẻ người tiêu dùng.

“Giờ đây ăn gì cũng không an toàn bởi không biết chọn cái gì để ăn nên thực sự cảm thấy bất an” là tâm sự của nhiều bà nội trợ cũng như người tiêu dùng tại quốc gia hơn 1,34 tỷ dân sau khi xuất hiện ngày một nhiều thông tin xung quanh “thực phẩm bẩn” và cơ quan chức năng Trung Quốc cũng đang nỗ lực giải quyết vấn nạn này. Gần 3 năm trước (15/12/2011), hơn 300 học sinh một trường cấp hai ở thành phố Nhân Hoài, tỉnh Quý Châu đã đập phá cửa kính, bàn ăn, ghế ngồi của căn-tin sau khi phát hiện một thùng "dầu cống rãnh" dùng để nấu ăn tại đây. Hiệu trưởng trường này đã bị đình chỉ công tác để điều tra. Cơ quan chức năng cũng đã bắt 32 người vì hành vi sản xuất và buôn bán dầu bẩn với số lượng lớn (tịch thu hơn 100 tấn dầu bẩn vốn được chế biến từ loại dầu vét từ cống rãnh sau các nhà hàng).

Trước đó (31/8/2011), cơ quan chức năng tỉnh Thanh Đảo đã phát hiện xưởng sản xuất bánh trung thu sử dụng 1.000 kg dầu bẩn để chế biến bánh Trung thu sau khi người ta phát hiện gần 30 chất phụ gia độc hại từng được sử dụng để làm đẹp mẫu mã và tăng tuổi thọ cho các sản phẩm bánh trung thu. Bộ Công an cho biết, cảnh sát các tỉnh Hà Nam, Chiết Giang và Sơn Đông đã tìm thấy hơn 100 tấn dầu tái chế trái phép được làm từ dầu phế thải lấy từ các cống rãnh tại nhà hàng.

Thượng tuần tháng 11/2012, Tòa án huyện Nam Hòa, tỉnh Hà Bắc, đã tuyên án từ 2 đến 15 năm tù cùng số tiền phạt tổng cộng 1,2 triệu NDT đối với 7 bị cáo vì tội sản xuất và bán dầu bẩn. Những nghi phạm này thuộc một công ty dầu ăn ở thành phố Hình Đài (Hà Bắc) bị kết tội bán tổng cộng 238,6 tấn dầu bẩn, thu về 2,05 triệu NDT.

Ngày 2/9/2012, chính quyền Thành phố Tiêu Tác, tỉnh Hà Nam đã cử một nhóm điều tra tới hãng dược phẩm Joincare (Kiện Khang Nguyên) để làm rõ  thông tin tập đoàn này đã sản xuất thuốc kháng sinh bằng dầu ăn đã qua sử dụng. Joincare sản xuất tới 25% tổng số thuốc kháng sinh 7-ACA của Trung Quốc nên sau khi xuất hiện tin, một chi nhánh đặt tại Thành phố Tiêu Tác của tập đoàn Joincare đã thu mua dầu bẩn để trộn chung với dầu đậu nành sản xuất loại kháng sinh được sử dụng rộng rãi 7-ACA, cơ quan chức năng đã vào cuộc.

Vụ bắt hung thủ sát hại nhà báo Lý Tường, người đã đưa ra ánh sáng vụ dầu ăn bẩn (22/9/2011) cũng khiến dư luận quan tâm. Lý Tường bị đâm chết bởi 13 nhát dao vào rạng sáng 19/9/2011 ở thành phố Lạc Dương sau khi phanh phui đường dây chế biến dầu ăn lấy từ cống rãnh của các nhà hàng và 32 người đã bị bắt vì buôn bán loại thực phẩm được cho là có thể gây bệnh ung thư này. 6 năm trước (2008-2014), cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện hơn 70% mẫu các sản phẩm dầu lạc được mua ở các chợ địa phương không đáp ứng đủ tiêu chuẩn quốc gia. Điều đáng nói là mặc dù trung bình mỗi năm, người dân Trung Quốc tiêu thụ khoảng 2-3 triệu tấn dầu ăn bất hợp pháp, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có phương pháp khoa học để nhận dạng "dầu cống rãnh", dầu bẩn với hàng đảm bảo chất lượng.

 

Ngày 9/9, chính quyền Đài Loan đã phạt Quách Liệt Thành, chủ cơ sở Chung Guann ở huyện Bình Đông, thành phố Cao Hùng 50 triệu Đài tệ (1,67 triệu USD) về tội bán hàng trăm tấn dầu bẩn, gây ra vụ bê bối an toàn thực phẩm làm rúng động Đài Loan. Do ảnh hưởng của vụ bê bối dầu bẩn, hàng trăm tấn bánh trung thu, bánh ngọt, bánh mì, mì gói và bánh bao đã bị rút khỏi kệ bán hàng, hàng trăm nhà hàng đã xin lỗi khách hàng vì vô tình sử dụng dầu bẩn nói trên.

Cơ quan Thuốc và Thực phẩm Đài Loan cho biết, hơn 1.000 nhà hàng, quán ăn và cơ sở chế biến thực phẩm, trong đó có 397 cơ sở tại thành phố Đài Bắc, sử dụng dầu bẩn của tập đoàn Toàn Thống, nhà cung cấp nguyên liệu thực phẩm nổi tiếng ở Đài Loan.

Được biết, chỉ trong 6 tháng qua, tập đoàn Toàn Thống đã mua lại 243 tấn dầu bẩn (từ các nhà máy của Quách Liệt Thành) để chế biến hơn 780 tấn dầu ăn và bán cho hàng trăm cơ sở kinh doanh thực phẩm. Theo kết quả điều tra, số dầu bẩn kể trên là dầu đã qua sử dụng tại các nhà hàng, quán ăn, được Quách Liệt Thành mua về và trộn với mỡ lợn để bán lại cho các cơ sở hữu quan.

(Còn tiếp)

Đông Ngàn - Từ Sơn