Vì sao 6 quan chức cao cấp của FIFA bất ngờ bị bắt?

15:09 | 27/05/2015

1,987 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Vụ việc 6 quan chức Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), trong đó có Phó Chủ tịch Jeffrey Webb bị cảnh sát Thụy Sỹ bắt giữ tại một khách sạn ở Zurich, nơi đặt "tổng hành dinh" của FIFA đang gây xôn xao dư luận.

Trụ sở FIFA tại thành phố Zurich, Thụy Sỹ

Được biết, cảnh sát Thụy Sỹ đã phát lệnh bắt giữ sau khi nhận được đề nghị từ Bộ Tư pháp Mỹ. Những quan chức của cơ quan quản lý bóng đá cấp cao nhất thế giới này bị cáo buộc tội danh làm ăn phi pháp, rửa tiền, lừa đảo và tham nhũng có hệ thống.

Theo nguồn tin từ Bộ Tư pháp Mỹ, 6 quan chức FIFA trên bị tình nghi đã nhận hối lộ suốt từ những năm 1990 cho đến thời điểm hiện tại với tổng số tiền vượt mức 100 triệu USD. Đặc biệt, việc nhận hối lộ của họ có liên quan đến quyết định trao quyền tổ chức Cúp bóng đá thế giới World Cup 2022 cho Qatar. Lưu ý là Mỹ đã về nhì trong cuộc chạy đua đăng cai tổ chức sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh với quốc gia Trung Đông này trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng.

Những người này sẽ bị dẫn độ về Mỹ để điều tra, xét xử.

Theo tờ New York Times, cảnh sát Thụy Sỹ đã mặc thường phục, lấy chìa khóa phòng từ lễ tân khách sạn Baur au Lac, nơi các quan chức này nghỉ chân và vào thẳng phòng họ đang ở để thực hiện lệnh bắt giữ. Không có ai chống cự gì và chiến dịch diễn ra suôn sẻ.

Vụ bắt giữ diễn ra ở thời điểm chỉ cách cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA có 2 ngày và trong bối cảnh cựu danh thủ Luis Figo, cùng nhiều nhân vật tên tuổi của bóng đá thế giới đang kêu gọi cải tổ FIFA. Trong cuộc tranh cử diễn ra vào ngày 29/5 tới đây, đương kim chủ tịch Sepp Blatter sẽ cạnh tranh với đối thủ là Hoàng tử Ali bin al-Hussein của Jordan với hi vọng có thể tiếp tục giữ ghế của mình trong nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp.

Trong số những quan chức bị bắt giữ, Phó chủ tịch Jeffrey Webb là gương mặt nổi bật nhất khi ông đang chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động bóng đá ở các khu vực Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Caribbean. 

Trả lời báo giới về vụ bắt giữ này, Người phát ngôn của FIFA cho biết: “Chúng tôi đã biết thông tin này qua báo chí và đang cố gắng làm rõ vấn đề. Ở thời điểm hiện tại chúng tôi sẽ không đưa ra bất cứ lời bình luận nào”. 

Trước đó, theo điều tra của hai nhà báo Heidi Blake và Jonathan Calvert của tờ Mail (Anh), Qatar được cho là đã hào phóng chi 17,17 tỷ bảng Anh để mua quyền đăng cai World Cup 2022.

Ngoài các hợp đồng thương mại hợp pháp trong quá trình vận động đăng cai World Cup hồi năm 2010, Qatar còn chi “đậm” để lót tay cho những nhân vật máu mặt mà tiếng nói của họ có ảnh hưởng lớn đến phiếu bầu của các quốc gia thành viên. Trong đó, riêng Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) Michel Platini đã nhận lót tay số tiền lên đến 14,72 tỷ bảng Anh.

Số tiền cực lớn này không vào túi cựu danh thủ người Pháp mà thông qua hợp đồng mua sắm máy bay Airbus (do Pháp sản xuất), chuyển nhượng CLB Paris Saint-Germain, thành lập hãng truyền thông beIN SPORTS, mua bản quyền truyền hình giải vô địch quốc gia Pháp (Ligue 1)…

Đây là kết quả cuộc gặp gỡ hồi tháng 11/2010 giữa Hoàng thân Sheik Tamin - cũng là thành viên ban lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Qatar, Tổng thống Pháp lúc ấy Nicolas Sarkozy và Michel Platini. Sau đó, Platini đã dành sự ủng hộ cho Qatar trước một ứng cử viên nặng kỳ khác là Mỹ ở cuộc bỏ phiếu tại FIFA, dù cựu danh thủ người Pháp luôn khẳng định không phải chịu bất cứ áp lực nào.

Linh Phương (theo Năng Lượng Mới)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc