Thế giới sắp chứng kiến bước ngoặt lớn

19:00 | 31/03/2015

1,713 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ còn vài giờ nữa, cuộc đàm phán giữa Iran và các cường quốc thế giới về vấn đề hạt nhân sẽ có kết quả chung cuộc. Điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm qua thất bại?

Thế giới sắp chứng kiến bước ngoặt lớn

Nhóm 5+1 và Iran họp tại Lausanne, Thụy Sĩ, ngày 31/3

Hôm nay (31/3) là hạn chót để Iran và 5 cường quốc hạt nhân thế giới gồm Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga và Trung Quốc phải đưa ra bằng được một bản thỏa thuận, theo đó Iran sẽ là một cường quốc hạt nhân như 5 nước kia hoặc là chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vào phục vụ dân sự như phát điện....

Vấn đề phát triển hạt nhân của Iran đã gây ra nhiều tranh cãi trong suốt những năm qua. Tehran nói họ chỉ dùng uranium vào dân sự, còn 5 cường quốc thế giới thì nói đó chỉ là cái bình phong giúp Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Việc sử hữu vũ khí hạt nhân có tính chất quyết định đối với vị thế của một quốc gia.

Có được vũ khí hạt nhân, Iran có thể “chả ngán” gì quốc gia thù địch nào! Các cường quốc hạt nhân trên thế giới không muốn chia bớt “đặc quyền” hạt nhân của mình nên tìm cách ngăn cản Iran phát triển loại vũ khí tối thượng này.

Việc nhiều chính phủ Iran “lần khân” với vấn đề này đã khiến 5 cường quốc hạt nhân đưa ra các lệnh trừng phạt nhằm ngăn cản Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.

Các điều kiện tại vòng đàm phán cuối cùng này được các bên đưa ra như sau: nhóm P5 yêu cầu Iran phải chấm dứt chương trình hạt nhân nhằm mục đích quân sự bằng cách không được làm giàu uranium quá 40%, chỉ được làm tới 20% ở trong nước, còn muốn hơn thì phải chuyển ra nước ngoài làm giùm dưới sự giám sát của nhóm này.

Vì uranium có mức độ làm giàu cao có khả năng chế tạo bom nguyên tử, làm giàu ở mức thấp là dùng cho nhà máy điện hạt nhân được rồi. Đổi lại, Tehran yêu cầu nhóm P5 phải dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận từ trước đến giới đối với Iran, khôi phục mọi quan hệ như cũ...

Cho đến hôm qua, cuộc đàm phán vẫn bị bế tắc trong ba vấn đề quan trọng gồm thời hạn của thỏa thuận hạt nhân, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và một cơ chế áp đặt lại các lệnh trừng phạt trong trường hợp Iran không tuân thủ thỏa thuận.

Bất đồng nghiêm trọng nhất hiện nay là Iran đòi nhóm P5 phải tức khắc bãi bỏ cấm vận. Trong phe các cường quốc, Pháp giữ lập trường cứng rắn nhất không nhượng bộ một ly, nhưng Paris cũng rất lo ngại Washington đi đêm chiều ý Tehran.

Theo giới quan sát, nếu như có một thỏa thuận chính trị, thì thỏa thuận này sẽ không thể đạt được trước thời hạn quy định 31/3. Theo một nguồn tin ngoại giao phương Tây, phía Iran rất muốn thương thuyết trong bối cảnh đàm phán đứng trước nguy cơ tan vỡ hoàn toàn. Nếu như Tehran chấp nhận xét lại lập trường của mình để có được một thỏa thuận, thì điều này sẽ không xảy ra trước ngày cuối cùng, thậm chí trước giờ cuối cùng, có nghĩa là nửa đêm nay theo giờ châu Âu.

Trong khi chờ đợi, các đàm phán vẫn bế tắc trên những điểm căn bản, và vào thời điểm quyết định này, các bên hối thúc nhau chấp nhận những nhân nhượng quan trọng.

Các cường quốc kêu gọi Iran có những quyết định cần thiết, trực tiếp và không thể đảo ngược được, về chương trình hạt nhân. Để đi đến một thỏa thuận, họ buộc Tehran phải tuân thủ một loạt các biện pháp, như đặt chương trình hạt nhân nước này dưới sự kiểm soát quốc tế. Và quyết định này tất nhiên phải có hiệu lực ngay lập tức. Để đổi lại, nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ dần dần được dỡ bỏ các trừng phạt mà Liên Hợp Quốc áp đặt.

Những điều kiện nói trên là toàn bộ vấn đề đối với Iran: Tehran cảm thấy bị tổn thương, vì bị đòi hỏi quá nhiều và phải tuân thủ ngay lập tức. Trong khi đó, Iran sẽ nhận được ít, và sẽ phải mất nhiều năm trước khi tất cả các trừng phạt được dỡ bỏ. Lập trường vốn có của các cường quốc trong vấn đề này không phải là “mỗi bên có một nhượng bộ về phần mình, và tất cả cùng nhau tiến lên”, mà thiên về quan điểm Iran có trách nhiệm phải điều chỉnh, vì nước này vi phạm luật quốc tế.

Theo một nguồn tin ngoại giao phương Tây, sẽ có thể có một số nhân nhượng, tuy nhiên vấn đề là các nỗ lực phải mang tính tập thể. Bí ẩn lớn nhất hiện nay là lập trường khá đặc biệt của Pháp trong các đàm phán. Ngược lại với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, có thái độ rất mềm dẻo, lãnh đạo ngoại giao Pháp nổi tiếng với thái độ cứng rắn trong hồ sơ này. Ngoại trưởng Laurent Fabius yêu cầu một thỏa thuận “nặng ký”.

Ngày hôm qua, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng có "những dấu hiệu tích cực" trong cuộc đàm phán giữa Iran với các cường quốc tại thành phố Lausanne (Thụy Sĩ) về chương trình hạt nhân, song nhấn mạnh còn quá sớm để nói về kết quả đàm phán.

Trước khi bước vào vòng đàm phán này, Tổng thống Obama, đang chịu nhiều áp lực từ Israel và quốc hội Mỹ, đã tuyên bố rằng sẽ không có kế hoạch B cho vấn đề hạt nhân của Iran. Nếu thất bại, Iran sẽ chịu thêm nhiều lệnh trừng phạt nữa từ các cường quốc hạt nhân thế giới.

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc