Mỹ đang “giễu võ dương oai”, “ghen tức” với Trung Quốc?

12:03 | 31/08/2012

1,673 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc đang tăng cường chỉ trích chuyến công du sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến quần đảo Cook ở Nam Thái Bình Dương và phàn nàn rằng Mỹ đang “giễu võ dương oai”, chọc ngoáy khuấy động một khu vực đang yên bình.

Mỹ đang trục lợi?

Ngày 29/8, trong một bài xã luận, tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ trích sự “phô trương” với 50 phụ tá và 1 tàu sân bay tháp tùng chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ tới quần đảo Cook để tham dự Hội nghị thượng đỉnh khu vực do Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương (PIF) là “rất không thích hợp”.

Sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh khu vực ở quần đảo Cook
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ công du tới Indonesia

“Nam Thái Bình Dương đã hòa bình kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II và hiếm khi gặp phải các vấn đề an ninh… Đó không phải là thứ họ cần. Cái mà họ thực sự cần là đầu tư và công nghệ - những thứ mà Mỹ không thể cho họ” bởi chính nước Mỹ cũng đang khủng hoảng tài chính, bài báo viết.

Bài báo trên Nhân dân Nhật báo đề cập đến những thông tin được cung cấp bởi một số hãng tin khu vực cho biết có một tàu sân bay Mỹ sẽ “hỗ trợ hậu cần” cho Ngoại trưởng Clinton trong suốt chuyến thăm 1 ngày của bà tới quần đảo Nam Thái Bình Dương.

Trong khi đó, người phát ngôn Hải quân Mỹ hôm 30/8 cũng cho hay tàu sân bay George Washington đã rời căn cứ Yokozuka (Nhật Bản) để thực hiện chuyến tuần tra dài 5 tháng trên biển Tây Thái Bình Dương, tuy nhiên, từ chối xác nhận việc “ngôi sao của Hạm đội 7” sẽ tham gia vào chuyến công du của Ngoại trưởng Clinton.

Tàu sân bay George Washington đã "tháp tùng" Ngoại trưởng Mỹ tới quần đảo Cook ngày 30/8?

Giới quan sát nhận định việc bà Clinton đến thăm quần đảo Cook là dấu hiệu cho thấy chính quyền Barack Obama không chỉ đang tăng cường quan hệ với các láng giềng đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông, mà còn muốn thúc đẩy quan hệ ngoại giao, viện trợ phát triển và hỗ trợ quân sự tới khu vực Nam Thái Bình Dương xa xôi.

Đây là phái đoàn cấp cao nhất của Mỹ từng đến tham dự diễn đàn đã có lịch sử hơn 40 năm này. Và đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên, một Ngoại trưởng Mỹ đặt chân đến quần đảo gồm 15 đảo san hô và các đảo nhỏ, với dân số chỉ hơn 11.000 sinh sống trên vùng diện tích đất 93 dặm vuông ở Nam Thái Bình Dương – nơi còn trống trong tầm nhìn của Mỹ bấy lâu nay.

Trong khi đó, cũng bấy lâu nay, ở tại khu vực này, Bắc Kinh đã “dày công” dùng chính sách “ngoại giao tờ séc” để lôi kéo các đồng minh của Mỹ về phía mình. Bắc Kinh đã bỏ tiền trợ giúp cho quần đảo Cook xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng chính quyền như tòa án, trụ sở cảnh sát... Các đảo quốc khác được nhận những khoản viện trợ ưu đãi để sửa chữa sân bay, xây mới bệnh viện và các trường học ngoại ngữ.

Viện Nghiên cứu và cố vấn chiến lược Lowy của Australia ước tính từ năm 2005 Trung Quốc đã cho các nước như Tonga, Samoa và quần đảo Cook vay 600 triệu USD dưới hình thức “vay ưu đãi” phi lãi suất trong thời gian dài. Từ năm 2006, Bắc Kinh cũng đã tăng cường viện trợ cho Fiji sau khi lãnh đạo quân đội Voreqe Bainimarama giành được quyền lực từ chính phủ dân bầu.

“Đây là một phần của chính sách “Trở lại châu Á” của Mỹ và mục tiêu của chính sách này là Trung Quốc…”, Nhân dân Nhật báo khẳng định.

Trong khi đó, Tân Hoa xã nhận định: “Mỹ đang cảm thấy ghen tức và tìm đến các phương tiện ngoại giao và kinh tế để chia rã Trung Quốc với các nước Nam Thái Bình Dương” và dẫn chứng là việc Washington đang rất nỗ lực để thúc đẩy Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và lên án đây là nỗ lực ‘tìm kiếm vị thế là nước cầm trịch sự phát triển kinh tế của khu vực”.

“Washington đã viện đến các phương tiện ngoại giao, kinh tế và chiến lược mà Ngoại trưởng Clinton gọi là ‘quyền lực thông minh’ để gây xáo trộn trong khu vực,” Tân Hoa Xã phân tích.

“Tóm lại, Washington có ý đồ trục lợi bằng cách khuấy động cãi vã giữa các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương để giành lại vai trò bá chủ trong khu vực.”, Tân Hoa xã kết luận.

“Mỹ nên từ bỏ mộng bá chủ khu vực châu Á – Thái Bình Dương”

Mặc dù cho rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Clinton tới châu Á – Thái Bình Dương sẽ “dấy lên quan ngại” về một cuộc đối đầu ngày càng tăng giữa các cường quốc trong khu vực nhưng truyền thông Trung Quốc cũng đầy tự tin khi khẳng định “sức mạnh của Mỹ đang suy giảm và họ không có đủ sức mạnh kinh tế và phương tiện để làm bá chủ ở châu Á -Thái Bình Dương”.

Bằng chứng là Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản. Số liệu năm 2010 cho thấy thị trường Trung Quốc hiện chiếm đến 20% lượng hàng xuất khẩu của Nhật Bản, trong khi thị trường Mỹ giảm xuống còn 15%. Mặt khác, Trung Quốc cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Một lý do khác mà Tân Hoa Xã cho là Mỹ không nên làm bá chủ ở khu vực là ‘sẽ là thiếu không ngoan nếu Washington xem Trung Quốc là đối thủ để tìm cách khống chế” bởi “Hoa Kỳ và Trung Quốc là các nền kinh tế số một và số hai của thế giới và hai nước phải dựa vào nhau rất nhiều”.

“Quan hệ giữa hai nước không phải là mối quan hệ được ăn cả, ngã về không. Hai nước không nên xem nhau là mối đe dọa bởi vì nếu đấu nhau thì cả hai bên đều bị tổn thương,” bài xã luận lý giải.

Do đó, “Hoa Kỳ cần phải từ bỏ tham vọng phi thực tế là làm bá chủ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như thế giới.”

Minh Châu (tổng hợp)