Tại sao Ukraine quyết tâm giành lại Crimea? (Kỳ 1)

06:00 | 28/03/2014

8,805 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phát biểu sau khi ký một hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EU) tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, Bỉ, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatseniuk đã cáo buộc Nga trả đũa quyết định ký hiệp ước này bằng cách tăng gấp đôi giá khí đốt hiện nay.

Năng lượng Mới số 307

Ông Arseniy Yatseniuk cũng nhấn mạnh, việc Nga sáp nhập Crimea đã khiến Ukraine tổn thất “không phải hàng tỉ, mà hàng trăm tỉ USD” và Kiev sẽ kiện Moskva ra các tòa án quốc tế trong tương lai gần. Ngày 21/3, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đe dọa tăng giá khí đốt cung cấp cho Ukraine và kiện chính quyền Kiev để lấy lại 11 tỉ USD tiền nợ mua khí đốt. Ông Dmitry Medvedev cũng nhấn mạnh, xét những thay đổi đang diễn ra và việc Crimea hiện đã là một phần của Liên bang Nga, nên Moskva không còn cơ sở để tiếp tục thỏa thuận đã ký trước đó với Kiev xung quanh vấn đề giá khí đốt. Theo thỏa thuận ký năm 2010, Nga thuê Sevastopol tới năm 2042 và Ukraine được giảm giá 30% khi mua khí đốt của Moskva và việc này giúp Kiev tiết kiệm tới 40 tỉ USD trong 10 năm.

Ukraine sẽ không còn được mua khí đốt của Nga với giá ưu đãi

Cộng hòa tự trị Crimea (Krym) có diện tích 26.200km2, được chia làm 25 vùng sau 3 lần tách nhập (18/10/1921, 30/6/1945 và 12/2/1992) cùng dân số 2.033.700 người (vào năm 2011). Crimea nằm giữa Biển Đen và biển Azov, ngăn cách với Nga ở phía đông bằng eo biển hẹp Kerch. Crimea từng có hàng thế kỷ sống dưới chế độc thuộc địa và bị các đế chế cũng như bộ tộc du mục xâm chiếm. Với một xã hội đa sắc tộc và một lịch sử chiến tranh đẫm máu, bán đảo Crimea là ngã ba đường của nhiều nền văn hóa và các cuộc xung đột vũ trang. Được biết, người Hy Lạp, người Scythia, người Byzantine và người Genoa từng hiện diện ở Crimea từ xa xưa. Từ giữa thế kỷ XIX, khí hậu ấm áp ven biển đã giúp Crimea trở thành điểm nghỉ mát ưa thích của những người Nga giàu có.

Crimea có vai trò đáng kể trong quan hệ giữa Kiev và Moskva. Phần lớn cư dân Crimea hiện nay là người Nga (khoảng 1,2 triệu người, tương đương 58,5% dân số), sau đó là người Ukraine (khoảng 500.000 người, tương đương 24% dân số) và 12% là dân Tatar, nhưng tuyệt đại đa số dân Crimea (97%) nói tiếng Nga. Theo tờ Le Monde, kể từ khi Ukraine tuyên bố độc lập (1991), Crimea được công nhận là Cộng hòa tự trị (thuộc Ukraine), nhưng cơ quan lập pháp của khu vực này được tự chủ về ngân sách và có hiến pháp riêng từ năm 1999. Năm 1948, thành phố lớn nhất của Crimea là Sevastopol (có vị trí chiến lược về quân sự) được tách khỏi Crimea và trực thuộc Moskva, nơi đóng căn cứ hải quân quan trọng của Liên Xô. Hạm đội Biển Đen của Nga có căn cứ ở thành phố Sevastopol suốt 230 năm qua.

Hạm đội Biển Đen là một trong những hạm đội có bề dày lịch sử lâu đời nhất của Hải quân Nga. Trong  cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945), Hạm đội Biển Đen đã lập nhiều chiến công, thực hiện 24 chiến dịch đổ bộ, đánh đắm 835 tàu chiến các loại của lực lượng phát xít. 228 cá nhân thuộc Hạm đội Biển Đen từng được phong danh hiệu Anh hùng Liên bang Xôviết, hơn 50.000 cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương các loại. Sau khi Liên bang Xôviết tan rã, Hạm đội Biển Đen trở thành mục tiêu tranh chấp giữa Nga và Ukraine khi nhiều cơ sở vật chất của hạm đội này nằm trên lãnh thổ do Kiev kiểm soát.

Đến tháng 8/1992, Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận đồng chỉ huy Hạm đội Biển Đen trong vòng 3 năm. Đến tháng 6/1993, Tổng thống Ukraine Kravchuk và Tổng thống Nga Yeltsin đã ký hiệp định chia đôi Hạm đội Biển Đen với lộ trình thực hiện từ tháng 9/1993 đến năm 1996. Tuy nhiên, hiệp định này nhanh chóng đổ vỡ do các sĩ quan Hải quân Nga phản đối việc chuyển giao trang bị, khí tài trong khi lãnh đạo quân đội Ukraine cũng không chấp nhận để Nga sử dụng các căn cứ trên đất Ukraine. Vì vậy, hiệp định về Hạm đội Biển Đen phải thương lượng lại vào tháng 9/1993, tháng 4/1994 và tháng 11/1995, nhưng vẫn không đạt kết quả.

Đến tháng 5/1997, Nga và Ukraine mới giải quyết dứt điểm được việc phân chia Hạm đội Biển Đen khi Thủ tướng Nga Chernomyrdin và Thủ tướng Ukraine Lazarenko ký 3 hiệp định liên chính phủ. Theo đó, Kiev chấp thuận cho hải quân Nga thuê căn cứ ở Sevastopol và số tàu chiến của Hạm đội Biển Đen được chia đều cho hai nước, nhưng Moskva đã đồng ý chi tiền mặt mua lại một số tàu hiện đại. Do đó trên thực tế, Nga sở hữu 3/4 số tàu của Hạm đội Biển Đen, còn Ukraine chỉ có một nửa cơ sở vật chất. Hai bên cũng thống nhất việc Nga thuê 3 quân cảng, 2 sân bay quân sự trên lãnh thổ Ukraine trong 20 năm với giá 100 triệu USD/năm. Theo thỏa thuận, Nga không được đồn trú quá 25.000 binh sĩ và đưa vũ khí hạt nhân vào các cơ sở thuê của Ukraine. Một điểm đáng chú ý là căn cứ quan trọng nhất của hải quân Ukraine cũng đóng tại Sevatsopol, nơi đặt Bộ Tư lệnh Hạm đội Biển Đen của Nga.

Trải qua nhiều thăng trầm, Hạm đội Biển Đen đã trở thành một trong những đơn vị chiến lược của Hải quân Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. Vào thời điểm Liên bang Xôviết tan rã, Hạm đội Biển Đen có từ 300 đến 635 chiến hạm và tàu ngầm với khoảng 47.000-70.000 binh sĩ. Ước tính tổng giá trị của Hạm đội Biển Đen, bao gồm tàu chiến và cơ sở vật chất, vào đầu năm 1992 là hơn 80 tỉ USD. Tới thời điểm năm 1995, Hạm đội Biển Đen có khoảng 48.000 thủy thủ và hải quân đánh bộ, 14 tàu ngầm, 74 chiến hạm và tàu tuần tiễu, 125 máy bay chiến đấu và 85 trực thăng. Hạm đội này cũng có 1 lữ đoàn hải quân đánh bộ được trang bị 50 xe tăng, 45 khẩu đội pháo. Theo thống kê, hiện Hạm đội Biển Đen có 8 tàu chống ngầm, 7 tàu đổ bộ, 4 tàu quét mìn trên diện rộng, 2 tàu ngầm và 6 tàu hộ vệ tên lửa. Giới quân sự Nga cho rằng, việc hiện đại hóa Hạm đội Biển Đen xuất phát từ “hoàn cảnh địa - chính trị mới” sau khi Cộng hòa tự trị Crimea gia nhập Liên bang Nga. Và những thay đổi chủ yếu liên quan tới các cơ sở hạ tầng tại Biển Đen.

(Xem tiếp kỳ sau)

Quốc Tuấn - Khắc Dũng