Khủng hoảng Ukraine: Thỏa thuận 4 bên sẽ sớm phá sản?

06:00 | 22/04/2014

592 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi tuyên bố chung của Hội nghị 4 bên Ukraine, Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về các bước đi cụ thể nhằm hạ nhiệt tình hình căng thẳng đang leo thang tại Ukraine vẫn còn chưa ráo mực thì những dấu hiệu cho thấy khả năng duy trì thỏa thuận là rất mong manh đã nhanh chóng xuất hiện.

Năng lượng Mới số 315

Mỹ - Nga vẫn không chung tiếng nói

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry - “người môi giới” thỏa thuận tại Geneva đã cảnh báo rằng, đó chỉ là “lời nói trên giấy”. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Obama tỏ ý không tin thỏa thuận trên sẽ được duy trì. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể chắc chắn về bất cứ điều gì vào lúc này. Dù vậy có khả năng ngoại giao sẽ giúp giảm căng thẳng”, ông Obama phát biểu với báo giới không lâu sau khi thỏa thuận 4 bên được loan báo.

Tổng thống Mỹ cũng tiết lộ phương Tây sẽ không ngồi yên để chờ Nga tuân thủ các thỏa thuận mà Washington đã chuẩn bị đầy đủ các biện pháp cấm vận bổ sung đối với Moskva nếu tình hình tại Ukraine không có sự cải thiện. Thủ tướng Anh David Cameron đã đồng ý cùng hợp tác với ông Obama để tăng cường trừng phạt Nga nếu cần thiết.

Toàn cảnh cuộc đàm phán 4 bên về tình hình Ukraine ở Geneva, Thụy Sỹ

Bên cạnh đó, một trong những điều khoản chính của thỏa thuận tháo gỡ tình hình căng thẳng ở Ukraine là việc “tất cả các tòa nhà bị chiếm đóng trái phép phải được trả lại các chủ nhân hợp pháp”. Nhưng vấn đề là ở chỗ ai sẽ được coi là hợp pháp?

Trong khi các quan chức Washington chăm chăm mong chờ thỏa thuận Geneva sẽ có tác động khiến những người thân Nga ở Đông Ukraine từ bỏ vũ khí và các tòa nhà mà họ đang chiếm giữ thì Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố rõ ràng vào hôm 17/4 rằng, ông hy vọng một cái gì đó nhiều hơn như vậy. Đó là việc những người biểu tình ủng hộ châu Âu ở quảng trường trung tâm Maidan của Kiev, những người khởi xướng cuộc bạo động lật đổ chính quyền hợp hiến ở Ukraine phải dọn ra khỏi hội trường thành phố và các tòa nhà chính phủ khác mà họ đã chiếm đóng.

Tất nhiên, Mỹ không nhìn thấy những điều như vậy. Bởi Washington - vốn phản đối việc sử dụng vũ lực chống người biểu tình ở Maidan nhưng lại ủng hộ hoạt động quân sự đàn áp các cuộc biểu tình quần chúng tại khu vực Đông Nam, cho rằng đó là hai “tình huống hoàn toàn khác nhau” - như lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki.

Miền Đông vẫn chưa yên

Một trong những đoạn quan trọng cho Tuyên bố chung của Hội nghị 4 bên tại Geneva là “Tất cả các nhóm vũ trang bất hợp pháp phải giải giáp, toàn bộ các tòa nhà bị chiếm đóng trái phép phải được trả cho chủ sở hữu hợp pháp, tất cả các đường phố, quảng trường và các địa điểm công cộng khác bị chiếm đóng trái phép ở các thành phố và các điểm dân cư của Ukraine phải được giải phóng”. Tuy nhiên, lịch trình thi hành việc này thế nào hoàn toàn không có!

Bên cạnh đó, những người thân Nga chiếm đóng các tòa nhà chính phủ như ở Donetsk dường như không quan tâm đến những lời trên. Họ quyết không từ bỏ cho đến khi có được cuộc trưng cầu ý dân về việc tách khỏi Ukraine. Thủ lĩnh biểu tình ở Donetsk, ông Denis Pushilin tuyên bố lực lượng của mình không bị ràng buộc bởi thỏa thuận và khẳng định Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov “không thay mặt phe ly khai ký thỏa thuận, ông ấy ký cho Nga”.

Trong khi đó, mặc dù Kiev hôm 18/4 tuyên bố tạm ngừng các chiến dịch đặc biệt để trấn áp người biểu tình tại miền Đông Ukraine do đang là ngày lễ Phục sinh và các bên đạt được sự đồng thuận tại Geneva, nhưng đến ngày 20/4, giới chức địa phương cho biết, một nhóm vũ trang cực hữu đã tấn công người biểu tình thân Nga ở làng Bilbasivka, phía tây thành phố Slaviansk, miền Đông Ukraine làm ít nhất 4 người thiệt mạng (gồm 1 tay súng). Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo cho biết Nga rất giận dữ về sự kiện khiêu khích dẫn đến chết người xảy ra tại TP Slaviansk của Ukraine ngay sau khi hội nghị 4 bên ký kết tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt bạo lực, đe dọa và khiêu khích (ngày 17/4). Bộ Ngoại giao Nga ghi nhận sự kiện ở Slaviansk đã cho thấy chính quyền Ukraine vẫn trì hoãn giải giáp các phần tử cực đoan.

Chiến thuật nước đôi của Nga

Mặc dù đã đạt được thỏa thuận 4 bên nhưng không thể không chú ý đến những tuyên bố, phát biểu của người đứng đầu nước Nga - Tổng thống Putin.  Trong chương trình truyền hình hỏi đáp trực tiếp kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ hôm 17/4, chủ nhân Điện Kremlin đã trổ tài đi dây - vừa dọa nạt, vừa xoa dịu phương Tây.

Tổng thống Putin đã tái khẳng định rằng lực lượng Nga không hề hiện diện tại các thành phố và thị trấn ở miền Đông Ukraine cũng như phủ nhận các thông tin Nga giựt dây, tổ chức các cuộc bạo loạn tại Donetsk và Slaviansk. Tuy nhiên, ông Putin lại thừa nhận là các đơn vị đặc biệt của Nga đã can thiệp vào sự kiện Crimea hồi tháng trước.

Bên cạnh đó, mặc dù trấn an Mỹ và châu Âu rằng “kịch bản của Crimea sẽ không tái diễn tại miền Đông Ukraine” và quân Nga sẽ không tràn qua biên giới vì Crimea không giống Đông Ukraine (58% người Nga tại Crimea, 38% tại Donetsk) nhưng ông Putin lại khẳng định Thượng viện Nga cho phép Tổng thống đưa quân sang Ukraine có quyền can thiệp vào miền Đông Ukraine để bảo vệ những người nói tiếng Nga tại đây. Thêm vào đó, người đứng đầu nhà nước Nga lại nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng: Miền Đông nam Ukraine từng là một phần của Đế quốc Nga dưới tên gọi Novorussia trước khi Quốc hội nước này cho phép vùng này trở thành một phần của Ukraine vào những năm 20 của thế kỷ trước.

Ngoài ra, nhắc đến cuộc đàm phán 4 bên ở Geneva giữa Nga, Mỹ, EU và Ukraine vừa diễn ra, ông Putin cho rằng, các cuộc đàm phán là rất quan trọng nhưng một giải pháp cho cuộc khủng hoảng sẽ không xuất hiện trong các cuộc đàm phán thỏa hiệp giữa Mỹ và Nga, mà cần chính Ukraine tự tìm ra nó.

Linh Linh (tổng hợp)

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc