Người truyền lửa ở Đình Vũ

08:00 | 27/11/2014

1,151 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Phó giám đốc Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ Phạm Khắc Toàn luôn để lại một dấu ấn đẹp về lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm, cần cù vượt khó trong công việc bằng những việc làm cụ thể trong suốt thời gian qua. Người lao động tại nhà máy thường gọi anh một cách nể phục “ông cuồng việc”.

Năng lượng Mới số 377

Anh Toàn mê việc

Trong cuộc thi viết tìm hiểu về truyền thống 50 năm ngành Dầu khí tại Công ty Cổ phần Hóa dầu & Xơ sợi Dầu khí (PVTEX), có một bất ngờ khá thú vị khi tìm hiểu hình mẫu một tấm gương trong lao động sản xuất. Hầu hết anh em kỹ sư, công nhân trong nhà máy đã lựa chọn anh Phạm Khắc Toàn, khi đó là Trưởng phòng Công nghệ của PVTEX làm “tấm gương” của mình. Anh Toàn là một trong số ít lãnh đạo PVTEX “không biết nói chuyện” chẳng bao giờ hô hào khẩu hiệu mà anh là người điển hình của công việc.

Dáng người gầy, nhỏ bé, làn da trắng hơi mai mái, giọng nói thì luôn nhỏ nhẹ như con gái, còn tính tình thì lành hơn đất, hiếm thấy anh nổi nóng với ai. Trong bộ đồng phục của kỹ sư vận hành, với đôi kính cận, cây bút bi và quyển sổ lúc nào cũng kè kè trên tay… sẽ dễ nhầm anh Toàn với một thư ký trong phòng lạnh. Bởi vậy anh em trong PVTEX đặt cho anh Toàn khá nhiều biệt danh như “Toàn PMT (đội thiết kế, giám sát công nghệ)”, “ông cuồng việc” hay thân thiết hơn một chút là “Toàn hói”. Dù gọi như thế nào thì mọi người đều dành cho anh Phạm Khắc Toàn sự tôn trọng và trìu mến bởi anh là một tấm gương lao động giản dị và thầm lặng tại Nhà máy.

PGĐ Phạm Khắc Toàn (bên trái) và Phạm Thanh Bình, Phó quản đốc xưởng Polycon

Hầu hết những người biết, cùng làm việc với anh Toàn hay có chung một câu hỏi là người đàn ông nhỏ bé này lấy đâu ra năng lượng để ngày đêm làm việc, bám sát từng công đoạn của các phân xưởng sản xuất. Cái dáng đi như chạy với đôi chân vòng kiềng không lẫn vào đâu được của anh Toàn cứ “thoắt ẩn, thoắt hiện” trên mọi “điểm nóng”, từ phân xưởng Polycon đến khu vực kéo sợi, kiểm tra sản phẩm filament, dây chuyền tạo xơ PSF trong khuôn viên Nhà máy rộng đến vài chục ha. Trước đây, khi còn làm dự án tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, anh Toàn đã “nổi tiếng” bởi câu chuyện về đôi dép cao su. Anh em vẫn nói vui là ông Toàn hói là người “tốn giày” bởi đi nhiều quá. Mà quy định của đơn vị là 1 năm chỉ phát một đôi giày bảo hộ nhưng chưa được 6 tháng anh Toàn đã đi mòn hết đế, hở hoác miệng. Đến khi chuyển sang PVTEX, cái sự “tốn giày” của anh Toàn cũng chẳng giảm chút nào, ít nhất 1 năm anh Toàn cũng phải “ngốn” hết 2 đôi giày. Điều này lạ bởi nhiều người làm dự án 3-5 năm vẫn chưa hỏng 1 đôi giày bảo hộ bởi chất lượng và độ bền của giày bảo hộ Hàn Quốc thì khỏi phải bàn.    

Có thể nói, bất cứ ở đâu cũng chỉ thấy anh Toàn nói về công nghệ, vận hành, xử lý sự cố… Đối với anh ngoài công việc ra có lẽ chỉ có mỗi… công việc. Mỗi khi nhắc đến các công tác vận hành nhà máy thì anh hăng hái, tham gia mổ xẻ các vấn đề và luôn muốn đi đến tận cùng. Điện thoại của anh liên tục kết nối với các kỹ sư vận hành, chuyên viên công nghệ mỗi khi có một sự cố nhỏ nhất xảy ra trong nhà máy. Những người bạn thân với anh Toàn thường mắng anh vì cái “bệnh” ham việc. Thời gian đầu khi vận hành nhà máy có những đợt anh lo lắng suốt 3 ngày đêm mất ăn mất ngủ. Nhìn anh càng ngày càng gầy, đôi mắt thì thâm quầng mất ngủ, rất nhiều lần anh em phải bắt anh ngủ bù nhưng chỉ được 1-2 giờ lại thấy anh bật dậy lóc cóc đi bộ ra nhà máy.

Tâm tình người làm dự án

Nhiều người cho rằng những người làm dự án phải chấp nhận xa nhà, thiếu thốn vật chất, tinh thần thì sẽ được bù đắp lại bằng mức lương, thưởng cao “ngất ngưởng”. Nhưng thực tế thì không như vậy. Đối với những vùng sâu, vùng xa,  mức lương, thưởng có thể gấp 2, gấp 3 thu nhập trung bình tại địa phương nhưng cũng chỉ tương đương với thu nhập bình quân tại các thành phố lớn. Đối với những người Dầu khí thực hiện các dự án trên cả nước, thì việc hoàn thành nhiệm vụ, đạt được hiệu quả cao, xứng đáng với sự  tin tưởng của lãnh đạo giao cho là phần thưởng lớn nhất. 

Tâm tình này thể hiện rõ nhất với chúng tôi từ lần được chứng kiến một cuộc họp hội ý mà toàn bộ phòng công nghệ của PVTEX đã đồng thời yêu cầu Trưởng phòng Phạm Khắc Toàn phải nghỉ làm 2 ngày cuối tuần. Đó là thời điểm nhà máy đang đi vào giai đoạn vận hành chạy thử đồng bộ. Mọi người đưa ra rất nhiều lý do quyết liệt gần như bắt buộc anh Toàn phải nghỉ phép như đã 3 tháng liền anh chưa lần nào nghỉ quá một ngày, hay sức khỏe của anh vốn đã không tốt lại liên tục thức đêm, ăn uống không đầy đủ… Nhưng lý do thật là anh phải chuyển nhà tại Hà Nội, tuy nhiên chính anh cứ lưỡng lự vì nhiều việc quá. Đây là căn hộ đầu tiên hai vợ chồng anh Toàn phải mất hơn chục năm dành dụm mới mua được từ chính những đồng tiền lương. Vậy mà để hưởng cái thành quả rất đỗi giản dị này anh Toàn vẫn phải khất lần vợ con.

Là mẫu người đàn ông của gia đình, sống nội tâm nên nỗi nhớ con, thương vợ của anh Toàn chẳng bao giờ chia sẻ cùng ai. Anh em phòng Công nghệ của PVTEX cho biết không ít đêm thấy anh Toàn ngồi thẫn thờ trên hành lang khu nhà tạm sau khi gọi điện nói chuyện với cô con gái nhỏ. Tính ra thời gian anh ở nhà với vợ con không bằng số lẻ ngày anh phải công tác xa nhà mới biết những ngày hạnh phúc ít ỏi bên gia đình của anh rất đáng quý.

Sau khi chính thức nhận bàn giao Nhà máy Sản xuất Xơ sợi polyester Đình Vũ, PVTEX đã từng bước hoàn thiện công nghệ sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm đạt chất lượng cao được các doanh nghiệp xơ sợi trên cả nước đón nhận. Nhìn lại toàn bộ quá trình xây dựng nhà máy xơ sợi tổng hợp đầu tiên của Việt Nam, rất nhiều tấm gương lao động như anh Phạm Khắc Toàn, những người đang từng ngày, từng giờ thầm lặng truyền lửa trên bán đảo Đình Vũ. Họ thực sự là những tấm gương sáng để soi vào cho ta thấy chân giá trị của một người lao động.

Thành Công

 

DMCA.com Protection Status