Kiểm toán - Tấm gương trung thực để doanh nghiệp soi mình

11:20 | 31/07/2012

1,699 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Vai trò của kiểm toán đối với xã hội hiện nay ngày càng trở nên quan trọng, báo cáo kiểm toán dù được thực hiện theo một hệ thống chuẩn mực, hệ thống luật định nhưng tùy theo mục đích và sự hiểu biết của đối tượng sử dụng sẽ có giá trị khác nhau.

Từ cách nhìn nhận đúng...

Theo một định nghĩa chung nhất, kiểm toán là một hoạt động kiểm tra đặc biệt nhằm xác minh tính trung thực và hợp lý của các tài liệu, số liệu kế toán, báo cáo tài chính của các tổ chức, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, bảo đảm việc tuân thủ các chuẩn mực và các quy định hiện hành.

Khi các tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán hoạt động hiệu quả và hoàn thành vai trò của mình trong nền kinh tế, họ sẽ đóng góp đáng kể cho việc tạo ra thông tin tài chính chất lượng cao.

Ít ai biết rằng, kiểm toán là một công việc được thực hiện cách đây hơn 2300 năm, từ thời La Mã cổ đại. Thời đó, người ta đã sử dụng những vị quan chức đặc biệt và độc lập để kiểm tra và đánh giá cũng như tư vấn cho chính quyền về các vấn đề tài chính. Thuật ngữ "kiểm toán - audit" chính là có gốc từ chữ Latinh vậy.

 Ngày 14/7 tại Lễ kỷ niệm 5 năm và trao giải Báo cáo thường niên tốt nhất của các doanh nghiệp Việt Nam 2012. Trong số top 10 Báo cáo thường niên tốt nhất có Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM).

Mục tiêu của kiểm toán là giúp đưa ra ý kiến nhận xét đánh giá đối với báo cáo tài chính xem nó có được lập trên cơ sở chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành, có tuân thủ pháp luật liên quan và có phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu hay không. Cùng với việc đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính, kiểm toán còn giúp cho đơn vị được kiểm toán thấy rõ những tồn tại, sai sót để khắc phục nhằm nâng cao chất lượng thông tin tài chính của đơn vị.

Chúng ta đều biết, hoạt động kiểm toán độc lập là hoạt động kiểm toán rất phổ biến ở các nước có nền kinh tế phát triển, vì thế hoạt động kiểm toán nói chung thường được coi là hoạt động kiểm toán độc lập. Trong hoạt động kiểm toán độc lập thì kiểm toán báo cáo tài chính là chủ yếu. Nếu kiểm toán độc lập là hoạt động dịch vụ và thu phí thì kiểm toán nhà nước lại là công việc kiểm toán do cơ quan kiểm toán nhà nước tiến hành theo luật định và không thu phí. Nội dung của kiểm toán nhà nước chủ yếu là kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, xem xét việc chấp hành các chính sách luật lệ và các chế độ của nhà nước, đánh giá hiệu quả hoạt động tại các đơn vị nhằm công bố công khai kết quả kiểm toán ra công chúng góp phần công khai, minh bạch hoạt động tài chính và ngân sách nhà nước, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia...

Kiểm toán độc lập chỉ mới phát triển ở Việt Nam 20 năm nay, ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển thì kiểm toán là một dịch vụ danh giá, có truyền thống hàng trăm năm, cho nên nó được khẳng định là ngành dịch vụ cao cấp, đối tượng hướng tới nó phải là những người có tri thức nhất định.

Theo một số chuyên gia thì điểm xuất phát của kiểm toán là con số nhưng việc sử dụng kiểm toán thì xuất phát từ niềm tin. Căn cứ vào vài đánh giá của kiểm toán, người ta có thể tin vào hoạt động của cả một hệ thống kế toán tài chính. Sản phẩm kiểm toán là một sản phẩm vô hình. Con số của báo cáo tài chính là của doanh nghiệp, ý kiến của kiểm toán chỉ là ngôn ngữ, nhưng nhà đầu tư xem báo cáo kiểm toán để ra quyết định đầu tư. Ý kiến của kiểm toán luôn là một cơ sở và căn cứ tin cậy cho những người sử dụng báo cáo kiểm toán để tham khảo. Khi đưa ra những nhận xét về tính trung thực và hợp lý của các thông tin tài chính trên những khía cạnh trọng yếu cho những người sử dụng báo cáo kiểm toán, ý kiến của kiểm toán như một phương hướng vạch đường cho người ta đi tới, cho dù mọi người có thể đi tới bằng những con đường khác nhau.

Những người sử dụng báo cáo kiểm toán là công chúng đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước và bao gồm luôn cả chính những công ty được kiểm toán. Công chúng đầu tư họ có cách phân tích riêng tùy theo mục đích và quy mô đầu tư của họ, đầu tư thế nào họ sẽ phân tích ở các mức độ khác nhau. Cơ quan quản lý nhà nước thì phân tích theo chức năng của họ. Còn bản thân doanh nghiệp, có đơn vị chỉ coi như thực hiện một nhiệm vụ bắt buộc theo luật định, ngược lại có đơn vị xuất phát từ nhu cầu, mong muốn có sự soi tỏ các mặt được và chưa được bằng một bên thứ ba như kiểm toán để họ điều chỉnh hệ thống, họ coi trọng các ý kiến khách quan của kiểm toán, lấy đó như một tấm gương trung thực để soi lại mình.

... Đến hành động khôn ngoan

Công tác kiểm toán ở một đất nước mới phát triển như Việt Nam cần có thời gian để công chúng hiểu thế nào là kiểm toán và kiểm toán độc lập, thế nào là báo cáo kiểm toán và đọc thế nào cho đúng, sử dụng thế nào cho hiệu quả.

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn, khi các báo cáo tài chính đã được kiểm toán và công bố, các nhà đầu tư luôn luôn cần đọc báo cáo tài chính cùng với báo cáo của kiểm toán. Thông thường, việc công bố thông tin trong bản cáo bạch của các công ty niêm yết, các công ty đại chúng theo Luật Chứng khoán hay việc công bố thông tin trong bản báo cáo thường niên của những công ty không phải làm bản cáo bạch đều không công bố đầy đủ, khi công bố cho các mục đích khác nhau người ta thường rút ngắn ở các mức độ khác nhau. Các chuyên gia tài chính cũng còn phải đọc và phân tích mới hiểu, nên các nhà đầu tư cần biết cách đọc nó một cách thông minh. Nhiều khi báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đưa ra không kèm với báo cáo của kiểm toán. Báo cáo tài chính đã được kiểm toán mới là một bộ đầy đủ.  Đọc các bản cáo bạch một cách thông minh nghĩa là người ta phải hiểu nó là một báo cáo đầy đủ hay rút gọn, nếu đã được kiểm toán thì người ta phải xem được ý kiến của kiểm toán viên.

Ở Việt Nam trong những năm gần đây, công tác kiểm toán và tư vấn tài chính, kế toán, đã góp phần phổ cập cơ chế chính sách kinh tế, tài chính, góp phần thực hiện công khai minh bạch báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, ngăn ngừa lãng phí, tham nhũng, phục vụ đắc lực công tác quản lý, điều hành nền kinh tế, tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Không chỉ công chúng đầu tư mà cả các cơ quan quản lý Nhà nước, cần phải đọc báo cáo kiểm toán cho đúng, nếu không hiểu luật, không hiểu quy trình sẽ không thể đọc đúng. Công chúng đầu tư theo tâm lý đám đông, hay đầu tư theo niềm tin, nhưng bản chất là yếu tố tâm lý. Những nhà đầu tư khi đã sử dụng báo cáo kiểm toán là nhà đầu tư ở cấp độ khác, những nhà đầu tư có hiểu biết, họ sử dụng báo cáo kiểm toán làm cơ sở thông tin cho mình khi đưa ra các quyết định đầu tư. Họ đọc và hiểu được ý của kiểm toán viên muốn nói gì.

Giá trị của thông tin được cung cấp phụ thuộc vào việc nó có kịp thời hay không, đầy đủ và minh bạch hay không. Vai trò của nhà tư vấn hay kiểm toán là vai trò thúc đẩy giá trị của thông tin đó, còn phía cung cấp các thông tin là chính doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ, kịp thời và minh bạch mà các kiểm toán viên bị phiến diện, bị hạn chế về phạm vi cung cấp, hoặc về khả năng của các nhà kiểm toán thì sẽ tạo ra một mảng tối của thông tin. Về cơ chế và hệ thống, phải đưa ra được hướng dẫn rõ ràng là những thông tin nào cần cung cấp, thông tin nào cần cung cấp theo quý, theo năm…

Ở nhiều nước, thông tin cung cấp theo quý cũng phải được kiểm toán, còn ở ta, những thông tin theo tháng, quý là do doanh nghiệp cung cấp, nếu trong khi hệ thống chưa minh bạch, thông tin không chính xác sẽ là nguyên nhân làm rối thị trường.

Được biết, từng có những khuyến cáo rằng, các báo cáo quý cũng cần phải được soát xét bởi các kiểm toán viên, song một số ý kiến của các cơ quan chức năng lại cho rằng, điều đó đúng trên phương diện một xã hội phát triển, còn ở ta điều đó sẽ gây sự tốn kém về thời gian và kinh phí, trong khi các doanh nghiệp còn đang chưa sẵn sàng cho công khai minh bạch, nay lại phải chi thêm tiền cho việc công khai minh bạch thì là cả một vấn đề lớn.

Hiện nay, chất lượng hoạt động kiểm toán ở ta không phải lúc nào cũng đảm bảo theo đúng yêu cầu của quy trình, vẫn còn những sai sót mang tính rủi ro do cơ chế, do hệ thống luật pháp về kiểm toán (dù đã được hoàn thiện, nhưng vẫn chưa đầy đủ) hoặc do quy trình kiểm toán gây ra.

Tác động đến việc nâng cao nhận thức cho công chúng đầu tư khi đọc báo cáo kiểm toán là vấn đề chuyển tải thông tin, đây chính là một điểm then chốt, là nhiệm vụ của người đưa tin. Cơ quan thông tin cần phải đưa tin chuẩn xác, với báo cáo tài chính và kiểm toán, chỉ đọc sai đi một chút sẽ thành thông tin khác. Mỗi một tờ báo có bạn đọc riêng của mình và họ phải có phương pháp đọc và chuyển tải, diễn giải một cách rõ ràng hiệu quả và dễ hiểu nhất cho độc giả của mình. Phía các đơn vị kiểm toán có nhiệm vụ đảm bảo chất lượng của báo cáo kiểm toán trên cơ sở tuân thủ các quy trình kiểm toán sao cho không sai các quy định và chuẩn mực về kiểm toán.

Nguyễn Tiến Dũng

(Năng lượng Mới số 142, ra thứ Ba ngày 31/7/2012)