Đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế:

Trách nhiệm không riêng của ngành điện

07:38 | 16/10/2014

525 lượt xem
|
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hệ thống điện quốc gia đã có dự phòng, đảm bảo cung ứng đủ điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế trong năm 2014 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi có sự cố lớn về lưới, việc cung ứng điện sẽ bị ảnh hưởng. Và để hạn chế tối đa tình trạng này, ngành điện rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền địa phương.

Năng lượng Mới số 365

Lưới truyền tải gặp khó

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), trong 3 năm gần đây, bằng sự nỗ lực tự thân, ngành điện đã bổ sung vào hệ thống điện gần 9.900MW nguồn điện mới, 110 công trình lưới điện 500-220-110kV với tổng chiều dài tăng thêm là 5.600km, 25.400MVA công suất trạm biến áp… VEA đánh giá, hệ thống điện Việt Nam về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải với độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được nâng cao.

Đặc biệt, độ ổn định tin cậy của hệ thống điện tại nhiều khu vực đã cải thiện do nhiều công trình chống quá tải được hoàn thành. Cùng với việc bổ sung các công trình nguồn và lưới theo quy hoạch, các hệ thống rơle bảo vệ và tự động hóa cũng được cải tạo, nâng cấp. Các rơle bảo vệ làm việc tin cậy, chọn lọc, tác động chính xác góp phần đảm bảo vận hành an toàn và nâng cao tính ổn định trong vận hành hệ thống điện.

Trách nhiệm không riêng của ngành điện

Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, hệ thống lưới điện vẫn tiềm ẩn không ít thách thức. Theo ông Đỗ Mộng Hùng - Trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất (EVN): Hệ thống lưới điện vẫn xuất hiện tình trạng quá tải cục bộ tại một số điểm, độ tin cậy cung cấp điện chưa cao, tiêu chí N-1 (tiêu chí bảo đảm nếu hệ thống điện bị mất do sự cố thì sẽ không phải sa thải phụ tải hoặc hệ thống phải vận hành ngoài các giới hạn kỹ thuật cho phép) chưa được đảm bảo.

Ngoài ra, số liệu thống kê của EVN từ năm 2013 đến nay cũng cho thấy, lưới điện 500kV luôn vận hành trong tình trạng đầy tải theo hướng từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Lưới điện truyền tải bị đầy tải là vậy nhưng công tác thu xếp vốn, đền bù giải phóng mặt bằng cho một số công trình lưới điện còn khó khăn, dẫn tới chậm tiến độ và hệ quả là lưới điện truyền tải chưa đảm bảo dự phòng, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Nam.

Một yếu tố cũng được các chuyên gia năng lượng đặt ra là tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện, nhất là đối với các đường dây cao áp ngoài việc gây nguy hiểm cho người dân, mất an toàn trong việc cấp điện còn gây nhiều khó khăn cho việc đảm bảo vận hành tin cậy và ổn định hệ thống điện.

 “Với tổng chiều dài trên 1.500km từ Bắc vào Nam, việc liên tục phải truyền tải công suất và sản lượng điện lớn trong thời gian dài là một vấn đề khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện”, ông Hùng nói.

Gỡ vướng từ khâu giải phóng mặt bằng

Như đã đề cập tới ở trên, hệ thống điện quốc gia đã có dự phòng nhưng khâu truyền tải đang gặp khó. Nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng này là do thiếu vốn đầu tư và những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy, việc giải bài toán đảm bảo cung cấp điện an toàn và ổn định trong mọi tình huống là nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho ngành điện. Hệ thống điện quốc gia phải được vận hành an toàn, thông suốt, đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế là nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao cho ngành điện. Và để làm được điều này, ông Hùng cho rằng, trước mắt cần tăng cường công tác bảo vệ, giảm thiểu nguy cơ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, đặc biệt là hành lang an toàn hệ thống điện 220/500kV.

Theo ông Hùng, EVN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, đặc biệt là hành lang an toàn hệ thống điện 220 và 500kV. Đặc biệt, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia phải chú trọng kiểm tra trong vận hành và công tác thí nghiệm, bảo dưỡng theo quy định đối với các thiết bị trên lưới điện truyền tải để kịp thời phát hiện, xử lý các hiện tượng bất thường của thiết bị lực và hệ thống rơle bảo vệ nhằm ngăn ngừa sự cố.

Về trung và dài hạn, EVN sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng độ tin cậy và ổn định của lưới điện truyền tải nói riêng và hệ thống điện nói chung. Qua đó, từng bước giải quyết các bất cập hiện nay như phải truyền tải cao trên đường dây 500kV Bắc - Nam, tình trạng đầy và quá tải đường dây và trạm biến áp, tình trạng điện áp thấp... Cụ thể, trong 4 năm tới, EVN phấn đấu đảm bảo tiến độ các công trình nguồn điện đang xây dựng tại miền Nam; trong đó tập trung vào dự án Vĩnh Tân II, Duyên Hải I, Ô Môn I.2, Duyên Hải III, Duyên Hải III mở rộng, Vĩnh Tân IV nhằm tăng thêm nguồn điện cho khu vực phía Nam để giảm truyền tải trên các đường dây 500kV Bắc - Nam.

Cùng với việc đảm bảo tiến độ đầu tư các công trình lưới điện truyền tải, giải quyết dứt điểm tình trạng đầy và quá tải của đường dây và trạm biến áp, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia cần tiếp tục đầu tư lắp đặt các thiết bị FACTS (hệ thống truyền tải điện xoay chiều linh hoạt), trước mắt là các tụ bù tĩnh SVC (tụ bù tĩnh có dung lượng thay đổi) trên hệ thống 500/220kV nhằm cải thiện chất lượng điện áp và nâng cao độ ổn định cho hệ thống. Đồng thời, triển khai trang bị máy cắt kháng điện 500kV để đảm bảo khả năng điều chỉnh điện áp trong các chế độ vận hành hệ thống điện.

Về phía EVN, trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ triển khai thực hiện dự án “Đánh giá, phân tích, đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường ổn định và tin cậy của hệ thống điện Việt Nam” và dự án “Thiết lập đặc tính kỹ thuật và tiêu chuẩn cho cấu hình hệ thống rơle bảo vệ, thiết bị tự động hóa cho nhà máy điện và trạm biến áp của hệ thống truyền tải điện Việt Nam”, trong đó sẽ tập trung nghiên cứu các vấn đề về ổn định và dao động hệ thống điện. Ngoài ra, nghiên cứu triển khai một số hệ thống kỹ thuật cao như một số nước tiên tiến trên thế giới đã làm như hệ thống bảo vệ diện rộng, hệ thống sa thải phụ tải theo điện áp, sơ đồ tách đảo cưỡng bức, sơ đồ cắt liên động...

Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp mà EVN đề ra, vai trò của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cấp chính quyền địa phương trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng các công trình lưới điện truyền tải. Có như vậy, các dự án mới có thể thi công đúng kế hoạch, góp phần tăng độ tin cậy cho hệ thống điện, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội qua các năm. Đồng thời, các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác đảm bảo hành lang an toàn lưới điện cao áp, đặc biệt là hành lang an toàn hệ thống điện 220kV và 500kV. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý lưới điện tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và nâng cao ý thức bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp trong xã hội, đặc biệt là những khu vực có đường dây cao áp đi qua.

Thanh Ngọc

  • el-2024