Sao thủ khoa không muốn đi bộ đội?

07:00 | 09/08/2013

1,453 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tiếc thay, trong xu thế hội nhập hôm nay, lòng yêu nước ở một bộ phận người Việt Nam ta đang bị mai một. Lợi ích cá nhân đã làm phai mờ, lệch lạc suy nghĩ và hành động.

Bùi Đức (NLM số 246)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Lòng yêu nước là tài sản thiêng liêng gắn với niềm tự hào, tự tôn dân tộc, là phẩm giá Việt Nam cần được bảo vệ, phát huy.

Dành thắng lợi vĩ đại từ 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tiếp tục xây dựng đất nước giàu đẹp trong thời bình, đó là nhờ sức mạnh đoàn kết, trí sáng tạo và lòng yêu nước của toàn dân tộc. Vị thế Việt Nam đã được khẳng định trên trường quốc tế, chúng ta tự hào là người Việt Nam sống trong độc lập, tự do. Cái giá mà chúng ta phải trả cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay là hàng chục triệu người con ưu tú hy sinh xương máu trên các chiến trường.

Chiến sĩ phòng không hải quân canh giữ biển trời Trường Sa (ảnh: Đăng Thanh)

Yêu nước, mỗi người Việt Nam dù ở vị trí nào, ở bất cứ đâu, đều sống có trách nhiệm hơn trong suy nghĩ và hành động. Trước xu thế toàn cầu hóa với những vấn đề nhạy cảm và phức tạp hôm nay, liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, lòng yêu nước và ý thức dân tộc lại trỗi dậy mạnh mẽ trong mỗi người dân nước Việt.

Yêu nước thể hiện ở tình yêu dân tộc, yêu đất nước, yêu con người Việt Nam, luôn luôn tận tâm tận lực, hăng say lao động dựng xây đất nước và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc khi có họa xâm lăng.

Tiếc thay, trong xu thế hội nhập hôm nay, lòng yêu nước ở một bộ phận người Việt Nam ta đang bị mai một. Lợi ích cá nhân đã làm phai mờ, lệch lạc suy nghĩ và hành động.

Mấy ngày gần đây, dư luận đang quan tâm tới một thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh vào Trường ĐH Y khoa Hà Nội. Đó là chàng trai Nguyễn Hữu Tiến ở xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Tiến dự thi 2 trường đại học, đỗ thủ khoa Đại học Y Hà Nội với 29,5 điểm và được 27 điểm Đại học Dược. Ngày 31-7, Tiến đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự và đã trúng tuyển. Cơ quan quân sự yêu cầu Tiến ở nhà chờ giấy báo lên đường nhập ngũ. Từ khi nhận được giấy gọi nhập ngũ, Nguyễn Hữu Tiến tỏ ra buồn bã: “Mình nghĩ việc đi bộ đội là hợp lý. Nhưng sau khi nghe người lớn chia sẻ, mình rất hoang mang. Mình không nghĩ mình thích hợp với môi trường quân đội và cũng không có khả năng phát triển ở đây. Mình rất muốn đi học...”. Điều Tiến lo âu là sau khi đi nghĩa vụ quân sự 2 năm, kiến thức rơi rớt hết, liệu có thể tiếp tục học đại học được không? Bà Hoàng Thị Thanh, mẹ Tiến thì đưa ra lý do: Nhà nghèo, đông con lại đang nợ 70 triệu đồng, muốn con trai đi học để sau này ra hành nghề, kiếm tiền trả nợ. Cán bộ quân sự huyện Ứng Hòa đưa ra một thông điệp: chỉ tiêu tuyển quân của huyện đợt này ít mà số lượng thanh niên đến tuổi nhập ngũ lại nhiều nên có thể cho những thanh niên đỗ đại học hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự để đi học.

Xét về tình thì thế nhưng xét về thì không ổn. Vấn đề là mọi công dân phải “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Đủ 18 tuổi, Nguyễn Hữu Tiến phải thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự. Hai anh em sinh đôi, Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Tiền đều 18 tuổi; nếu thực hiện đúng theo luật thì cả hai anh em đều phải nhập ngũ đợt này. Nhưng Hội đồng nghĩa vụ quân sự chỉ gọi Tiến nhập ngũ. Như thế đã là ưu ái. Còn ở góc độ kinh tế, gia đình Tiến rất nghèo, nếu học đại học 6 năm thì bố mẹ chưa biết lấy tiền đâu cho con ăn học. Nhưng vào bộ đội, Tiến được bao cấp toàn bộ; khi ra quân, anh còn được hưởng một khoản tiền trợ cấp học nghề.

Theo Luật Nghĩa vụ quân sự và Thông tư liên tịch của Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục & Đào tạo thì: “Trường hợp công dân nhận được Lệnh gọi nhập ngũ và Giấy báo nhập học vào các trường trong cùng một thời điểm thì phải chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ”.   

Gia đình Tiến có 4 anh chị em thì 2 chị gái đang là sinh viên đại học và cao đẳng. Nghĩa vụ quân sự đối với thanh niên thời bình như Tiến là tất yếu, không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn bởi Tiến chưa nhập học đại học. Đại tá Nguyễn Minh Diệp, Cục Quân lực (Bộ Quốc phòng) khẳng định: “Vừa nhận được giấy báo nhập học, vừa nhận được giấy gọi nhập ngũ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Việc sửa đổi (Thông tư liên tịch) vừa tăng chất lượng, số lượng bộ đội vừa giải quyết công bằng xã hội, không để người học giỏi đi học đại học, chỉ người học dốt đi bộ đội”.

Đại tá Nguyễn Thiện Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: “Quân đội ta phải mạnh. Không tuyển chọn lực lượng có trình độ cao, quân đội ta không thể lớn mạnh được. Ngày nay là tác chiến điện tử, là bản đồ số… tính chất và cách đánh khác hẳn ngày xưa, đòi hỏi mỗi chiến sĩ phải có trình độ học vấn cao”.

“Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, từ xa xưa, các bậc tiền nhân đã xác định trách nhiệm của công dân với đất nước. Và đến thời kỳ chiến tranh chống xâm lược, giải phóng đất nước, nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước đã động viên con em gia nhập quân đội, cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

Thời chiến tranh, hàng vạn thanh niên trí thức được đào tạo trong nước và nước ngoài đã lần lượt nhập ngũ. Hàng vạn sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường ra trận. Chính đội ngũ này đã góp phần quan trọng vào việc làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại và tham mưu những phương án tác chiến đạt hiệu quả cao trên chiến trường. Quân đội càng tiến lên chính quy, hiện đại, càng cần tuyển chọn những thanh niên có học vấn cao nhập ngũ. Những sinh viên tốt nghiệp đại học, dù thuộc lĩnh vực đào tạo nào, chuyên ngành gì đều có thể phục vụ trong môi trường quân đội. Vậy hà cớ gì thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến phải buồn và băn khoăn khi nhận lệnh nhập ngũ? Thời hạn phục vụ tại ngũ theo luật hiện nay chỉ có 18 tháng. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, anh sẽ tiếp tục học đại học.     

Con em những vị có chức quyền, con nhà giàu có, nếu ai cũng chạy chọt để trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì ai sẽ là người lãnh trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc? Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược song hành. Đất nước mạnh giàu nhưng luôn luôn phải cảnh giác trước mọi âm mưu phá hoại và xâm lược. Muốn bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước, chúng ta phải có quân đội hùng mạnh, chính quy, hiện đại. Nếu chỉ có những thanh niên trình độ văn hóa thấp vào bộ đội thì không thể có quân đội mạnh. Ở nhiều nước tiên tiến, việc thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự trước khi học đại học đã từ lâu trở thành thông lệ. Họ không cần hô hào, động viên mà chấp hành rất tự giác. Đó là thể hiện lòng yêu nước, trách nhiệm của công dân với đất nước.

Vậy thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay, nếu thể hiện lòng yêu nước thì tại sao phải băn khoăn trước nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc?

B.Đ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc