“Cát tặc”: Bao giờ hết lộng hành?

22:00 | 10/07/2018

464 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giải quyết dứt điểm việc khai thác cát trái phép không phải là chuyện quá khó khăn.

Mới đây, bên lề kỳ họp thứ 6, khóa XV HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP cho phóng viên xem đoạn clip dài 25 giây ghi lại cảnh “cát tặc” lộng hành ngay cạnh tàu cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy đứng cách đó 10m trên sông Hồng.

cat tac bao gio het long hanh
Hình cảnh tàu múc cát lậu ngang nhiên hoạt động trước mũi tàu cảnh sát đường thủy (Ảnh từ clip).

Chưa dừng lại ở đó, một lãnh đạo Cục CSGT nói rằng “chiếc tàu xuất hiện trong đoạn băng ghi hình là tàu hậu cần kỹ thuật, là nơi nghỉ ngơi cho các cán bộ chứ không phải là tàu kiểm tra giám sát”.

Ngay lập tức, lời lý giải trên cùng đoạn clip đã nhân được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và các chuyên gia. Nó minh chứng cho việc “cát tặc” lộng hành chưa bao giờ hết nóng.

Chuyện “cát tặc” đã có ở nhiều địa phương. Chuyện này không phải bây giờ mới nóng, mà nóng từ Bắc tới Nam từ lâu rồi, từ hệ thống sông Hồng, sông Đuống đến sông Tiền, sông Hậu… Theo đó, lợi ích lớn hơn là người khai thác cát trộm không mất gì, chỉ hút cát lên bán, còn người mua cát trộm cũng không mất gì, mua hàng ăn trộm giá rẻ bán đắt như sản phẩm làm ra.

Người dân sống hai bên bờ liên tục kêu cứu, thậm chí họ còn chỉ rõ từng đoạn sông, từng thời điểm có ghe hút cát nhưng rồi đâu lại vào đấy. Chuyện tàu CSGT không có nhiệm vụ kiểm tra giám sát nên khi phát hiện vi phạm cứ làm ngơ như không nhìn thấy là điều không thể chấp nhận được. Là người công dân bình thường mà ngơ cho phạm pháp đã là sai, đáng bị lên án thì người mặc lên mình trang phục của ngành công an không thể nói “tôi không có trách nhiệm”.

Thực tế, trách nhiệm giải quyết dứt điểm việc khai thác cát trái phép không phải là chuyện quá khó khăn. Bởi lẽ việc hút cát lậu diễn ra công khai, giữa thanh thiên bạch nhật, một ghe hút cát có trang bị máy hút, vòi, sào... rất dễ nhận biết và phân biệt với các loại ghe khác.

Trong khi đó, hệ thống chính quyền và các lực lượng chức năng được tổ chức đến tận tổ dân phố, thôn, xóm, ấp và sự giám sát của dân. Với lực lượng như vậy, nói chính quyền không biết là không thể chấp nhận.

Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác nguồn tài nguyên cát, có người nói: “Ăn lương nhà nước mà trách nhiệm không hoàn thành, không thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật là vô lý”. Thế nhưng, trớ trêu ở chỗ là lương thì sao bằng lộc. Cái gọi là “lộc” mà người nhà nước trong những trường hợp này thu được còn lớn gấp ngàn lần đồng lương “ba cọc ba đồng” từ ngân sách.

Thế nên, nhiều người hoài nghi có chuyện bảo kê là có lý. Bảo kê ở đây có thể hiểu theo nhiều nghĩa: Có chỗ chủ tàu khai thác cát trộm sử dụng lực lượng xã hội đen bảo kê hoạt động ăn trộm. Còn với chính quyền địa phương, lực lượng tuần tra trên sông, chủ tàu hút cát lại sử dụng những cách thức khác, phải có “chung chi” để được làm ngơ, phải có “phết phẩy” mới yên tâm hút cát ngang nhiên như thế. Việc này người dân hiểu rõ nhất.

Theo TS Lê Ái Thụ - Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam: “Mặc dù không thể khẳng định có tình trạng bảo kê đằng sau hay không vì bằng chứng chưa đủ nhưng qua đoạn băng ghi hình thể hiện tàu CSGT đứng cách đó 10m mà cát tặc vẫn khai thác thì rõ ràng đó có thể là biểu hiện của lợi ích nhóm chứ không phải do cát tặc hoạt động tinh vi mà cơ quan chức năng không phát hiện ra”.

Không có bảo kê thì không có “cát tặc” đó là điều chắc chắn. Cứ xử lý người đứng đầu, cứ trách nhiệm người đứng đầu mà “trói chặt”, tự khắc người đứng đầu cũng “trói chặt” trách nhiệm những ông khác. Liệu khi đó có còn ai dám bao che, dung túng?

Vấn đề ở đây là ai xử lý, xử lý bằng hình thức nào mới là quan trọng, nếu chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm thì đừng nói nữa. Người dân đã quá ngán ngẩm khi nghe điệp khúc của chính quyền địa phương: “Chúng tôi không đủ con người, không đủ thẩm quyền, sẽ báo cáo lên cấp trên xem xét xử lý...”.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp