Bạo lực đẫm máu ở Tân Cương: Thông tin từ hai phía

13:18 | 31/07/2014

2,799 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Cuộc đụng độ ở Tân Cương – nơi người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc sinh sống chủ yếu, xảy ra ngày 28/7 đã khiến gần 100 người thiệt mạng và bị thương. Đó là thông tin do Tổ chức Nghị hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới (WUC) công bố với truyền thông quốc tế ngày hôm qua (30/7).

Cảnh sát Trung Quốc đã phong tỏa Kashgar

Trước đó, Tân Hoa xã – hãng thông tấn nhà nước lớn nhất của Trung Quốc đã gọi vụ đụng độ trên là một cuộc tấn công khủng bố nghiêm trọng.

Tân Hoa xã cho hay, rạng sáng 28/7,tại  huyện Sa Xa, gần thành phố Kashgar, Tân Cương, Trung Quốc xảy ra một vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng. Một nhóm côn đồ đã cầm dao tấn công trụ sở chính quyền và đồn công an thị trấn Elixku, một số tên côn đồ còn chạy sang thị trấn Huang-di, đập phá và thiêu đốt xe cộ qua lại, chém giết quần chúng vô tội, làm hàng chục quần chúng dân tộc Duy Ngô Nhĩ và dân tộc Hán thương vong, 31 chiếc xe bị đập phá, trong đó có 6 chiếc bị đốt. Lực lượng công an đã nhanh chóng xử lý vụ việc theo pháp luật và bắn hạ tại chỗ 20 tên khủng bố.

Tân Hoa xã cũng cho rằng: đây là một vụ “tấn công khủng bố bạo lực nghiêm trọng có tổ chức, có sắp đặt và lên kế hoạch từ trước”.

Hiện tại, nhà chức trách Trung Quốc vẫn chưa công bố chính xác con số thương vong trong vụ việc xảy ra vào ngày 28/7.

AFP cũng khẳng định rất khó xác minh thông tin về tình hình Tân Cương một cách độc lập. Nhiều du khách nước ngoài phản ánh hàng loạt xe cảnh sát vũ trang, trong đó có ít nhất 5 xe bọc thép chở cảnh sát đã tiến vào thành phố chiều 30-7. Tất cả ô tô vào thành phố du lịch hút khách này đều bị yêu cầu quay lại.

Trong khi đó, ngoài thông báo con số thương vong là 100 người, tổ chức lưu vong WUC của người Duy Ngô Nhĩ khẳng định, cái mà chính quyền Trung Quốc gọi là “tấn công khủng bố” là một cuộc biểu tình hòa bình. Phát ngôn viên Dilxat Raxit của WUC nói rằng biểu tình xảy ra do chính sách đối xử không công bằng với các sắc tộc thiểu số mà chính phủ Bắc Kinh tiếp tục thực hiện, đẩy người Duy Ngô Nhĩ tới chỗ phải vùng lên để đòi quyền sống.

Trước ngày xảy ra vụ việc, công chức của tất cả các dân tộc ở Urumqi - thủ phủ của Tân Cương và các thành phố xung quanh nhận được thông báo khẩn, yêu cầu họ phải làm việc như ngày bình thường vào ngày 28/7 - ngày đầu tiên của lễ hội Eid đánh dấu kết thúc tháng chay Ramadan của người Hồi giáo.

Các cuộc đụng độ chết người liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ và cảnh sát địa phương cũng như nhân viên an ninh không phải là bất thường.

Tháng trước, chính quyền địa phương nói rằng, cảnh sát đã bắn chết 13 người sau khi họ lái xe vào một tòa nhà cảnh sát và gây ra một vụ nổ.

Vào tháng 6 năm ngoái, ít nhất 35 người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào đồn cảnh sát.

Một học giả Hồi giáo nổi tiếng người Duy Ngô Nhĩ, ông Ilham Toti, cũng vừa bị công tố viên Trung Quốc tại một phiên tòa ở Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương, khép vào tội ủng hộ Tân Cương ly khai. Ông Ilham Tohti là giáo sư khoa kinh tế Đại học Bắc Kinh, thường có lời lẽ phê bình thẳng thắn chính sách phân biệt đối xử của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, quê hương của ông.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Half hôm 30/7 nói: “Chúng tôi rất quan tâm đến thông tin Trung Quốc truy tố giáo sư kinh tế Ilham Tohti. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc trả tự do cho Tohti và 6 sinh viên cùng tổ chức với ông”.

Linh Phương