Quỳ lạy vì iPhone 6 và văn hóa ứng xử của người Việt

07:09 | 16/11/2014

5,661 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây, thông tin một cửa hàng trong khu mua sắm nổi tiếng Sim Lim ở Singapore lừa “bán đểu” iPhone 6 cho một du khách Việt Nam, chiếm đoạt mấy trăm đôla Singapore tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Ứng xử trước sự việc này, người dân Singapore đã bảo nhau góp tiền và trừng trị kẻ xấu, còn người Việt thì sao?

Năng lượng Mới số 374

Câu chuyện bắt đầu từ sự việc chủ cửa hàng Mobile Air tại khu Sim Lim Square (Singapore) đã giăng bẫy bán iPhone 6 giá rẻ cho du khách Việt tên Phạm Văn Thoại khiến anh này phải “quỳ, khóc, cầu xin” được hoàn trả lại tiền. Dù đã có sự can thiệp của cảnh sát và Hiệp hội Người tiêu dùng Singapore, anh Thoại chỉ nhận được lại 400SGD (đôla Singapore), còn lại 550SGD bị mất trắng.

Một quan chức của Tổng cục Du lịch Singapore đã xác nhận vụ việc này và kêu gọi mọi người hãy thông báo những trường hợp buôn gian bán lận để đưa lên mạng cảnh cáo. Ông Gabriel Kang, một thương nhân Singapore đã tìm gặp nạn nhân và đăng lời kêu gọi cộng đồng mạng đóng góp tiền hỗ trợ du khách này. Rất đông người Singapore đã ủng hộ chương trình này và đến ngày 6/11, số tiền quyên được sau hai ngày đã lên tới 10.000USD, vượt hơn nhiều lần số tiền dự định quyên ban đầu khoảng 1.350USD.

Tuy nhiên, nạn nhân chỉ xin nhận 550SGD, đúng bằng số tiền bị chiếm đoạt. Sau đó, ông Gabriel Kang đã mời anh Phạm Văn Thoại quay trở lại Singapore trong một chuyến du lịch với “nụ cười và hạnh phúc” bằng chính số tiền cư dân mạng ủng hộ anh.

Song song với hoạt động này, người dân Singapore đã lập một trang mạng xã hội để truy tìm tung tích của chủ cửa hàng Mobile Air, dùng áp lực, dọa tẩy chay khiến mẹ và vợ anh này phải đứng ra xin lỗi thay. Các cửa hàng khác tại Sim Lim cũng treo biển cảnh báo về hành vi làm ăn lừa lọc. Trong khi đó, Tòa án Tối cao Singapore đã đưa ra lệnh cấm kinh doanh đối với một số cửa hàng tại Sim Lim có hành vi bán hàng gian lận, gài bẫy du khách…

Khi bị lừa mua iPhone 6, anh Phạm Văn Thoại “quỳ, khóc, cầu xin” được hoàn trả lại tiền

Đó là cách người dân Singapore lấy lại công bằng cho du khách Việt Nam và bảo vệ hình ảnh cho đất nước mình. Tất nhiên, người dân Singapore không có lỗi trong vụ việc Mobile Air gây ra, nhưng họ ý thức được rằng đất nước nhỏ bé của họ giàu mạnh lên, nổi tiếng trên thế giới, được nhiều tập đoàn hùng mạnh chọn là nơi để đặt văn phòng cũng là nhờ vào hình ảnh được xây dựng thành công là một đất nước hiếu khách, luật pháp nghiêm minh, hiện đại lịch sự. Nếu hình ảnh đẹp đẽ đó bị hoen ố, thì trách nhiệm tẩy rửa và gột sạch nó không chỉ thuộc về chính quyền mà tất cả mọi người dân cũng phải góp sức, cũng như lời khẳng định của chính doanh nhân Gabriel Kang: “Chúng ta không phải là đất nước của những kẻ cắp và lừa đảo”.

Về phía Việt Nam, trước hành động bất đắc chí của anh Thoại, bên cạnh sự cảm thông, chia sẻ thì một bộ phận nhỏ người Việt tỏ thái độ lên án, chỉ trích cho rằng anh hèn hạ, không đáng mặt đàn ông. Thậm chí người ta đã chỉ trích anh Thoại về hành động cầu xin để lấy lại tiền, cho rằng như thế là nhục nhã, là làm mất mặt người Việt. Nhiều ý kiến chê anh này rởm đời, chảnh, lương đã “bèo” mà dám du lịch nước ngoài, lại còn đòi mua iPhone 6 tặng bạn gái. Hoặc, đã không biết tiếng Anh còn mắc “bệnh sĩ” khi ký vào hóa đơn không biết trong đó nói gì...

Ở đây, chúng ta một lần nữa lại phải nhắc đến lực lượng “cư dân mạng”. Đó không phải là toàn bộ những người dùng Internet, không phải là tất cả thành viên của mạng xã hội rộng lớn này, nhưng thực sự là một “cộng đồng đông đảo và... rất thích lớn tiếng”. Lớn tiếng để soi mói chỉ trích, lớn tiếng để a dua mà không cần biết thực hư sự việc và trong nhiều tình huống, còn là lớn tiếng để che đi một trái tim lạnh lùng, thiếu chia sẻ cảm thông. Nhẽ ra trong những tình huống thế này, người Việt Nam cần yêu thương nhau, chia sẻ với nhau để bảo vệ nhau những lúc sa cơ, chứ không phải bôi nhọ và sỉ nhục nhau như thế.

Câu chuyện anh Thoại bị gài bẫy mua iPhone 6 từ cửa hàng Mobile Air đã gợi nhớ lại vụ việc hai du khách người Hongkong là Kay (nam) và Doris (nữ) bị giật mất túi xách trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP HCM) khiến họ mất hết tiền bạc và giấy tờ tùy thân, buộc phải mang những tấm bưu thiếp ra bày bán trên đường Bùi Viện để có tiền ăn và cô gái đã bật khóc một cách tội nghiệp.

Hình ảnh đáng thương về Kay và Doris đã khiến không ít người dân Việt phẫn nộ và cảm thấy xấu hổ vì tệ nạn giật dọc khá phổ biến ở TP HCM. Một số người cũng đã tự nguyện giúp Kay và Doris chỗ ở miễn phí. Nhưng cũng chỉ đến thế… rồi Kay và Doris cũng nhận lại được hộ chiếu và trở về nước nhưng điều đáng nói là sẽ chẳng có gì để níu kéo, mời gọi họ quay trở lại Việt Nam ngoài một ấn tượng không đẹp khó phai. Và ngành du lịch Việt Nam đã làm gì trong một vụ việc điển hình trong dư luận như thế để mời gọi họ quay lại với một sự chào đón thân thiện và cởi mở?

Du khách nước ngoài đến với chúng ta phải tự trang bị kỹ năng mặc cả, nhìn chằm chằm vào đồng hồ taxi, giữ đồ thật chặt kẻo bị cướp. Chúng ta ngày ngày đi du lịch nước ngoài, lên máy bay nói chuyện oang oang, ra đường vứt rác bừa bãi và ăn buffet thì lấy thật nhiều đồ ăn rồi bỏ lại thừa mứa. Chúng ta tự bêu xấu chính hình ảnh đất nước mình khi một bé gái lấy đồ trong siêu thị bị treo biển “Tôi là người ăn trộm” trước nườm nượp những dòng người vào ra. Ra đường chúng ta chen lấn xô đẩy bất kể già trẻ, trai gái, ai cũng kêu than tắc đường, kẹt xe nhưng ai cũng muốn nhao lên, giành nhau từng centimet để con đường càng thêm tắc. Chúng ta tự gây nên lỗi lầm, tự nhìn những lỗi lầm của người khác rồi mặc kệ, với tâm lý “xã hội có trách nhiệm phán xét”.

Thay vì có những hành động thiết thực để thay đổi cái nhìn của du khách đối với đất nước, nhiều người chỉ biết lên mạng tỏ ra xấu hổ với bất kỳ chuyện gì, miễn chuyện đó do người Việt Nam làm. Họ xấu hổ mọi thứ, từ chuyện xử sự đời sống hằng ngày đến chuyện quốc gia đại sự, cứ như lúc nào họ cũng đang đau đáu về chuyện quốc thể, quốc gia vậy. Nhưng kỳ thực họ chẳng làm được điều gì có ích cho đời, phê phán thì hay, hành động thì dở và chỉ giỏi duy nhất chuyện suốt ngày tỏ ra xấu hổ.

Đã bao lần chúng ta được ca ngợi là điểm đến lý tưởng bởi lòng hiếu khách, sự thân thiện của người Việt, thức ăn ngon, phong phú, phong cảnh tươi đẹp, điểm đến an toàn… nhưng giờ đây phải ngậm ngùi bởi khách “một đi không trở lại”. Trong biết bao nguyên nhân, có điểm chúng ta phải thừa nhận đó là tình trạng lừa đảo, chặt chém du khách của nhiều người, ở nhiều nơi, từ nhà hàng, khách sạn tới xe ôm, taxi, người bán dạo… Cảm giác bị lừa đảo, bị chặt chém khiến người ta sợ hãi và tự hứa với lòng sẽ không bao giờ quay lại nơi đã đối xử với họ như vậy. Lòng tham đã khiến cho chúng ta không chỉ xấu đi mà còn nghèo đi.

Trong khi người dân Singapore đang nỗ lực bảo vệ danh dự đất nước từ những việc làm đơn giản nhất, thì một bộ phận không nhỏ người Việt đang làm xấu, làm hại hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế. Cùng một sự việc, ấy thế mà hai cách cư xử khác nhau quá đỗi. Đến lúc này, có thật rằng người đàn ông kia đáng xấu hổ đến thế vì đã khóc lóc, vì đã “sĩ diện” với bạn gái, hay chính chúng ta - lực lượng “cư dân mạng” mới phải tự xấu hổ về cách cư xử nhỏ nhen và lạnh lùng của bản thân với chính người Việt mình?

Khánh An

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc